Người đàn ông 61 tuổi có bệnh nền này đã tự mình đạp xe xuyên Việt dài 3.400 km, leo tổng cộng độ cao 36.000 m liên tục trong 49 ngày để qua 24 tỉnh, thành. Ảnh: Phan Thanh Trí.

 
Ngọc Thủy Thứ Bảy | 03/12/2022 08:00

Hành trình phá vỡ niềm tin chính mình

Chỉ khi đặt mình vào các thử thách, không sợ hãi, không bỏ cuộc, người ta mới có cơ hội biết được ngưỡng giới hạn bản thân.

Đó là điều Giáo sư Việt kiều Trương Nguyện Thành nghiệm ra sau gần 2 tháng đạp xe rong ruổi qua các ngả đường Việt Nam. Người đàn ông 61 tuổi có bệnh nền này đã tự mình đạp xe xuyên Việt dài 3.400 km, leo tổng cộng 36.000 m đường đèo, liên tục trong 49 ngày để qua 24 tỉnh, thành.

Một con người khác

Xuất phát ban đầu chỉ từ ý định cá nhân: làm một chuyến xuyên Việt bằng xe đạp để đánh dấu chặng đường mới, ngắm nhìn thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống tại những vùng miền đi qua, nhưng ông Thành không ngờ, hành trình từ Lũng Cú (Hà Giang) về Đất Mũi (Cà Mau) đã truyền động lực đến nhiều người, thúc đẩy con người hành động thực hiện ước mơ và nhất là đã làm biến đổi hoàn toàn con người ông.

 

So với ngày mới khởi hành, ông Thành tự nhận mình đã khác trước: rắn rỏi và mạnh mẽ hơn. Trong thời khắc cố đạp xe qua con đèo Lò Xo dài 37 km, mệt đứt hơi, chỉ chực chờ bỏ cuộc, ông dồn tâm trí vào một việc duy nhất: làm sao cho bánh xe lăn qua từng mét đường đèo. Ông đếm các ô đường và vui mừng khi thấy xe mình lăn qua. Phút giây đó đối với ông chỉ có đích đến mới đáng để ông bận tâm.

Hóa ra cuộc sống vốn rất đơn giản và chuyện quan trọng là tập trung cho hiện tại, cho mục tiêu trước mắt. Nhưng bấy lâu nay, ông Thành tự thấy mình cũng như nhiều người dễ bị lãng phí thời gian, tâm trí vào những điều không quan trọng, trong khi nó lấy đi nguồn năng lượng đáng kể và làm giảm khả năng tập trung.

Ông cho rằng, nếu mỗi người dành nguồn năng lượng cho những điều giá trị, họ có thể chạm tới những điều tuyệt diệu. Điều tuyệt diệu mà ông Thành nhận được khi vượt đèo Lò Xo là ông đã biết được ngưỡng giới hạn của bản thân. Trong đời mỗi người, không có nhiều cơ hội như thế. Suốt hành trình đường xa vạn dặm, leo qua không biết bao nhiêu con đèo, đạp xe trên đủ mọi địa hình, với ông Thành, không có thử thách nào cam go như ở đèo Lò Xo. Ông tận dụng dịp thử thách này để tìm ngưỡng giới hạn của bản thân. Khi biết được ngưỡng giới hạn, ông quả quyết, mỗi người sẽ không còn sợ hãi và tự tin làm những điều dưới ngưỡng.

Từ chuyến đi, ông phát hiện “muốn thay đổi tư duy, phải phá vỡ niềm tin chính mình”. Muốn thế, con người phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể để buộc bản thân hành động, phá vỡ niềm tin chính mình. Có như thế, những nhận thức mới không dừng ở lý thuyết mà có cơ hội thực nghiệm và đưa tới thay đổi tư duy thực sự.

Để đạt mục tiêu, mỗi người cần linh hoạt ứng biến. Ảnh: TL.
Để đạt mục tiêu, mỗi người cần linh hoạt ứng biến. Ảnh: TL.

