Giáo dục đại học trước ngưỡng cửa 4.0
Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, mọi thứ thay đổi rất nhanh. Những thứ sinh viên được học trong trường có thể đã trở nên lạc hậu ngay khi họ bước ra khỏi cánh cửa trường đại học. Gần đây, có rất nhiều lo lắng về việc công nghệ máy móc sẽ lấy đi công việc của người lao động. Tuy nhiên, công nghệ chỉ tiêu diệt những công việc cụ thể, chứ không lấy đi những cơ hội việc làm. Tất cả những gì con người cần làm là không ngừng học hỏi để chuyển qua những công việc có chuyên môn cao hơn.
Trong bối cảnh đó, vai trò của những người làm giáo dục ở bậc đại học, đặc biệt là những trường khối STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics), là rất quan trọng. Họ thay đổi phương pháp dạy học, chương trình dạy học để trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết cho thời đại mới, như tư duy phản biện, sự sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề, theo chia sẻ của PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng. Ngoài ra, vì công nghệ thay đổis rất nhanh nên doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tối ưu hóa chương trình giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nuôi dưỡng tư duy đổi mới và doanh nhân nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Những chia sẻ từ STEMCON Việt Nam, hội nghị thường niên do Đại học bang Arizona và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, tại TP.HCM trong hai ngày 8-9.3.2018 vừa qua mở ra cơ hội lớn cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. “STEMCON là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm cách để giúp Việt Nam thích ứng được với các xu hướng mới, đặc biệt là các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Tomoyuki Sasami, Tổng Giám đốc LLC, nhận định.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là để chỉ xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ sản xuất - được xem là cuộc cách mạng công nghiệp lớn lần thứ tư kể từ thế kỉ 18. Lần này, cuộc cách mạng tâọ trung vào các công nghệ mới về sinh học và số hóa bao gồm trí thông minh nhân tạo (AI), robot, các phương tiện vận chuyển tự hành, công nghệ nano, công nghệ thần kinh, điện toán lượng tử, thành phố thông minh và Internet vạn vật (internet of things).