Bè tre được đóng theo kỹ thuật cổ xưa còn hiếm hoi sót lại tại Sầm Sơn

 
Ngọc Bảo Thứ Tư | 06/02/2019 14:00

Hải trình truy tìm kho báu của quá khứ

Dự án Bè tre Việt Nam 2019 còn mong muốn làm sống lại kỹ thuật hàng hải mộc mạc nhưng tinh tế của ông cha ta.

Trong dịp Tết Nguyên Đán, anh Đỗ Nguyên Ái và nhóm bạn, gồm những người đam mê và nghiên cứu thuyền buồm, đã quyết định thực hiện một hành trình 40 ngày dọc theo chiều dài Việt Nam. Điểm đặc biệt trong hải trình “Bè tre Việt Nam 2019” chính là 2 chiếc bè tre được đóng theo kỹ thuật cổ xưa còn hiếm hoi sót lại tại Sầm Sơn.

Kho báu rơi vào quên lãng
Hàng hải truyền thống Việt Nam, với những kinh nghiệm học hỏi được từ nhiều nền văn minh, cộng với những sáng tạo địa phương để tận dụng các vật liệu tại chỗ cũng như phù hợp với điều kiện sóng gió khu vực, là một kho tàng khoa học, kỹ thuật và văn hóa đáng giá. Từ nhiều thế kỷ trước, đã có nhiều học giả phương Tây nghiên cứu về các phương pháp đóng thuyền của người Việt Nam. Các ghi chép này có thể tìm thấy trong nhiều tác phẩm văn học và tài liệu lưu trữ tại các thư viện nước ngoài.

Nếu người nước ngoài bỏ nhiều công sức đo, vẽ và nghiên cứu tỉ mỉ nét độc đáo trong kỹ thuật đóng thuyền của Việt Nam để biến thành tư liệu đáng giá, thì các kỹ thuật này lại đang dần thất truyền trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra. Vốn dĩ những người thợ đóng thuyền không có thói quen ghi chép và hệ thống hóa kinh nghiệm, cùng với quá trình hiện đại hóa nhanh chóng lại đẩy các “xuồng ghe nhỏ bé” lâu đời rơi vào quên lãng.

Hai trinh truy tim kho bau cua qua khu
 

Nếu ai đam mê với những chuyến phiêu lưu, câu chuyện bè tre Việt Nam sẽ nhắc nhớ đến nhà thám hiểm nổi tiếng Tim Severin. Cách đây hơn 25 năm, nhà thám hiểm người Ireland này cũng đã thực hiện một hải trình với bè tre làm tại Sầm Sơn. Cuộc phiêu lưu này nhằm chứng minh chính người châu Á mới là những người vượt đại dương đến châu Mỹ đầu tiên, chứ không phải Christopher Columbus.

Khi bắt đầu, ông Tim đã đi khắp Trung Quốc nhưng không thể tìm được những người đóng bè tre truyền thống trong đầu những năm 1990. Phát hiện ra bè tre vẫn đang được sử dụng tại Sầm Sơn, ông tìm đến đây và thực hiện chiếc bè tre của mình từ thiết kế của Colin Mudie, một kỹ sư đóng tàu người Anh, với vật liệu tre luồng và thợ đóng từ Thanh Hóa.

Hai trinh truy tim kho bau cua qua khu

Cùng niềm đam mê với những chuyến phiêu lưu trên đại dương, anh Ái và nhóm thuyền buồm nghiệp dư Hội An đã phát hiện các tư liệu cách đây nhiều thế kỷ về kỹ thuật bè tre Việt Nam. Dùng thời gian rảnh rỗi ngoài công việc bận rộn và trách nhiệm với gia đình, các anh đã đi tìm những người đóng bè tre còn sót lại. Cuộc tìm kiếm qua những làng chài ven biển từ Bắc vào Nam, họ thấy những con thuyền truyền thống, nay phần lớn chạy bằng máy, đã được cải tiến rất nhiều.

Hai trinh truy tim kho bau cua qua khu
 

Khi may mắn gặp được những người còn lưu giữ cách thức và kỹ thuật đi biển bằng buồm của cha ông thì phần lớn đã trọng tuổi. “Họ không có truyền nhân và họ đang già đi, từng năm qua chúng ta lại mất thêm vài ông, vài bác lão ngư như thế”, anh Ái trầm ngâm.

Vì vậy, nhóm bạn đồng chí hướng này đã quyết định dùng nguồn lực và công sức của bản thân để tạo ra 2 chiếc bè tre cổ mang tên Nhụy Kiều và Bình Định Vương, úy hiệu của 2 danh nhân lịch sử Việt Nam đến từ Thanh Hóa.

