Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2025 phát triển 70.000 doanh nghiệp công nghệ số. Ảnh: Thiên Ân

 
Việt Dũng Thứ Tư | 10/02/2021 08:00

Hạ tầng nâng cánh giáo dục

Những nền tảng cơ bản giúp hệ sinh thái giáo dục của việt nam linh hoạt và uyển chuyển hơn.

Như bất kỳ ngành nghề nào, một tổ chức giáo dục chỉ có thể hoạt động với sự kết nối của những mắt xích. Và chính những tổ chức này, nếu hoạt động hiệu quả, sẽ trở thành mắt xích cho một hệ sinh thái giáo dục.

Chuyển đổi số giáo dục hạ tầng cơ bản

Khi nói về kết nối trong giáo dục, ắt hẳn nhiều người không hình dung được khó khăn nằm ở nghĩa đen và tầng cơ bản nhất: đường sá và internet. Cách đây vài năm, phong trào dạy học liên môn về công nghệ (nổi bật nhất là STEM) bắt đầu phổ biến, nhiều trường công ở tỉnh vẫn khá chậm trong việc tiếp thu và triển khai. Lý do đôi khi rất đơn giản: trường ở xa, đường khó vào nên khó tìm được giáo viên đến tập huấn hướng dẫn và những buổi đầu cần thị phạm thì internet quá chậm để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Những năm gần đây, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh, việc chuyển đổi số giáo dục hạ tầng cơ bản cho giáo dục ở hầu hết các nơi đều được cải thiện.

 

Khu vực phía Bắc với sự hoàn thiện của hệ thống cao tốc cũng giúp hệ sinh thái giáo dục được hưởng lợi rất nhiều: những đơn vị ngoại khóa cảm thấy dễ dàng hơn khi mở chi nhánh tại các tỉnh (vì dễ đưa giáo viên và chuyên viên về), cung cấp thêm nhiều giải pháp đa dạng cho phụ huynh, còn những đơn vị giáo dục công lập có thể dễ dàng được “chi viện” giảng viên giỏi từ những khu vực có bề dày về giảng dạy và nghiên cứu. Với quy hoạch hệ thống cao tốc đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng năm 2021 hệ sinh thái giáo dục tại Nam Bộ cũng nhìn thấy những hiệu ứng tích cực tương tự.

Bên cạnh hạ tầng cơ bản, hạ tầng công nghệ cũng được đẩy mạnh đáng kể. Mảng giáo dục và đào tạo được chọn là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số quyết liệt nhất. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặt mục tiêu rất cao đưa “Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”.

 

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết ngành giáo dục và đào tạo đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên. Theo Tiến sĩ Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân), chỉ sau gần nửa năm, thói quen và tư duy của sinh viên nhà trường đã có sự thay đổi rõ rệt.

Đến đầu tháng 8 vừa qua, khi làm khảo sát trong toàn trường, đã có 55% sinh viên đề nghị được học trực tuyến. Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân đã đưa gần như toàn bộ giáo trình lên hệ thống học liệu số, thay thế cho giáo trình giấy, tiết kiệm được khoảng 2-3 tỉ đồng mỗi năm.

Ông Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), cũng cho hay: “Con số ấn tượng nhất là sự tương tác của sinh viên và giảng viên khi gần như 100% sinh viên, giảng viên nhà trường sử dụng nền tảng và các công cụ dạy học số”.

Thượng tầng hài hòa hạ tầng

Một sự kiện thú vị không kém là sự kết hợp giữa 3 đơn vị cấp cao: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong hội thảo về Chuyển đổi số trong giáo dục, cử tọa được nghe góc nhìn từ cả 2 vị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Nguyễn Mạnh Hùng và họ “vững tin vào nhiều giải pháp hơn, không còn tình trạng nói suông ở không ít hội thảo giáo dục trước đây”. Trước đó, ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hứa hẹn sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa giáo dục và công nghệ, đặc biệt ở giai đoạn “đầu ra” của giáo dục: mảng nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Tháng 8.2020 Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình lên Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển 4 loại hình công nghệ số Việt Nam gồm (1) doanh nghiệp phát triển công nghệ cốt lõi; (2) doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ số; (3) doanh nghiệp triển khai giải pháp công nghệ số; (4) doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.

Ảnh: Thiên Ân
Khi đã nhắc về công nghệ, yếu tố con người (đặc biệt là trình độ nhân lực) luôn là cốt lõi. Ảnh: Thiên Ân

Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2025 phát triển 70.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,2 triệu nhân lực công nghệ số; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 10-20%/năm; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 10% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 3 khu vực ASEAN và top 70 trên thế giới.

