Ảnh: TL

 
Tĩnh Phong Thứ Bảy | 16/11/2019 10:00

Hạt bụi ngáng đường tăng trưởng

Ô nhiễm không khí đang kéo lùi tăng trưởng kinh tế của nhiều thành phố.

Là nguyên nhân gây tử vong cho 8 triệu người mỗi năm, không khí ô nhiễm gây nên ung thư phổi. Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đánh giá các hạt bụi nhỏ xíu nằm trong không khí và ozone là mối đe dọa lớn cho sức khỏe toàn cầu.

Thế giới không khỏi bàng hoàng trước đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên bầu trời xứ sở sương mù Anh quốc năm 1952. Khoảng thời gian đó, Trung tâm Khí tượng Hoàng gia Anh đã ước tính gần 4.000 người tử vong, hầu hết là trẻ em và người già, những người có vấn đề về hô hấp. Không chỉ vậy, hơn 25.000 người khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng về hô hấp như nhiễm trùng phổi, viêm phế quản cấp hay mãn tính.

Chuyện tưởng xa nhưng lại rất gần. Khi AQI (Air Quality Index), một phần mềm quan trắc, báo cáo chất lượng không khí mỗi ngày, chuyển màu tím, ứng với các mức độ nguy hiểm cao nhất khi đo chất lượng không khí, thủ đô Hà Nội và TP.HCM được xem đã nằm trong top 3 những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong năm 2010 đã có 223.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới do ung thư phổi bởi ô nhiễm không khí. Con số này, hiện nay lớn hơn rất nhiều. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và đáng được lưu tâm nhất bởi tác hại của bụi mịn đến nhóm đối tượng này gây giảm chức năng phổi, nguy cơ thâm nhập vào máu, ảnh hưởng đến tế bào não làm cho nhận thức giảm sút, quá trình học hỏi kém. EEA đánh giá vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí thực tế đáng báo động trên phạm vi toàn cầu. Bởi ngoài vấn đề sức khỏe, chất lượng không khí còn đặc biệt tác động đến GDP, thái độ làm việc, sinh hoạt, chất lượng học tập.

 

Theo báo cáo của World Bank, thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỉ USD. Đối với Việt Nam, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỉ USD mỗi năm (từ 5-7% GDP). Một số quốc gia như Trung Quốc đang vì lo sợ kinh tế trì trệ mà chùn tay trong việc giải quyết ô nhiễm khiến các thành phố như Bắc Kinh chìm trong bụi mịn. Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến nảy sinh hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội bất ổn. Ấn Độ điêu đứng khi ô nhiễm không khí cao hơn 50 lần mức độ cho phép; Thái Lan phải đóng cửa hơn 400 trường học. Tại Trung Quốc, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại khoảng 38 tỉ USD mỗi năm.

Dù vậy, Giáo sư Steven Cohen, giảng dạy quản lý công và chính sách môi trường tại Đại học Columbia, cho rằng các nhà đầu tư sẽ quan ngại khi điểm đến của họ là quốc gia đang vướng tình trạng ô nhiễm không khí. Trên thực tế, các nhà điều hành vẫn có thể triển khai chương trình hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa có thể đem lại lợi ích kinh tế lớn lao. Theo nghiên cứu của ông, chỉ với 1USD chi phí dành cho kiểm soát ô nhiễm môi trường, con người sẽ tiết kiệm được từ 15-30USD giá trị kinh tế.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, khẳng định, bảo vệ không khí chính là bảo vệ mọi lợi ích khác của quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn lẩn quẩn trong những bộ luật chung chung kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường. “Chính phủ dự thảo ban hành những chính sách luật mới, điều khoản cụ thể rõ ràng, chi tiết hơn về chuẩn phát thải, đặc biệt chú trọng tới các tác nhân gây ô nhiễm không khí”, Phó Giáo sư Nguyễn Đình Tuấn nhận xét.

 

Để có thể chung sống với ô nhiễm không khí, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần trang bị cho mình kiến thức về ô nhiễm không khí, cũng như chọn và đeo khẩu trang đúng cách, sử dụng máy lọc không khí hiệu quả. “Cùng với đó là việc hưởng ứng các hoạt động xây dựng một cộng đồng bền vững như chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, phát triển nguồn năng lượng sạch”, bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Change, chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu đến từ Change và GreenID cũng đã bắt đầu thực hiện chiến dịch khảo sát “Nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí tại Việt Nam”, nhằm đánh giá nhận thức, sự quan tâm và kiến nghị của cộng đồng đối với vấn đề không khí bị ô nhiễm tại Việt Nam. Theo bà Hồng, kết quả khảo sát sẽ được sử dụng trong khuyến nghị chính sách gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan nhà nước có liên quan nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam.

Trước mắt, để giảm khí thải, Change đang kêu gọi phong trào làm việc từ xa “Working from home”, để hạn chế lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Bởi vì đây là hoạt động gây 99% trong tổng phát thải CO2 của toàn TP.HCM. “Phát thải từ khí thải xe máy và do ma sát mặt đường, thắng xe, lốp xe cũng gây nên 37,7% bụi mịn cho thành phố. Kế tiếp là sinh hoạt từ hộ gia đình chiếm 11,4%; công trình xây dựng chiếm 9%... Càng hạn chế phương tiện cá nhân, chúng ta càng góp phần cải thiện chất lượng không khí”, bà Hồng nói.

►Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á

Các quốc gia ô nhiễm đại dương cao nhất thế giới

Cơn nghiện than ở châu Á là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí