Hàm lượng “chất xám” - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014 cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó là nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh cho các DN trong nước là yêu cầu cấp bách bên cạnh việc tạo khuôn khổ pháp lý cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, tham gia vào dịch vụ công…
Doanh nghiệp đang được hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển kinh doanh. Ảnh: Gia Hiếu |
Việt Nam đang xây dựng một loạt khung khổ pháp lý như Nghị định đối tác công - tư (PPP), đồng thời xây dựng những khuôn khổ pháp lý về thể chế để huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế tham gia đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó cần phải nhanh chóng tái cấu trúc lại nền kinh tế, khi có đủ nguồn lực để bổ sung cho những thiếu hụt mới có thể tăng trưởng bền vững. Trong khi các DN FDI ít chịu tác động của sự bất ổn (do họ có thị trường, có nguồn lực về vốn), sản xuất, kinh doanh vẫn đạt hiệu quả cao thì các DN trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận với vốn vay và kinh doanh kém hiệu quả. Vì vậy cần có những giải pháp căn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc căn bản nhất cho DN trong nước, nhất là cần nhanh chóng xử lý nợ xấu, đào thải các DN yếu kém.
Đối với các DN có chiến lược kinh doanh tốt, có điều kiện để phát triển cần tạo điều kiện cho các DN này tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp. Đặc biệt, phải nâng cao hơn nữa khả năng quản trị của DN bằng những khuôn khổ pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn tài nguyên của đất nước một cách công bằng, không phải cơ chế xin - cho như hiện nay. Mặt khác, cần thị trường hóa hơn nữa các hoạt động trong kinh doanh của các DN này, đồng thời có những chế tài khuyến khích như hỗ trợ, bảo hộ…
Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng là phải tăng năng suất lao động. Theo đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp. Muốn vậy, các DN cần xác định định hướng kinh doanh, xác lập những thị trường ổn định và lựa chọn những sản phẩm mũi nhọn để đầu tư hiệu quả, dứt điểm, nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, đưa khoa học - công nghệ (KHCN) trở thành động lực chủ yếu trong tăng trưởng. Ngoài ra, năng suất lao động tổng hợp và hàm lượng KHCN trong mỗi sản phẩm cũng cần phải tăng lên, vì đây chính là yếu tố quyết định sức cạnh tranh của các DN.
Theo tiến trình cổ phần hóa DNNN, đến năm 2015 Nhà nước sẽ cơ bản cổ phần hóa các tập đoàn, Tổng Công ty 90, 91. Nhà nước chỉ giữ lại khoảng 8 tập đoàn lớn và trong các tập đoàn lớn cũng sẽ cổ phần hóa các công ty trực thuộc. Cùng với việc cổ phần hóa, Nhà nước tiếp tục tạo ra những khung khổ pháp lý mới để các DN này được tiếp cận các nguồn tài nguyên một cách bình đẳng như DNNN. |
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp