Giải phóng millennial
Trong thế giới của Hunger Games (Đấu Trường Sinh Tử), một nhóm người trẻ tuổi bị buộc phải đấu với nhau cho đến chết để làm trò mua vui cho những kẻ thống trị đầu bạc. Đó chỉ là phim ảnh, nhưng hiện thực cũng không có nhiều khác biệt. Dù rằng trên thực tế, thế hệ lớn tuổi không đến nỗi “bức tử” người trẻ, nhưng báo cáo đặc biệt của The Economist cho thấy người trẻ thuộc thế hệ millennial (trong độ tuổi từ 16-35) bị “đàn áp” theo một số cách nào đó.
Có đến 1/4 dân số thế giới - khoảng 1,8 tỉ người - đã bước qua tuổi 15 nhưng chưa đến tuổi 30. Nhìn nhận theo nhiều cách, họ là nhóm may mắn nhất trong số những người trưởng thành trẻ tuổi. Họ giàu hơn bất kỳ thế hệ trẻ nào trước đó và sống trong 1 thế giới mà không còn phải lo về bệnh đậu mùa hay bị áp bức chính trị. Họ là thế hệ được giáo dục tốt nhất từ trước đến nay. Người Haiti ngày nay dành thời gian ngồi trên ghế nhà trường nhiều hơn cả người Ấn Độ vào năm 1960. Nhờ chế độ giáo dục và dinh dưỡng tốt hơn, họ cũng trở nên thông minh hơn so với những người lớn tuổi. Nếu là nữ giới hay người đồng tính, họ có được sự tự do hơn nhiều so với những người của thế hệ trước. Và giới trẻ millennial có thể trông đợi vào các cải tiến công nghệ để giúp họ sống thọ hơn 100 tuổi. Vậy họ có gì để phàn nàn?
Rất nhiều thứ để họ than phiền. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người trẻ tuổi trên toàn cầu đã hình thành một nền văn hóa chung, cùng chia sẻ nỗi niềm. Trên khắp thế giới, họ kêu ca rằng quá khó tìm việc làm và một nơi để sống và rằng con đường trưởng thành của họ dài đăng đẳng và cam go hơn. Điều này một phần có thể là do các chính sách ủng hộ người già, thay vì người trẻ. Một số tiền đáng kể của chính phủ các nước, đặc biệt ở các nước phát triển được rót vào các quỹ lương hưu và chăm sóc y tế cho người già. Điều này một phần là kết quả tự nhiên của quá trình già hóa dân số, nhưng cũng là bởi vì người lớn tuổi muốn đảm bảo chính sách có lợi cho họ.
Một ví dụ khác là việc làm. Tại nhiều nước, luật lao động yêu cầu doanh nghiệp phải có chế độ phúc lợi hậu hĩnh cho người làm việc thâm niên và khiến cho việc sa thải lao động rất khó khăn. Và vì thế, giới chủ doanh nghiệp cũng ngại tuyển lao động mới. Người thua trên mặt trận này là người trẻ. Trong hầu hết các ngành, số người trẻ thất nghiệp ít nhất gấp đôi số người già. Những năm đầu tiên ra đời đi làm mà không tìm được việc là thời kỳ tồi tệ nhất đối với thế hệ millennial. Những ai từng thất nghiệp trong độ tuổi 20, dù đã bước qua tuổi 50, vẫn không quên được cảm giác đáng sợ của thời kỳ ấy, khi phải trải qua nỗi khổ sở bị thất nghiệp hoặc làm việc với mức lương bèo bọt.
Nhà ở cũng là nỗi lo của giới trẻ. Các luật lệ rườm rà đã làm tăng gấp đôi chi phí sở hữu nhà tại Anh. Điều đó còn tồi tệ hơn ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, nơi người trẻ muốn sống nhất. Giá thuê nhà và giá mua nhà tại những nơi như vậy cao hơn nhiều so với thu nhập mà họ kiếm được. Giới trẻ ở Kuala Lumpur được biết đến với cái tên là “thế hệ không nhà”. Những phụ nữ trẻ Mỹ có xu hướng sống với cha mẹ hoặc họ hàng cao hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Người trẻ cũng thường có xu hướng muốn đi đâu thì đi. Với cả một thế giới rộng lớn để khám phá và không có gì để trói buộc, thế hệ millennial đi khắp nơi nhiều hơn và thường xuyên hơn người lớn tuổi. Điều đó giúp họ tạo ra năng suất làm việc cao hơn, đặc biệt nếu họ từ một nước nghèo sang một nước giàu sinh sống và làm việc. Theo một ước tính, GDP toàn cầu sẽ tăng gấp đôi nếu người ta có thể đi đây đó một cách tự do hơn. Nhưng điều này là hoàn toàn không thể xảy ra về mặt chính trị, bởi quan điểm của các nước giàu là không ủng hộ nhập cư.
