Golf ở chiến trường xưa
Khi đưa tin về sự kiện tay golf trẻ người Nhật Suzuka Yamaguchi giành chức vô địch giải Faldo Series Asia Grand Final ở sân golf Laguna Lăng Cô trong tuần đầu tháng 3, tờ Golf Digest đã viết: “Hãy để ý đến nơi giải đấu diễn ra. Nơi đó là lịch sử”.
Giải đấu dành cho các tay golf trẻ nói trên dĩ nhiên không khiến tạp chí golf hàng đầu thế giới dành nhiều thời lượng đến thế, kể cả khi vòng chung kết có sự hiện diện của huyền thoại người Anh Nick Faldo, từng 6 lần giành chức vô địch các giải đấu lớn. Lý do đúng như Golf Digest đã giải thích, địa điểm diễn ra giải đấu đáng để người ta chú ý hơn nhiều.
Thành phố Huế, nơi sân golf Laguna Lăng Cô tọa lạc, đã xuất hiện trở lại trên các trang báo uy tín trong những ngày đầu năm 2018, đánh dấu tròn 50 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Đó là sự kiện từng khiến cả thế giới bàng hoàng, làm dấy lên phong trào phản chiến rộng khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác.
Dù vết đạn vẫn còn nhìn thấy ở nhiều di tích trong Đại Nội, thì việc một giải đấu golf được tổ chức ở cách đó không xa chính là hình ảnh tiêu biểu cho thấy đất nước chìm trong chiến tranh nửa thế kỷ trước đã thay đổi đến mức nào. Huế giờ chào đón hàng vạn du khách quốc tế mỗi năm, là thành phố của Festival được tổ chức 2 năm một lần. Tại Huế, bên những bờ biển đẹp nhất thế giới, du khách phương Tây có thể thảnh thơi tận hưởng kỳ nghỉ bên gia đình, thực hiện những cú swing ở sân golf do một trong những golf thủ lừng lẫy nhất mọi thời đại thiết kế.
“Không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của làng golf thế giới,” Faldo nói với tờ Golf Digest. “Chúng tôi đã và đang xây dựng những sân golf đẹp nhất và golf cũng đang trở thành môn thể thao được người dân nước này hết sức ưa chuộng”.
Có thể Faldo nói hơi quá, một phần để quảng bá sân golf tại resort 5 sao do ông thiết kế. Nhưng quả thực, ngày càng có nhiều sân golf được mọc lên ở dải đất miền Trung nắng gió, bằng chứng cho thấy sự phát triển mà nhiều chuyên gia quốc tế thừa nhận như một sự kỳ diệu.
Từ Lăng Cô qua đèo Hải Vân sang địa phận Đà Nẵng, hàng loạt sân golf đẳng cấp khác cũng thu hút nhiều golf thủ cũng như du khách từ khắp nơi trên thế giới. Trong Nam, ngoài Bắc cũng vậy và thật khó tìm được thành phố du lịch nào mà lại thiếu đi sân golf, do các tập đoàn lớn đầu tư xây dựng, theo thiết kế của nhiều huyền thoại golf lừng danh.
Dĩ nhiên, golf không phải là thước đo của phát triển kinh tế, nhưng nó cho thấy ngành công nghiệp không khói đang phát triển, tạo ấn tượng về một điểm đến thân thiện, xóa đi những ký ức đau thương của thời chiến tranh. Tờ Golf Digest ghi nhận, “nhiều du khách chính là những cựu binh Mỹ tham chiến ở chiến trường Việt Nam năm xưa, giờ họ là một trong những nhân tố chính thúc đẩy du lịch tại nơi đây”.
Mark Bowden, tác giả cuốn “Hue 1968”, kể với tờ Golf Digest rằng ông đã trở lại Việt Nam nhiều lần và nhận thấy người dân địa phương háo hức mong muốn mảnh đất xinh đẹp này không còn bóng dáng gì của cuộc chiến năm xưa. “Ngày nay, đây là một nơi tuyệt đẹp. Những trải nghiệm tại sân golf cho thấy những người dân sống xung quanh đều nghĩ đó sẽ là thỏi nam châm kích thích du lịch và tăng trưởng kinh tế”, Bowden nói với tờ Golf Digest.