H.A.T tiếp sức cho giáo viên. Ảnh: QH
H.A.T tiếp sức cho giáo viên
Ngày 27.3.2020, hai tháng sau công bố tạm dừng hoạt động tất cả các trường học tại Việt Nam, trên trang cá nhân, Thạc sĩ Quản trị Giáo dục Văn Đinh Hồng Vũ công bố những thông tin đầu tiên về H.A.T, một dự án gây quỹ và cấp các suất hỗ trợ tài chính cho giáo viên mầm non bị mất việc bởi COVID-19.
Lan tỏa yêu thương
Đây là một sáng kiến phi lợi nhuận nhằm giúp các thầy cô giáo "vượt bão" và trụ lại với nghề. Người sáng lập ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến ELSA cho biết, giáo viên mầm non vốn là một nghề kén người do thu nhập thấp và nhiều áp lực. Trung bình, thu nhập của họ chỉ từ 3-5 triệu/tháng và thường không có tích lũy hoặc bảo hiểm, vì vậy dễ bị tổn thương nhất bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. “Bình thường nghề này đã khó thu hút và giữ chân người. COVID-19 khiến ngành mầm non đứng trước nguy cơ một lượng lớn nhân sự sẽ bỏ nghề, bỏ ngành để kiếm sinh kế khác”, chị Văn Đinh Hồng Vũ nói.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi trường ngoại khóa TOMATO Children’s Home, cũng cho biết, trước tình hình này, thiệt hại về mặt doanh thu của ngành giáo dục khi các trường phải đóng cửa vì COVID-19 chỉ là phần nổi. “Để thu hút và đào tạo lại một lực lượng thay thế sau đại dịch là việc không dễ dàng và tiêu tốn nguồn lực không nhỏ của xã hội. H.A.T ra đời nhằm giúp giáo viên, bảo mẫu mầm non trang trải chi phí sinh hoạt và cầm cự qua mùa dịch”, chị Uyên Phương chia sẻ. Đó chính là lý do chị Nguyễn Thúy Uyên Phương cùng với 2 người bạn Văn Đinh Hồng Vũ và Nguyễn Đức Thùy Anh quyết định phải có hành động thiết thực hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngay trong những ngày dịch bệnh hoành hành. H.A.T (Help A Teacher Fund) ra đời từ trăn trở của những trái tim nặng lòng với giáo dục.
Theo ước tính, có khoảng 472.000 giáo viên thuộc các trường, nhóm, lớp ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Do đó, H.A.T đặt ra mục tiêu sẽ giúp được tối thiểu 100-150 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi người một suất hỗ trợ tài chính trị giá 8,4 triệu đồng, tương đương 2 tháng lương tối thiểu vùng 2019. Những người đã làm việc từ 1 năm trở lên trong lĩnh vực giáo dục, không trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm nhà nước, có thu nhập ít hơn 5 triệu/tháng trong 30 ngày qua là đối tượng chính được thụ hưởng suất hỗ trợ này. Quỹ sẽ ưu tiên cho trường hợp giáo viên có người phụ thuộc cần chăm sóc như con cái, cha mẹ, anh chị em…, giáo viên có bệnh cần chữa trị và đặc biệt là những giáo viên có người thân làm việc trong lực lượng chống dịch hiện nay. VietSeeds Foundation và tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục trẻ tuổi đầu đời The Caterpies sẽ đảm nhận công tác hỗ trợ vận hành và xét tuyển.
Đáp đền kết nối
Tâm huyết và dự định tốt đẹp của những người triển khai H.A.T ngay lập tức nhận được hưởng ứng từ cộng đồng. Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, tổ chức phi lợi nhuận VietBay cùng hàng trăm mạnh thường quân đã đồng hành, cùng đóng góp cho dự án.
Chỉ trong vòng chưa đầy 12 giờ kể từ khi dự án được giới thiệu, hơn 300 mạnh thường quân đã góp sức cho H.A.T. Và một tuần sau khi phát động, quỹ đã vượt mốc 66.000 USD. Nguyễn Đức Thùy Anh, người điều hành khâu xét chọn của H.A.T, cho biết với số tiền này, quỹ sẽ giúp được 180 giáo viên trong số gần 1.500 đơn đăng ký.
Đáng chú ý, những khoản đóng góp không hề một chiều. Ở phía người nhận, các giáo viên cũng sẽ cam kết tiếp tục công việc trong ngành giáo dục sau dịch bệnh. Đồng thời, giáo viên nhận tài trợ cam kết đáp đền tiếp nối bằng cách nhận dạy online “một kèm một” cho con của những gia đình có người tham gia lực lượng chống dịch COVID-19, sáng tạo những món đồ chơi tặng các bé, cùng xây dựng thư viện H.A.T cho cộng đồng… Nhờ những hoạt động ý nghĩa này mà H.A.T nhanh chóng thuyết phục được mạnh thường quân. Một nhà tài trợ hảo tâm cam kết sẽ đóng góp 1:1 cho toàn bộ số tiền mọi người đóng góp. Nghĩa là số tiền cộng đồng góp cho quỹ có thể được nhân đôi, nhưng tối đa là 10.000 USD.
Vỏn vẹn chỉ có 9 ngày để H.A.T làm mọi việc từ gây quỹ, thẩm định hồ sơ đến phỏng vấn và công bố. “Chúng tôi chưa từng tham gia dự án nào mà khẩn trương đến vậy. Nhưng nhìn vào thống kê 82% giáo viên không có thu nhập trong 30 ngày qua, thật sự muốn chậm cũng không được”, chị Uyên Phương chia sẻ. Theo người sáng lập TOMATO Children’s Home, ý nghĩa thực sự của dự án không phải là giúp được bao nhiêu tiền cho bao nhiêu người mà sâu xa hơn là trợ giúp giáo viên gặp khó kịp thời để có thể giữ chân những người có tâm huyết với ngành cũng như thu hút người trẻ có năng lực. Chị nhấn mạnh: “Chúng ta luôn nói về thế hệ tương lai, luôn muốn con em mình được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất. Vậy thì việc chăm lo, chia sẻ với giáo viên hiện nay cũng là việc tạo điều kiện để đất nước có nền giáo dục tốt hơn trong tương lai”.
Với con số hiện tại, mục tiêu ban đầu của H.A.T cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với tổng số hồ sơ giáo viên cần trợ giúp, những đóng góp ấy mới chỉ hỗ trợ được cho 12% giáo viên đăng ký. Do vậy, những người thực hiện H.A.T vẫn đang nỗ lực hết sức để kêu gọi thêm đóng góp từ cộng đồng. Như lời của chị Nguyễn Thúy Uyên Phương, “có thể chúng ta không giúp được hết tất cả, nhưng ít nhất chúng ta có thể giúp các thầy cô thấy bớt cô đơn khi biết rằng mọi người nhớ đến mình trong những ngày khó khăn này”.
* Có thể bạn quan tâm