Hoạ sĩ Nguyễn Diệu Hà, gương mặt sáng giá trong nghệ thuật họa hoa.

 
Minh Anh Chủ Nhật | 23/07/2023 07:00

Hoạ hoa, hoạ chánh niệm

Kín tiếng, sâu sắc và quyết liệt, Nguyễn Diệu Hà, đang từng bước khám phá, chinh phục vẻ đẹp “chánh niệm và trường cửu” của mẫu đơn.

Những tác phẩm hội họa của Nguyễn Diệu Hà luôn khắc họa sinh động các hình thái của hoa: khi bừng nở, lúc e ấp vừa chớm, hậu thì phôi phai theo gió... Nhưng cho dù ở hình thái nào, hoa cũng rực rỡ nhất như thể đang hiện diện trọn vẹn trong giây phút hiện tại.

Họa hoa

“Với sự biến động tuần hoàn của vạn vật theo 4 mùa, sự khởi đầu mới mẻ chưa bao giờ mất đi mà chỉ là hồi chuyển của thiên nhiên. Sự thay đổi này có thể dẫn đến những biến động trong tâm thức, suy nghĩ mỗi người. Có một chút lo âu khi ý thức thời gian còn lại của mình trở nên hữu hạn nhưng những xúc cảm về giá trị của chân - thiện - mỹ, của những khoảnh khắc thì sẽ luôn ở đó. Tôi muốn lưu lại tất cả bằng các giác quan, qua những nét vẽ của mình”, họa sĩ Diệu Hà chia sẻ.

Khởi đầu là họa sĩ theo đuổi trường phái tranh phong cảnh, hơn 6 năm trước, Diệu Hà chuyển hướng sang nghệ thuật họa hoa, từ niềm say mê trước vẻ đẹp đài các, quý phái của mẫu đơn. Càng vẽ càng bị cuốn hút, từ đó hầu hết thời gian người họa sĩ này đều dành tâm huyết cho hoa. 3 loài hoa thường hiện diện trong tranh Nguyễn Diệu Hà là mẫu đơn, anh đào và diên vỹ. Nếu mẫu đơn bừng sáng bởi vẻ sang trọng, anh đào lưu luyến trong khoảnh khắc phai tàn rực rỡ thì diên vỹ chứa đựng suối nguồn hy vọng, tràn trề nhựa sống.

Diệu Hà say mê chúng đến độ cô có thể dành hàng giờ, đều đặn mỗi ngày trong xưởng, miệt mài vẽ. Có khi, một bộ sưu tập hơn 20 bức tranh chỉ vẽ thuần một loài hoa mà vẫn chưa bị rút cạn ý tưởng, năng lượng vẫn tràn đầy.

 

Diệu Hà bộc bạch, cô vẽ hoa không chỉ vì vẻ đẹp bản thể của chúng, mà vì chúng mang đến khả năng thiết kế vô tận. Mỗi bông hoa chứa đựng cả thiên nhiên, đất trời, sự dịch chuyển của thời gian. “Mọi màu sắc của hoa có thể được tái hiện, tưởng tượng với nhiều hình dạng phức tạp duyên dáng, không những vậy, hoa còn ghi nhận lại sự phản chiếu ánh sáng, những dấu hiệu khi mùa thay đổi. Chuyển động, sự tươi mát của hoa dường như phản ánh cảm xúc của tôi khi nhìn thế giới trở nên sống động, không chỉ vào những ngày đầu tiên của mùa xuân. Mỗi mùa trong năm có cái chất liệu riêng của nó. Cũng như màu sắc có cái ấm lạnh, nồng cay, đậm nhạt. Chúng không thể tồn tại riêng biệt mà dựa vào nhau để tạo nên vạn pháp. Chỉ có dùng sắc màu để tô vẽ hoa lá mới cảm nhận được cái vô cùng của Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người. Những cây có hoa thơm, trái ngọt là những cây thực sự sống. Sống mãnh liệt. Nó có biết đâu từ khi nó nhỏ xíu cho đến lúc nó ra hoa, ra quả... là điều phải đến và sẽ đến”.

Cũng từ nghệ thuật họa hoa, Diệu Hà ngộ ra nhiều điều về nhân sinh, lẽ sống. “Cuộc đời vốn dĩ vô thường, tiền bạc, danh vọng và cả sinh mệnh này. Chỉ có tình yêu thương sẽ vẫn mãi bên mình. Các bức tranh chính là nơi giữ cho hoa mãi nở bằng nhiều cách khác nhau. Hoa tình yêu sẽ không bao giờ tàn”, cô tâm sự.

Có lẽ vì chuyên chở ý niệm này nên họa phẩm của Diệu Hà luôn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của giới sưu tập tranh. Trung bình mỗi năm, cô tổ chức một triển lãm, khi thì cá nhân, lúc thì triển lãm nhóm và phần lớn tranh luôn tìm được “nhà mới” để phô bày vẻ đẹp trường cửu. “Xem tranh hoa của Diệu Hà, tôi tìm thấy được sự an ủi, vỗ về. Những bức tranh, dù là hoa đang độ tàn, vẫn phảng phất hy vọng và sự tận hiến của một đời hoa. Nó như một lời nhắc dành cho tôi trước đời sống”,  anh T.T.A, một nhà sưu tập tranh, nhận định.