Những bài học quý giá

Trước ông Trương Nguyện Thành có không ít người cũng từng đạp xe xuyên Việt như ông Đào Kim Trang, Lê Thị Thùy Vân, cha con anh Trần Song Hải... Họ chấp nhận bỏ thời gian, tiền bạc và cả mạo hiểm để sống với trải nghiệm, trưởng thành hơn qua từng chặng đường. Tuy nhiên, chưa ai đạp xe xuyên Việt dài ngày và đi xa như ông Thành. Cũng chưa ai chọn lộ trình nhiều hiểm trở như ông. Ông cũng là người đầu tiên chinh phục cung đèo Hà Giang ngoạn mục, chênh vênh mà chỉ nhắc tên thôi, ai cũng khiếp vía.

Để đảm bảo chuyến đi an toàn, kiểm soát rủi ro ở mức thấp nhất, ông Thành đã lập hẳn một kế hoạch chi tiết, thuê dịch vụ thiết kế cung đường, có đội ngũ đi theo hỗ trợ dẫn đường, lo hậu cần, ghi hình... Nhờ đó, so với nhiều người, ông có mức độ trải nghiệm sâu sắc và tập trung hơn, tính hiệu quả, lan tỏa và truyền cảm hứng vượt trội. Và khi dấn bước vào hành trình thử thách, bất cứ ai cũng đều phải trang bị cho mình những lần tập dợt nho nhỏ. Như ông Thành từng đạp xe 400 km về miền Tây, 1.000 km dọc miền Trung trước khi thực hiện hành trình xuyên Việt dài 3.400 km. Việc chinh phục được những mục tiêu nhỏ giúp mỗi người kiểm nghiệm khả năng đạt mục tiêu, thêm động lực, niềm tin thực hiện kế hoạch lớn hơn.

Ông phát hiện, trong mọi kế hoạch, để kiểm soát được rủi ro, quan trọng là ta phải biết mình biết gì, có gì, không biết gì, muốn gì, cần gì, mục tiêu là gì... Sau khi nhìn nhận rõ ràng, mỗi người sẽ có sự chuẩn bị phù hợp và có thể tìm thêm bạn đồng hành cùng tham gia.

Cũng từ hành trình xuyên Việt này, ông thấm thía hơn bài học chia nhỏ mục tiêu. Khi chia nhỏ mục tiêu, mỗi người sẽ dễ chạm tới kết quả, thấy có niềm vui, thêm động lực đi tiếp, thêm tin tưởng vào bản thân và có cơ hội đánh giá thường xuyên hơn từng kế hoạch để điều chỉnh, thay đổi kịp thời.

Để đạt mục tiêu, mỗi người cần linh hoạt ứng biến. Đặc biệt, chính những quy tắc, quy trình, kỷ luật đặt ra trên đường đi đã giúp ông Thành giảm thiểu tối đa những rắc rối có thể xảy ra như quên đồ. Ông Thành cho rằng, những bài học này không chỉ áp dụng cho các chuyến đi đường dài mà còn có thể nhìn rộng ra phạm vi quản trị một công ty hoặc một dự án.

Với 1 dự án, trước tiên cần có mục tiêu rõ ràng, sau đó đánh giá tính khả thi, những yêu cầu cần thiết. Đưa ra 1 chiến lược có tính vượt trội rồi lập kế hoạch với mục tiêu cho từng chặng. Khi triển khai thì cần đánh giá thường xuyên, thay đổi chiến thuật tùy theo tình hình thực tế để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961, có bằng Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota năm 1990. Ông nhận học bổng hậu Tiến sĩ từ National Science Foundation. Năm 1992, ông trở thành Giáo sư phụ tá của Đại học Utah. 

Năm 1994, ông được chọn là một trong những nhà khoa học trẻ tài năng của quốc gia bởi National Science Foundation. 

Đến năm 2002, ông trở thành giáo sư chính giảng dạy môn hóa học ở Đại học Utah. 
Năm 2017, ông tạm nghỉ và về Việt Nam làm Hiệu phó Đại học Hoa Sen, sau đó là Hiệu phó Đại học Văn Lang ở TP.HCM.  

Ông sáng lập môn thể dục Kidao và hiện ông dành thời gian, tâm huyết cho các dự án về giáo dục, phát triển con người.