Doanh nghiệp xã hội hoàn toàn có thể phát triển về quy mô nếu giải quyết được bài toán về mô hình kinh doanh. Ảnh: TL
Gỡ khó cho doanh nghiệp xã hội
Ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 6 là một ngày bận rộn với anh Trịnh Văn. Anh có một cuộc phỏng vấn kéo dài 60 phút vào buổi sáng và một buổi đánh giá thực tập tiếp ngay sau đó. Nhấp ngụm cà phê mua từ quán quen trên đường đến văn phòng nhỏ ở cuối dãy hành lang của tòa nhà cổ kính ở một góc khuôn viên Trường Cao đẳng nghề Thủ Đức, anh hồi tưởng lại quãng thời gian 5 năm gắn bó với Lò Bánh Mì Pháp (LBF).
Từ mô hình LBF có tuổi đời 20 năm ở Huế, Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục (IECD) đã mang dự án dạy nghề cao cấp này vào TP.HCM và anh Văn giữ vai trò quản lý dự án LBF TP.HCM. LBF được công bố là một doanh nghiệp xã hội, tại đó mỗi ngày họ bán những mẻ bánh mì làm thủ công tươi ngon do các học viên thực hiện. Đối tượng giúp đỡ của LBF là những người trẻ yếu thế trong xã hội như xuất thân từ trại mồ côi, đường phố hoặc có gia đình rất nghèo. Họ không đủ tiền để trang trải cho việc học nghề. “Trung tâm đào tạo cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn để tìm được một nghề. Làm bánh cũng chỉ là một nghề thôi”, anh Văn nói.
Là một người gắn bó lâu năm với cộng đồng doanh nghiệp xã hội, bà Phạm Kiều Oanh, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), cho biết các doanh nghiệp xã hội như LBF, KOTO hay REACH là những đơn vị tập trung hỗ trợ cho đối tượng yếu thế trong cộng đồng, có khả năng chi trả thấp. Do vậy, mô hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đa phần cần có nguồn tài trợ từ cá nhân và tổ chức để trang trải chi phí đào tạo nghề, kỹ năng sống, sinh hoạt cũng như các hoạt động xã hội do không được đưa vào chi phí của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, tại LPF, phần lớn chi phí trang trải cho việc đào tạo và ăn ở cho 20 học viên mỗi năm không được ghi nhận vào chi phí của đơn vị này nên họ cần tìm sự hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác ở bên ngoài. Ngoài IECD, LBF nhận khoản hỗ trợ hằng năm từ các tổ chức quốc tế ở châu Âu, Mỹ và sự hợp tác từ các khách sạn 5 sao, nơi những đầu bếp món tráng miệng của LBF sẽ đến thực tập.
Đó là lý do trong quá trình vận động đưa doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp, CSIP và các đối tác đã đề xuất Nhà nước miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp xã hội để họ có thêm nguồn ngân sách cho hoạt động xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu này đang vấp phải một số vấn đề (theo quan điểm của các ban ngành liên quan) là đa phần doanh nghiệp xã hội hoạt động trong những lĩnh vực mà Nhà nước đã có chính sách ưu đãi tài chính và thuế (người khuyết tật, dân tộc thiểu số, chương trình việc làm, giáo dục, chăm sóc y tế cho người dân...), vì thế không thể áp dụng ưu đãi 2 lần được. Và để được hưởng các ưu đãi thì cần có các tiêu chí và đo lường tác động rõ ràng. Cho đến khi Nhà nước có bộ tiêu chí đo lường cụ thể thì việc này hiện chưa thực tế.
Hiện tại, theo bà Oanh, vấn đề quan trọng là làm sao để doanh nghiệp xã hội đổi mới mô hình kinh doanh để có thể tạo nguồn thu và lợi nhuận tốt hơn. Khi đó, việc miễn giảm thuế sẽ có ý nghĩa lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp.
Là người được IECD tuyển dụng, nhiệm kỳ của anh Văn tại LBF kéo dài 5 năm. Trong những tuần làm việc cuối nhiệm kỳ, anh Văn chia sẻ khuôn viên có hạn và khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ là những rào cản cho việc mở rộng dự án để tiếp nhận thêm học viên. “Việc mở rộng phụ thuộc vào tầm nhìn, năng lực triển khai của doanh nghiệp”, bà Oanh phân tích. Làm sao có nguồn thu để dạy nghề miễn phí hoặc giá rất thấp đòi hỏi nguồn lực rất lớn để nhân rộng.
Sau 20 năm hoạt động, LBF tại Huế công bố họ đã tự chủ được nguồn tài chính. KOTO, tồn tại qua 30 năm, cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Trong khi LBF chỉ hỗ trợ 20 học viên mỗi năm cho mỗi cơ sở, quy mô của KOTO lớn hơn rất nhiều, đến 300 học viên mỗi năm. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có quy mô lớn như KOTO. Bằng chứng là văn phòng anh Văn điều hành ở cuối hành lang chỉ có 3 điều phối viên toàn thời gian. Một căn bếp rộng ở bên cạnh, nơi thực hành nướng bánh cho học viên, là căn phòng đặc biệt nhất trong khuôn viên trường, có cửa kính để giữ nhiệt độ trong phòng nhào bột ổn định. So với doanh nghiệp thông thường, quy mô của doanh nghiệp xã hội thường nhỏ hơn vì đối tượng họ hỗ trợ nhỏ hơn nhiều. Trường nghề bình thường dạy cho bất cứ thanh thiếu niên nào có nhu cầu, nhưng doanh nghiệp xã hội là mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên đặc biệt có khả năng chi trả thấp, bà Oanh lấy ví dụ.
“Doanh nghiệp xã hội hoàn toàn có thể phát triển về quy mô nếu giải quyết được bài toán về mô hình kinh doanh”, bà Oanh phân tích. Khác với các trường học thông thường, nơi tự học phí đã đủ để trang trải các khoản chi phí, những dự án dạy nghề theo mô hình doanh nghiệp xã hội gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi KOTO và LBF hoàn toàn miễn phí dạy nghề và sinh hoạt phí cho học viên của họ trong thời gian học từ 1,5-2 năm, một vài dự án khác chỉ dạy nghề miễn phí như Trung tâm Nghị Lực Sống. “Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ đủ bù đắp một phần chi phí”, bà Oanh nhận xét.
Các chương trình dạy nghề của LBF đã đi chung đường với khối doanh nghiệp tư nhân trong một quãng đường dài, thường tuyển dụng học viên đã được các chương trình đào tạo. Trong khi đó, ngoài việc xây dựng những chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế để đảm bảo chất lượng đào tạo, KOTO đang tìm thấy hướng đi mới khi hợp tác với một quỹ từ thiện của doanh nghiệp để nhân rộng mô hình, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều thanh thiếu niên có hoàn cảnh thiệt thòi. Đó có thể là một mô hình hợp tác khả thi và hiệu quả vào thời điểm này cho KOTO (Vào thời điểm bài viết được xuất bản, anh Trịnh Văn đã kết thúc nhiệm kỳ 5 năm tại LBF).
Có thể bạn quan tâm