Giáo sư Võ Quý: Một đời vì thiên nhiên Việt Nam
Ngày 10.1, một tượng đài của giới khoa học Việt Nam là Giáo sư điểu học Võ Quý đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi. Trong sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ, ông đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu các loài động vật hoang dã của Việt Nam, cũng như khôi phục và bảo tồn các cánh rừng từng bị tàn phá trong chiến tranh. “Có thể nói ông ấy là cha đẻ của ngành bảo tồn Việt Nam”, David Hulse, cựu Trưởng Đại diện WWF tại Việt Nam giai đoạn 1992-1999, nhận xét về Giáo sư Võ Quý.
Lúc mới hơn 30 tuổi, ông đã phát hiện ra một loài trĩ mới ở vùng Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) là loài Trĩ lam Hà Tĩnh (Lophura hatinhensis) và dày công chứng minh cho giới khoa học quốc tế thấy đây là loài chim quý hiếm của Việt Nam. 20 năm sau đó, công trình của ông đã được ghi nhận và ngày nay bên cạnh cái tên “Trĩ Việt Nam” thì loài chim này còn có tên “Trĩ Võ Quý”. Ông cũng có công đầu trong việc triển khai hoạt động bảo tồn và khôi phục loài sếu đầu đỏ quý hiếm, từng bị cho là đã tuyệt chủng trong thời chiến tranh.
Đối với Giáo sư Võ Quý, bảo tồn thiên nhiên luôn đi kèm với việc cải thiện cuộc sống người dân. Năm 1994, trong một bài phát biểu tại Canada, ông tuyên bố: “Phải thực hiện cho được mỗi người dân là một kiểm lâm viên... Nếu dân thiếu ăn thì phải giúp họ vay vốn để làm ăn, giúp học nghề tạo việc làm, bày cho họ cách kết hợp trồng rừng, bảo vệ động vật hoang dã với nuôi tôm, cá, cua, ong... để lấy lại cân bằng sinh thái”.
Cố Giáo sư Võ Quý. Ảnh: nghegiao.net |
Trong giới học thuật, bộ sách 2 tập “Chim Việt Nam” của Giáo sư Võ Quý cho đến nay vẫn được xem là tác phẩm kinh điển cho những ai quan tâm đến thiên nhiên Việt Nam, theo Giáo sư Pamela McElwee của Đại học Rutgers (Mỹ).
Trong việc xây dựng quan hệ hợp tác khoa học quốc tế, ông cũng đóng góp khá lớn, thông qua việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) của Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1985. CRES chính là một trong những cầu nối đầu tiên giữa giới khoa học Việt Nam và thế giới, theo ông Hulse.
Giáo sư Võ Quý cũng đóng góp không nhỏ vào việc tái xây dựng quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt là trong việc hợp tác khôi phục và bảo vệ môi trường, theo đánh giá của bà Susan Hammond, Giám đốc Dự án Di sản Chiến tranh. “Ông ấy có rất nhiều ảnh hưởng trong việc đưa 2 phía Mỹ và Việt Nam lại cùng nhau trong lĩnh vực này theo một cách rất thầm lặng ở sau hậu trường, một cách rất Võ Quý”, bà nhận xét.
Những đóng góp không ngừng nghỉ của Giáo sư Võ Quý cho môi trường và thiên nhiên Việt Nam đã được ghi nhận bởi những tổ chức uy tín quốc tế. Năm 1992, ông nằm trong nhóm những người được vinh danh bởi Diễn đàn 500 Toàn cầu về Môi trường, trực thuộc Chương trình Môi trường của Liên hiệp Quốc (UNEP). Năm 1995, sau khi nhận giải thưởng Pew Scholars Award trị giá 150.000USD từ Đại học Michigan (Mỹ), Giáo sư Võ Quý đã trao lại toàn bộ số tiền này cho việc nghiên cứu bảo vệ thiên nhiên ở quê hương ông là Hà Tĩnh.
Năm 2003, ông trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên và duy nhất tới nay được nhận Giải thưởng Hành tinh xanh từ Quỹ Asahi Glass của Nhật, vốn được xem là “giải Nobel của khoa học môi trường”. Năm 2008, ông tiếp tục được tạp chí Time chọn vào danh sách 30 anh hùng bảo vệ môi trường toàn cầu.
Nói về công việc của đời mình, Giáo sư Võ Quý từng cho biết ông thường xuyên trăn trở: “Phải làm gì để không chỉ gìn giữ mà còn phát huy những điều kiện tốt đẹp của môi trường, đem lại nguồn lợi cho đất nước mình”. Ở tuổi 79, ông từng trả lời tạp chí Time: “Tôi đã khá già rồi, nhưng tôi sẽ không ngừng lại, vì tôi vẫn còn rất nhiều việc để làm”.
Tuấn Minh