Hành trình tỉnh thức
Dù là đề tài tâm linh, nhưng qua cách nhìn và trải nghiệm của một nhà khoa học, Tỉnh Thức của thiền nhân Prashant Kakode không sa vào những lý thuyết giáo điều mà được trình bày rất khoa học, logic nhằm dẫn dắt người đọc bước vào cuộc hành trình khám phá nội tâm.
Prashant Kakode là một bác sĩ phẫu thuật, làm việc tại khoa giải phẫu thuộc Đại học Hoàng gia (Royal College) ở London, Anh. Ông sinh tại Goa, Ấn Độ. Hiện ông là Giám đốc phụ trách Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Toàn diện ở Cambridge, Anh. Ông rất yêu thích và quan tâm khám phá những lĩnh vực liên quan đến ý thức con người, tâm trí và thiền định. Từ nhiều năm qua, ông đã kết hợp phương pháp chữa trị chính thống và chữa trị toàn diện trong thực hành y khoa của mình.
Theo ông, cách tiếp cận sức khỏe hiện tại chưa bao hàm hết ý nghĩa sâu xa của bản thân bệnh tật. Đó chính là lý do, bác sĩ Prashant dành thời gian nghiên cứu nhiều về mối quan hệ giữa tâm linh, cảm xúc, hành vi và sức khỏe. Ông cho rằng xã hội hiện nay đã bị điều kiện hóa vào một kiểu sống hạn hẹp và chỉ có sự chuyển biến căn bản trong thái độ của con người mới có thể mang lại sự hài hòa và hài lòng, mãn nguyện trong xã hội. Với ý tưởng này, ông đã được mời diễn thuyết tại hơn 70 quốc gia.
Bác sĩ Prashant đặc biệt yêu thích tìm hiểu mối liên hệ giữa thái độ, cảm xúc, stress và sức khỏe. Quan điểm về sức khỏe của ông, thể hiện khá rõ ở đề tài “Khái niệm về sức khỏe toàn diện” (The Concept of Total Health), trình bày trước Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1994, được đánh giá khá cao. Ông thực hành thiền định Raja Yoga hơn 26 năm qua và hiện tại, ông đang điều phối các hoạt động của Trung tâm Inner Space tại Cambridge.
Không phải là một cây bút chuyên nghiệp nhưng ngay từ khi cho ra mắt, tác phẩm Tỉnh Thức (nguyên tác Creator’s Wisdom) của ông đã khiến độc giả, nhất là những người đang tìm hiểu về đời sống nội tâm ngạc nhiên. Bằng con mắt của một nhà khoa học, bác sĩ Prashant mang đến người đọc những chú dẫn hết sức cụ thể về những biến động bên trong của mỗi người. Sách gồm 2 phần thì phần thứ nhất, tác giả dùng để chia sẻ trải nghiệm về tâm linh theo góc nhìn khoa học, “giải phẫu” tâm hồn con người để tìm ra nguồn gốc căn nguyên của mọi đau khổ, bất an. Thậm chí, Prashant Kakode còn “chụp hình” cả tâm hồn con người, phác thảo bản đồ, đưa ra các đồ họa... để trên cái nhìn lý tính ấy, bạn đọc tự khám phá và lý giải nhu cầu bản thân, cội rễ gây nên mọi biến động của cảm xúc.
Ở phần thứ 2, là câu chuyện về con đường dẫn đến sự trưởng thành nội tâm, con đường giải thoát khỏi nỗi đau, sợ hãi hay khổ sở. Hay nói chính xác hơn, đây là lời gọi mời hướng đến niềm hạnh phúc đích thực và trải nghiệm tính nguyên vẹn của tâm hồn. Không còn cái nhìn khoa học, Prashant dùng văn chương để chạm đến xúc cảm người đọc. Lấy bối cảnh từ sử thi Ấn Độ, cả câu chuyện kể được kết thành từ những hình ảnh ẩn dụ với các nhân vật thần thoại để người đọc tự nhận ra điều rất mới từ những dữ kiện quen thuộc trong đời sống hằng ngày.
Khi tổng hòa những cái nhìn mới mẻ trên nền của đời sống cũ, người đọc chợt nhận ra, một thế giới mới ùa về. Sự tỉnh thức ấy khiến mọi xúc cảm như vỡ òa. Có ý kiến cho rằng, có vỡ ra từ bên trong thì chuyến hành trình nội tâm mà mỗi người chúng ta đều mong muốn thực hiện mới có thể bước sang bến mới. Vai trò của Prashant Kakode trong chuyến hành trình này không phải là một người đưa đò. Ông xuất sắc hơn trong nhiệm vụ của một hoa tiêu, vẽ ra một hải trình để chính người đọc điều khiển con tàu nội tâm của mình đến nơi mong muốn.