Họa chánh niệm

Thuở nhỏ, Diệu Hà được cô ruột là Nguyễn Thị Tâm, một họa sĩ danh tiếng trong nghệ thuật tranh phong cảnh, dạy vẽ. Vì sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha là Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế và là nhạc sĩ, em gái là nhà thiết kế Quỳnh Paris, nên việc 5 chị em Diệu Hà yêu thích và chọn học nghệ thuật cũng là điều hiển nhiên. Cô nói hội họa là niềm vui, là sự an ủi, xoa dịu nên chưa khi nào Diệu Hà nghĩ sẽ theo đuổi con đường chuyên nghiệp. “Đừng nghĩ đến kết quả của tranh hay kết quả của người nghệ sĩ. Hãy yêu và say mê cái đẹp. Đối với tôi, đi tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh là niềm vui bất tận”, Diệu Hà tâm sự. Tuy nhiên, chính sự động viên và ảnh hưởng của gia đình, từ vật chất lẫn tinh thần đã nuôi dưỡng mầm nghệ thuật trong cô. 5 chị em Diệu Hà sau này cũng lần lượt theo đuổi các lĩnh vực hội họa, thiết kế thời trang và âm nhạc.

Vẽ đúng nghĩa là một niềm yêu thích, thuần khiết.
Vẽ đúng nghĩa là một niềm yêu thích, thuần khiết.

Phòng tranh Spring của gia đình họa sĩ Nguyễn Diệu Hà hoạt động từ năm 1990, là một trong những phòng trưng bày hội họa đầu tiên tại TP.HCM. Phòng tranh vừa là nơi trưng bày và bán các tác phẩm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật, cũng vừa là nơi để thân sinh cô sáng tác về nhiếp ảnh và âm nhạc. “Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật tọa lạc lại trung tâm Sài Gòn, phòng tranh cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều người hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khác nhau, cũng như tiếp xúc với các nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp thế giới. Tôi được mở mang kiến thức, quan điểm, cung cách giao tiếp và cả kinh nghiệm phát triển, phân phối tác phẩm nghệ thuật khi tiếp xúc với những nhân vật trong giới tinh hoa. Từ đó, tôi thấy trân quý hơn tinh thần làm việc miệt mài để sáng tạo ra những họa phẩm thể hiện cá tính của riêng mình, đặc biệt là đối với những tuyệt tác hội họa sưu tập được từ những họa sĩ lão làng do cha tôi, gia đình tôi gìn giữ bấy lâu”, cô chia sẻ.

Chuyến giao lưu văn hóa Việt - Đức tại Munich năm 1995 đã thay đổi suy nghĩ của Diệu Hà về hội họa. Đây là triển lãm đầu tiên của cô tại nước ngoài. Dù là triển lãm nhóm, song hơn 20 bức tranh lụa trưng bày ký tên nữ họa sĩ khả ái này đã tìm được chủ nhân sưu tập. Những ngày lưu lại Munich, Diệu Hà còn được hỏi mua những bức phác họa cô vẽ trên đường khi tranh thủ dạo phố. “Tôi nhận ra, mình có thể nuôi dưỡng tình yêu với hội họa một cách lâu dài và bất kỳ thời không nào”.

Dù vậy, cuộc sống gia đình không cho phép Diệu Hà mơ mộng. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, cô trở thành nhân viên văn phòng của một trong những công ty đa quốc gia hàng đầu Việt Nam và bền bỉ gắn bó tại đây cho đến tuổi hưu, song song với công việc của một nghệ sĩ. “Vẽ đúng nghĩa là một niềm yêu thích, thuần khiết. Việc làm ổn định giúp tôi không phải lo nghĩ nhiều đến vấn đề kinh tế và cũng giúp tôi có đủ tiền mua họa phẩm hoặc đi khám phá thế giới cho những ý tưởng sáng tạo trong hội họa”, cô tâm sự.

Ban đầu, họa sĩ Diệu Hà chọn lụa làm chất liệu thực hành nhưng càng về sau, trải nghiệm trên nhiều chất liệu khác nhau, cô chuyển hướng sang hẳn sơn dầu. Cô lý giải điều này: “Giá trị của phương pháp vẽ sơn dầu là ở chỗ nó cho phép đạt được các chuyển sắc đa dạng nhất, bảo đảm sự trường tồn của tác phẩm. Vẽ sơn dầu nhiều lớp, bên cạnh tài năng, đòi hỏi lòng say mê tìm tòi và thử nghiệm, đức tính kiên trì cũng như cảm giác về sự hoàn hảo”.

Một quãng, Diệu Hà ngừng vẽ là lúc cha của cô qua đời. Đó cũng là lúc người họa sĩ này có ý niệm rõ hơn về cái chết, từ mất mát, bi ai đến bình thản đón nhận và tranh của cô giai đoạn sau dường như đậm nét chánh niệm hơn. “Thần số học xem tính được khung sườn tương lai và số mệnh nhưng lại không có phương pháp nào tính ngày mất của ai đó. Cho nên cái gần nhất trên thế gian này là cái chết. Vậy việc của mình không phải là xem các đỉnh cuộc đời treo đẹp đẽ ở tương lai và mong thời gian trôi chậm lại mà là tích cực sống như hôm nay là ngày cuối cùng, cảm nhận mọi thứ một cách định thân tâm, làm tất cả mọi điều khơi nhân lành”, cô chiêm nghiệm.

Có thể bạn quan tâm:

Gìn giữ di sản điện ảnh quốc gia