Một số người trẻ đang chọn những việc làm có thời gian linh hoạt để theo đuổi những sở thích khác khi giá trị công việc thay đổi. Ảnh: Nikkei Asia.
Giới trẻ Nhật chọn công việc linh hoạt thay vì toàn thời gian
Ngày càng nhiều lao động trẻ Nhật coi trọng tính linh hoạt trong công việc thay vì chọn những vị trí toàn thời gian, vì điều đó cho phép họ theo đuổi sở thích của bản thân, một xu hướng có thể khiến tiền đề trong các chương trình an sinh xã hội cần phải thay đổi.
Vào năm 2023, số người lao động từ 25-34 tuổi theo đuổi các vị trí làm việc linh hoạt lên tới 730.000 người, tăng 140.000 người so với một thập kỷ trước. Đồng thời, số người chấp nhận những vị trí như vậy vì thiếu vị trí toàn thời gian đã giảm một nửa.
Một phụ nữ 25 tuổi đang làm việc tại Tokyo đã từ bỏ công việc toàn thời gian tại một công ty công nghệ thông tin lớn để làm việc trong ngành âm nhạc với tư cách là một nhân viên không thường xuyên.
Cô nói: “Tôi muốn theo đuổi những gì muốn làm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là mức lương thấp hơn một chút và kém ổn định hơn”.
Theo một cuộc khảo sát của Bộ Nội vụ, số lượng lao động không thường xuyên từ 25-34 tuổi đạt tổng cộng 2,37 triệu người vào năm 2023, giảm 640.000 người so với năm 2013. Trong đó, số người không thể tìm được vị trí toàn thời gian đạt 300.000 người, giảm 540.000 người. Nếu tính theo tỉ lệ, nhóm này giảm hơn một nửa xuống còn 13,1%. Mặt khác, những người muốn làm việc linh hoạt đã tăng 10,6 điểm so với năm 2013 lên 31,9%.
Giáo sư Shintaro Yamaguchi tại Trường Kinh tế sau đại học của Đại học Tokyo cho biết: “Ngày càng nhiều người tìm kiếm một cuộc sống trọn vẹn bên ngoài công việc. Giá trị công việc đang thay đổi”.
Một phụ nữ 25 tuổi làm việc bán thời gian tại một nhà hàng ở Tokyo đang theo đuổi sự nghiệp giải trí thông qua một công ty quản lý. Cô nói: “Tôi có thể điều chỉnh giờ làm việc để phù hợp với khối lượng công việc khác của mình”.
Nhìn qua tất cả các thế hệ, số người phải làm những công việc thất thường vì không tìm được việc làm toàn thời gian có xu hướng giảm. Năm 2023, con số này là 1,96 triệu người, giảm 1,45 triệu người so với năm 2013.
Nền kinh tế Nhật đã phục hồi kể từ trận động đất lớn ở phía Đông Nhật năm 2011, với tỉ lệ thất nghiệp ở mức dưới 4% kể từ năm 2014. Tỉ lệ cơ hội việc làm cho người tìm việc vẫn ở mức trên 1.
Bộ lao động cũng thúc đẩy việc chuyển sang làm việc toàn thời gian bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp. Chương trình này ước tính đã cho phép hơn 780.000 người chuyển sang các vị trí toàn thời gian từ năm tài chính 2013 đến năm tài chính 2022.
Nhưng tổng số lao động không thường xuyên đã tăng lên 21,24 triệu vào năm 2023, tăng 2,18 triệu so với năm 2013. Một phần của sự tăng vọt đến từ những người lao động vẫn đi làm sau tuổi nghỉ hưu. Số người từ 65 tuổi trở lên muốn làm việc theo lịch trình linh hoạt đạt tổng cộng 1,45 triệu người vào năm 2023, tăng 890.000 người so với năm 2023.
Khi ngày càng có nhiều người lao động chọn những vị trí linh hoạt như vậy, chính phủ có thể phải đánh giá lại các chương trình an sinh xã hội hiện có. Vì người lao động không thường xuyên thường kiếm được ít hơn 30% so với người lao động thường xuyên, nên đóng góp an sinh xã hội của họ sẽ thấp hơn, dẫn đến lương hưu không đủ.
Có thể bạn quan tâm:
Hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ vẫn thiếu việc làm
Nguồn Nikkei Asia