Thành phố New York đứng vị trí thứ nhất trong danh sách năm 2022 do EIU công bố.

 
Quỳnh Như Thứ Năm | 08/12/2022 15:40

Hai thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022

Singapore quay lại vị trí đầu bảng, trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022 bên cạnh New York.

Singapore (Singapore) và New York (Mỹ) là hai thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022 do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố sau khi lạm phát tăng cao trong năm qua.

Cả Singapore và New York đều xếp chung vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng. Đây là lần đầu tiên New York đứng đầu trong danh sách này về độ đắt đỏ, trong khi đây là lần thứ 8 Singapore giữ vị trí này.

Thành phố Tel Aviv (Israel), thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021, xếp vị trí thứ ba, theo sau đó là HongKong (Trung Quốc) và Los Angeles (Mỹ).

Cùng với New York, Singapore xếp vị trí đầu tiên trong danh sách
Cùng với New York, Singapore xếp vị trí đầu tiên trong danh sách "Những thành phố đắt đỏ nhất thế giới 2022".

Cũng theo khảo sát, chi phí sinh hoạt trung bình tại 172 thành phố đã tăng trung bình 8,1%. Kết quả phản ánh tác động của việc đồng USD tăng giá, ảnh hưởng từ chiến tranh chính trị giữa Nga - Ukraine, dịch bệnh COVID-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng. 

“Cuộc xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các biện pháp tăng lãi suất và thay đổi tỉ giá hối đoái đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới.”, bà Upasana Dutt, người đứng đầu cuộc khảo sát về chi phí sinh hoạt toàn cầu ở EIU nhận định.

Giá xăng dầu tăng cao là một trong những yếu tố dẫn đến lạm phát cao. Theo thống kê, tại Tây Âu, giá một lít xăng dầu đã cao hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Ngoài ra, mức tăng chi phí sinh hoạt trung bình năm 2022 là mức tăng cao nhất EIU từng ghi nhận trong 20 năm kể từ khi bắt đầu theo dõi khảo sát kỹ thuật số.

So với nhiều nơi khác, các thành phố ở châu Á có xu hướng không bị ảnh hưởng quá lớn bởi tình trạng giá cả tăng cao, với mức tăng chi phí sinh hoạt trung bình là 4,5%. Hai thành phố của Nhật Bản là Tokyo và Osaka tụt hạng, lần lượt ở vị trí 37 và 43, do lãi suất vẫn ở mức thấp. 

Damascus (Syria) và Tripoli (Libya) là những nơi có chi phí sinh hoạt thấp nhất thế giới. Sáu thành phố đắt đỏ nhất của Trung Quốc đều tăng hạng, trong đó, thành phố Thượng Hải đạt top 20. 

Khảo sát này được thực hiện vào tháng 8 và tháng 9 năm nay, so sánh giá của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại hơn 170 thành phố.

Có thể bạn quan tâm:

Làm việc ở lĩnh vực nào để có thu nhập cao nhất?