Trên thực tế, việc sử dụng mùi hương ở Trung Quốc đã có từ hàng nghìn năm trước. Ảnh: VCG.
Giới trẻ Trung Quốc đang tạo ra dư địa khổng lồ cho ngành công nghiệp nước hoa
Vào năm 2020, khi đang là sinh viên năm hai, cô Zhang Qijing lần đầu bị thu hút bởi mùi hương ngọt ngào của hoa quế lan tỏa khắp khuôn viên trường, trải nghiệm này đặc biệt đến nỗi thúc đẩy cô mua lọ nước hoa đầu tiên. Và vào thời điểm đó, cô không hề biết chai nước hoa đã mở ra một trang mới trong cuộc đời mình.
Ở tuổi 23, cô Zhang bị ám ảnh bởi mùi hương, từ nước hoa cho đến nến thơm và tinh dầu. Trong những chiếc túi tự làm, cô thậm chí còn sấy khô những cánh hoa để pha chế những bó hoa thơm của riêng mình.
Thế nhưng cô Zhang không hề đơn độc khi nói đến đam mê dành cho mùi hương, đặc biệt là khi chúng đang nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen hằng ngày của người tiêu dùng trẻ Trung Quốc, những người xem nước hoa như một hình thức thể hiện bản thân và giải tỏa căng thẳng.
Theo báo cáo của CBNData và Tmall.com, ngành công nghiệp nước hoa của Trung Quốc dự kiến trị giá 5,3 tỉ USD vào năm 2026. Tiềm năng thị trường chưa được khai thác là rất lớn, do nước hoa chỉ mới thâm nhập được 5% thị trường Trung Quốc, so với 42% ở châu Âu và 50% ở Mỹ.
Cô Zhang chia sẻ rằng, bản thân rất thích ghé thăm các cửa hàng nơi có thể thử các loại nước hoa, bao gồm mùi hương gỗ, trái cây và hoa, cũng như các loại nước hoa đặc biệt mang mùi quần áo phơi dưới nắng.
Cô cho biết: “Mỗi khi ngửi thấy mùi hương mình thích, nó mang lại cho tôi niềm vui và giúp tôi bình tĩnh lại. Nhiều loại nước hoa có thể được mua với giá khoảng 35-50 nhân dân tệ (5–7 USD). Một mức giá phù hợp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà không cần chi tiêu nhiều”.
Trên thực tế, việc sử dụng mùi hương ở Trung Quốc đã có từ hàng ngàn năm trước. Ngay từ thời nhà Hán (202 TCN–220 SCN), trầm hương đốt đã được sử dụng trong chữa bệnh, trong khi nước hoa được chế tạo từ nhiều loại nhựa thơm, hoa và thực vật.
Thắp hương là một khía cạnh quan trọng của nghi lễ cầu nguyện từ xa xưa, thường được sử dụng để cầu mong sức khỏe và hạnh phúc, hoặc để tỏ lòng thành kính với tổ tiên trong những dịp quan trọng.
Tuy nhiên, trong nhiều thời đại, việc sử dụng mùi hương không đóng một vai trò lớn trong cuộc sống của người dân Trung Quốc bình thường vì chúng được coi là một thứ xa xỉ dành riêng cho giới quý tộc hoặc những người giàu có.
Thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay đã bác bỏ những quan niệm truyền thống như vậy.
Trong số đó, cô Wu Qiong, cư dân Bắc Kinh, có bộ sưu tập hơn 3.000 lọ nước hoa. Cô được làm quen với nước hoa vào năm 2004, lúc là sinh viên năm nhất đại học, khi đó mẹ đã tặng cô một chai Chanel No. 5.
Bộ sưu tập nước hoa hiện tại của cô Zhang. Ảnh: Sixth Tone. |
Cô Wu đang sử dụng tất cả các loại nước hoa, từ mùi hương cổ điển đến các loại nước hoa dành cho thẩm mỹ viện, nước hoa thương mại cho đến những phiên bản sáng tạo đặc biệt của nghệ nhân. Gần đây, cô bắt đầu có niềm yêu thích mãnh liệt với những loại nước hoa có mùi thơm của hoa thủy tiên vàng.
“Mùi hương hoàn hảo dường như luôn nằm ở chai tiếp theo”, cô Wu nói về một cuộc tìm kiếm mùi hương dường như không có hồi kết của bản thân.
Sự phổ biến ngày càng tăng của nước hoa ở Trung Quốc phần lớn là do khách hàng trẻ tuổi, đặc biệt là Gen Z và thế hệ millennials, những người đi đầu trong chủ nghĩa tiêu dùng quốc gia. Theo khảo sát, phụ nữ nói riêng là những người sẵn sàng chi tiền cho những món đồ xa xỉ nhỏ bé khiến họ hạnh phúc này.
Theo bà Echo Gong, nhà tư vấn chiến lược tại công ty nghiên cứu thị trường Coresight, việc tăng cường tiếp thị về lợi ích của nước hoa và liệu pháp mùi hương đã góp phần mở rộng doanh số bán hàng.
Ngày nay, không dừng lại chỉ bằng việc thoa sau tai hay xịt lên cổ tay, nước hoa đã mở rộng sang các lĩnh vực như sản phẩm tẩy rửa gia dụng, nước hoa ô tô và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Ngành công nghiệp nước hoa gia đình đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua, khi mọi người tìm cách làm cho không gian sống của họ thoải mái hơn. Việc mở rộng này dẫn đến sự bùng nổ của nhiều sản phẩm đa dạng hơn tham gia vào thị trường, chẳng hạn như tinh dầu, nến thơm và máy khuếch tán điện tử.
Sản phẩm mùi hương được bày bán tại một cửa hàng ở Thượng Hải. Ảnh: VCG. |
Cô Zhang cho biết hương thơm cũng là một yếu tố khiến cô lựa chọn các vật dụng hằng ngày như bột giặt và dầu gội. Trong khi đó, các cửa hàng quần áo như Victoria's Secret, trung tâm thương mại và thậm chí cả khách sạn đều sử dụng nước hoa để tạo nên hương thơm đặc trưng.
Cô Zhang cho rằng: “Chiến lược này thật thông minh. Bất cứ khi nào tôi bắt gặp một mùi hương tương tự ở nơi khác, nó sẽ khơi dậy ký ức về một thương hiệu hoặc cửa hàng cụ thể”.
Cô Wu, cư dân Bắc Kinh đồng tình: “Hương thơm là một loại hình nghệ thuật giàu trí tưởng tượng”, cô nói. “Nó có khả năng đưa con người rời xa thế giới thực và gợi lên những ký ức sống động”.
Có thể bạn quan tâm:
Các thương hiệu xa xỉ "mạnh tay" thu mua bất động sản bán lẻ đắt đỏ
Nguồn Sixth Tone