Ảnh: TL

 
Công Sang Thứ Ba | 28/05/2019 14:00

Hai ngả đường của công nghiệp ô tô

Công nghiệp ô tô Việt Nam định hình hai ngả đường phát triển.

Sau nhiều năm chờ đợi, ngành ô tô Việt Nam bắt đầu khởi sắc và chứng kiến 2 xu hướng đầu tư khác biệt: một bên là hướng tới trở thành nhà máy lắp ráp hàng đầu Đông Nam Á, một bên là mua công nghệ, tự sản xuất và xuất khẩu.

Ba hãng xe Việt

Theo báo cáo quý I/2019 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong khi doanh số xe lắp ráp trong nước giảm 8% thì lượng xe nhập khẩu lại tăng ngoạn mục, hơn 230% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong vòng 2 năm qua, ngành ô tô Việt Nam chứng kiến nhiều biến động vì Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Việc quy định thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc xuất xứ từ các nước trong ASEAN giảm từ 30% về 0% thực sự thu hút nhiều hãng xe tìm đối tác, thị trường tiệu thu ở khu vực để hưởng lợi từ ATIGA.

Hai nga duong cua cong nghiep o to
 

Việt Nam khá nổi bật vì thị trường nội địa còn nhiều dư địa phát triển. Theo thông tin từ VinFast, tỉ lệ sở hữu xe ô tô trên 1.000 người ở Việt Nam là 23, con số này của Thái Lan và các nước phát triển  khác là 264 và 400. “Thu nhập đầu người Việt Nam ước tính đạt 3.000USD vào năm 2021 cùng với tỉ lệ sở hữu ô tô thấp và hạn chế tiềm năng mua xe máy mới có thể sẽ dẫn đến sự bùng nổ của thị trường ô tô”, ông James Deluca, Tổng Giám đốc VinFast, nhận định.

Đứng trước cơn lốc xe nhập khẩu, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chống chọi bằng 3 cái tên nổi bật. Đầu tiên phải kể đến VinFast, nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện rộng 335ha tại Khu Công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Hãng vừa xuất khẩu lô xe đầu tiên, gồm 160 xe hơi đi các nước để thử nghiệm về độ an toàn trong nhiều điều kiện thời tiết và đường khác nhau.

Ở giai đoạn đầu, công suất nhà máy có thể xuất xưởng 250.000 xe/năm, 3.000 xe buýt điện/năm và 250.000 xe máy điện/năm. Nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, nhà máy có thể nâng công suất lên 500.000 xe hơi/năm và 1 triệu xe máy điện/năm.

Trước đó không lâu, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải cũng khánh thành nhà máy sản xuất dòng xe Peugeot ở Chu Lai, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Với vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng, cụm nhà máy có diện tích 7,5ha này sẽ xuất xưởng 200.000 xe/năm. Như vậy, sau Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật) thì Peugeot (Pháp) là dòng xe du lịch thứ 3 Thaco lắp ráp trong nước. Thông tin từ Thaco cho biết nhà máy Peugeot được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu đặt hàng khác nhau để hướng đến xuất khẩu. Năm 2017, đơn vị này cũng đã đầu tư 2.000 tỉ đồng để khánh thành nhà máy sản xuất, lắp ráp xe buýt lớn và xe buýt nhỏ (minibus) với công suất công suất 20.000 xe/năm.

Hai nga duong cua cong nghiep o to
 

Cái tên thứ 3 là Hyundai Thành Công. Sau thời gian nhập khẩu xe của Hyundai, năm ngoái, Công ty đã đầu tư vào nhà máy lắp ráp các dòng xe của thương hiệu này ở Việt Nam sau khi ký kết hợp tác để trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn Hyundai Motor trong liên doanh sản xuất xe du lịch và xe thương mại.

Liên doanh này đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng để sản xuất ôtô Hyundai với mục tiêu xe du lịch đạt 160.000 xe/năm (bước đầu 40.000 xe/năm); xe khách, xe buýt 18.000 xe/năm; xe tải nhẹ: 30.000 xe/năm. Nhà máy sản xuất thứ 2 của Hyundai Thành Công dự kiến khánh thành vào năm nay.

Chọn sản xuất hay lắp ráp?

Ngoài thị trường tiêu thụ lớn, Việt Nam còn nhiều lợi thế từ ATIGA trong vai về nhân công giá rẻ, chính sách ưu đãi của Chính phủ cho ngành sản xuất ô tô. Đây là điều hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia dẫn đến hình thành 2 nhóm doanh nghiệp dù đều hướng đến mục tiêu xuất khẩu nhưng đại diện cho 2 con đường khác nhau trong ngành ô tô.

Nhóm thứ nhất gồm Thaco, Hyundai đi theo con hướng tới trở thành đối tác lắp ráp, sản xuất cho các xe có thương hiệu lớn nhất Đông Nam Á, từ đó tạo tiền đề để xuất khẩu.

Nhóm thứ hai là VinFast đi theo con đường mua công nghệ, tự sản xuất và xuất khẩu bằng thương hiệu riêng. Nga và Đông Âu là một trong những thị trường quan trọng mà công ty này đang hướng đến.

Ông Trần Hồng Ninh, Giám đốc Điều hành BVOT, đơn vị có hơn 7 năm hoạt động trong lĩnh vực ô tô ở Việt Nam, cho rằng còn khá sớm để biết được lựa chọn nào là phù hợp.

Đi theo con đường VinFast có thế mạnh là sở hữu thương hiệu riêng nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, đi theo hướng Thaco hay Thành Công dù bị hạn chế về thương hiệu nhưng có thể lập các cứ điểm sản xuất các thương hiệu ô tô lớn ở Đông Nam Á ở Việt Nam, ngăn chặn dòng xe từ các nước trong khu vực đang ồ ạt đổ vào xâm chiếm thị trường nội địa.

Hai nga duong cua cong nghiep o to
 

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, quý I vừa qua, Việt Nam chi hơn 883 triệu USD để nhập khẩu ô tô, trong đó riêng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đạt 660 triệu USD, chiếm hơn 70%.

Toyota, Honda đã chọn Thái Lan và Indonesia làm cứ điểm Đông Nam Á trong nhiều năm qua. Việc thuyết phục họ thay đổi giống như “nhiệm vụ bất khả thi” nên lựa chọn sản xuất cho các nhóm thương hiệu ô tô còn lại như cách Thaco và Thành Công làm là có lý do để ủng hộ.

“Nếu phát triển tốt Việt Nam sẽ xuất khẩu được Hyundai, Kia, Madza sang lại các thị trường Đông Nam Á khác, tránh tình trạng chỉ một chiều như hiện nay”, ông Ninh nói.

Về phía VinFast, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách dự án VinFast, cho rằng nhân sự chính là yếu tố cốt lõi trong ngành sản xuất ô tô. Công ty đang hội tụ nhiều nhân tài từ các nơi để xây dựng nguồn lực và trung tâm nghiên cứu đủ năng lực đưa ra các thiết kế mới trong tương lai.

“Chỉ như vậy mới là nền tảng vững chắc và thậm chí là con đường có thể dẫn đến việc chúng ta có thể đi ngang hàng với các công ty khác trong ngành ô tô thế giới”, ông Huệ nói.