“Trong lúc đóng và đi thuyền, chúng tôi tỉ mỉ đo vẽ, ghi chép, quay phim và chụp hình lại từng chi tiết. Tất cả kinh nghiệm và kỹ thuật này, chúng tôi sẽ biến thành các bản thảo lưu trữ”, anh Ái chia sẻ về quyết tâm tạo ra tư liệu bảo tồn những kỹ thuật hàng hải cổ xưa của cha ông.

Bè tre nguyên bản của người Việt
Hải trình “Bè tre Việt Nam 2019” bao gồm 10 chặng từ Sầm Sơn đến Phú Quốc bắt đầu từ Rằm tháng Chạp đến 25 tháng Giêng. Bè Nhụy Kiều là một chiếc bè cổ điển đúng nguyên mẫu xưa, với 27 cây luồng, 3 xiếm và 3 buồm tứ giác treo lệch 1/3. Chiếc bè thứ 2 là Bình Định Vương mang theo một ít cải tiến, bổ sung thêm hơn chục cây luồng, tách đáy bè làm 3 nhóm 2 lớp như một con thuyền 3 thân, hy vọng sẽ tăng thêm độ nổi.

Hai trinh truy tim kho bau cua qua khu
 

Khi được hỏi về việc lấy cảm hứng từ cuộc phiêu lưu của Tim Severin, anh Ái hào hứng chia sẻ về những kinh nghiệm mà ông Tim đã chia sẻ cùng nhóm, “mặc dù có khác biệt, những kinh nghiệm mà ông Tim đã chia sẻ vô cùng giá trị, nhằm tránh bớt những sai lầm mà ông đã gặp phải trong chuyến đi chưa thể hoàn thành 25 năm trước".

Cùng được đóng tại Sầm Sơn với nhân công Việt Nam, nhưng bè Từ Phúc của ông Tim và 2 chiếc bè tre trong dự án lần này có nhiều khác biệt. Chiếc bè của ông Tim, dù được đóng ngay tại Sầm Sơn, lại dài gấp đôi, to gấp 3, mang 3 buồm cánh dơi kiểu Trung Hoa và được thiết kế bởi người Anh.

“Chiếc Từ Phúc chỉ dùng tre luồng và nhân công Thanh Hóa, nhưng chỉ có hơi hướng chứ không hề mang những đặc điểm thật sự độc đáo và hiệu quả của bè Sầm Sơn”, anh Ái cho biết.

“Bè Sầm Sơn, dù trông thô sơ mộc mạc nhưng có thể nhờ ra đời sớm, nên bè có khả năng vận hành vô cùng linh hoạt, có thể đi ngược gió vào một góc rất hẹp đến khoảng 40 độ và còn có khả năng tự hành chỉ bằng cách thay đổi độ cắm sâu của các xiếm. Trên thế giới, kỹ thuật tương tự chỉ tồn tại đâu đó trong các nền văn minh Nam Mỹ”, anh Ái giải thích lý do tại sao dự án bắt đầu với những kỹ thuật cổ xưa và thô sơ nhất.Anh giải thích mục đích của dự án nhỏ bé hơn rất nhiều so với mục đích của ông Tim là chứng minh một giả thuyết lịch sử.

Hai trinh truy tim kho bau cua qua khu
 

Anh và đồng đội đóng bè Sầm Sơn, theo đúng kiểu người Sầm Sơn xưa đóng, với kích thước phù hợp với cây luồng, sử dụng 3 buồm tứ giác lệch đúng kiểu miền Trung Việt Nam và dùng 3 xiếm chống dạt đúng như truyền thống. “Chúng tôi không muốn chứng minh lý thuyết khoa học nào, mà chỉ muốn bảo tồn được những gì mà cha ông chúng ta đã đổ mồ hôi, đổ máu, có người còn bỏ cả sinh mạng để tích góp được”, anh Ái giải thích.

Sau khi cuộc phiêu lưu với 2 chiếc bè Việt đến từ quá khứ này kết thúc, dự án đang ấp ủ nhân rộng thêm nhiều hải trình mới với các mẫu thuyền truyền thống của các vùng miền khác tại Việt Nam. Với đích đến là một bảo tàng hàng hải sống, “khách thăm không chỉ nhìn, nghe, đọc, mà còn có thể tự mình trải nghiệm sóng nước trùng dương ngay trên một con thuyền buồm cổ Việt Nam thứ thiệt”, anh Ái nói.