Khi đã nhắc về công nghệ, yếu tố con người (đặc biệt là trình độ nhân lực) luôn là cốt lõi. Song hành với công nghệ là yếu tố ngoại ngữ, nên nếu một thế hệ yếu ngoại ngữ sẽ khiến doanh nghiệp Việt chậm chân khá nhiều. Vì lý do này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: “Trong thời đại 4.0, mỗi người cần thạo 3 ngôn ngữ: tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ giao thương và ngôn ngữ lập trình”.

Trong yêu cầu của kinh tế 4.0 và thời cơ bứt phá của Việt Nam - lấy công nghệ, giao thương làm trung tâm thì chắc chắn ngành giáo dục đào tạo cần tích hợp sâu sát ngay từ sớm, đảm bảo việc kiến tạo và sử dụng nguồn tài nguyên nhân lực hiệu quả nhất.

Kỳ vọng cho giáo dục năm 2021

Với một nền giáo dục và đào tạo có bối cảnh rõ ràng (về đầu vào, nguồn lực, cách thực hiện và kết quả đầu ra) đặt công nghệ, kết nối và sáng tạo làm trung tâm thì hai từ khóa chủ chốt của năm 2021 sẽ là “tích hợp” và “linh hoạt”.

Dịch COVID-19 khiến cho nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông chưa thể bắt đầu lộ trình học tập tại nước ngoài, lại trở thành một tác nhân để các đại học lớn trong nước chấp thuận thêm chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL đến chuyên môn như SAT, A-Level, tú tài quốc tế IB).

Câu chuyện tích hợp về chứng chỉ này (cũng là những cách khác nhau để cùng đánh giá năng lực người học) đã giúp học sinh có thêm lựa chọn linh hoạt trên cùng một công sức bỏ ra, không phải lựa chọn (dồn sức thi tốt nghiệp phổ thông tại Việt Nam, xây dựng điểm học bạ hoặc ôn luyện chứng chỉ quốc tế).

Đặc biệt, sự có mặt của nhóm đại học quốc tế ngoại giao - một thành tựu của đề án quốc tế hóa giáo dục đại học, như Fulbright (Việt Nam - Mỹ, tại TP.HCM), Việt Đức (tại Bình Dương), Viện Nghiên cứu Đào tạo Việt Anh (thuộc Đại học Đà Nẵng), Việt Pháp (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Việt Nhật (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng giúp nâng cao nhân lực và mở rộng lựa chọn với các giải pháp giáo dục tiêu chuẩn toàn cầu ngay tại Việt Nam.

Ảnh: FSPPM
Ảnh: FSPPM

Cốt lõi của “tích hợp giáo dục” là tìm ra và công nhận những tiêu chuẩn chung, tránh tạo ra nhiều đo lường đánh giá trùng lắp, vừa tốn thời gian và nguồn lực để duy trì và vận hành. Trong mảng giáo dục ngoại ngữ, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng là đơn vị tiên phong dùng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển trong các kỳ thi chính thức, hiện tại là kỳ thi trung học phổ thông và sắp tới sẽ mở rộng ra kỳ thi trung học cơ sở, song song với giải pháp tích hợp bồi dưỡng ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế vào các trường học chính khóa.

 

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, trong tầm nhìn đưa trường chuyên Vĩnh Phúc trở thành một trường hợp tác quốc tế, cung cấp giải pháp tú tài song bằng Cambridge (giống trường Chu Văn An, Hà Nội) đang hy vọng sớm ra mắt một hình mẫu trường chuyên không có lớp chuyên Anh và chuyên Tin, khi tiếng Anh và Tin học nên được xem là kỹ năng cần có, không phải là năng khiếu chuyên biệt nữa.

Trên tư duy đó, trường chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) đang nghiên cứu phát triển thế mạnh về các môn xã hội để tận dụng và tích hợp tốt định hướng phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ của tỉnh nhà. Hướng đi này bước đầu đã có nhiều thành quả, khi học sinh của trường đạt nhiều thành tích cao trong những cuộc thi về xã hội và tranh biện như chiến thắng tại cuộc thi Hùng biện tiếng Anh quốc gia 2020 và lọt vào chung kết cuộc thi tranh biện Trường Teen mùa 2020 (do VTV7 tổ chức).

Với câu chuyện “tích hợp” và “linh hoạt”, hy vọng trong năm 2021 hệ sinh thái giáo dục và đào tạo của Việt Nam sẽ uyển chuyển, hiệu quả và có nhiều thành công đa dạng, “trăm hoa đua nở” xứng đáng với truyền thống hiếu học của dân tộc.