Tuy nhiên, điều đáng nói là quá nhiều chính phủ không chỉ “khó chịu” với việc nhập cư xuyên biên giới mà họ cũng không khuyến khích “nhập cư nội địa”, tức tình trạng người dân đi từ bang này sang bang khác sinh sống, hoặc từ nông thôn chuyển lên thành thị. Hệ thống hukou (hộ khẩu) của Trung Quốc đối xử với những người dân ở nông thôn chuyển lên thành phố sinh sống như công dân hạng hai. Tại Ấn Độ, những người chuyển từ bang này sang bang khác cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Một nghiên cứu của Liên hiệp Quốc cho thấy 80% quốc gia có chính sách giảm nhập cư từ nông thôn lên thành thị, mặc dù phần lớn tiến bộ nhân loại lại đến từ những người buông cuốc, buông cày, tìm đến các công việc tốt hơn ở những thành phố lớn trong các ngành công nghiệp đầy khói. Việc cản trở tự do đi lại đặc biệt “trói giò” người trẻ tuổi, bởi vì họ là những người muốn đi đây đi đó nhiều nhất.
Tuy nhiên, thế hệ millennial có thể đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Tại Mỹ chỉ hơn 1/5 người ở độ tuổi từ 18-34 bỏ phiếu trong cuộc bầu cử gần đây nhất, trong khi có tới 3/5 người hơn 65 tuổi đi bỏ phiếu. Tỉ lệ này cũng tương tự ở Ấn Độ và có cao hơn một chút ở Nhật. Nếu giới trẻ muốn chính phủ lắng nghe ý kiến của mình, họ nên đi bỏ phiếu nhiều hơn.
Về phía chính phủ, việc không tạo điều kiện cho giới trẻ phát huy tối đa khả năng của mình là một sự lãng phí tài năng rất lớn. Những người trẻ tuổi dưới 30 hiện nay một ngày nào đó sẽ “chiếm lĩnh” lực lượng lao động. Nếu không được phát triển kỹ năng, họ sẽ tạo ra năng suất kém hơn so với tiềm năng có thể đạt được. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia như Ấn Độ, vốn trông chờ vào tầng lớp lao động trẻ đông đảo trong công cuộc phát triển kinh tế. Còn những nước giàu có dân số đang già đi sẽ nhận thấy rằng trừ phi người trẻ ngày nay được đặt chân lên bậc thang sự nghiệp, nếu không những người già nhận lương hưu của ngày mai sẽ gánh chịu hậu quả. Hơn nữa, kiềm cặp sức trẻ sẽ rất nguy hiểm. Các quốc gia mà có tỉ lệ người trẻ tuổi bị thất nghiệp, bất mãn có xu hướng rơi vào tình trạng bạo động và bất ổn hơn. Minh chứng là hàng triệu người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi.
Do đó, chính phủ các nước nên tháo cũi sổ lồng cho giới trẻ bằng cách hạn chế cơ chế quan liêu, vốn khiến cho người trẻ không tiếp cận được công việc và tạo điều kiện cho họ sở hữu nhà ở. Chính phủ cũng có thể tháo dỡ những rào cản trong việc “nhập cư trong nước” và cho phép lao động tự do đi lại xuyên biên giới hơn. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo nên được xem là một vấn đề ưu tiên. Cha mẹ, ông bà, người lớn tuổi cũng nên góp mặt trong công cuộc giải phóng sức trẻ. Nếu làm được như vậy, đó sẽ là một sự thay đổi ngoạn mục cho nền kinh tế.
Thế Sơn
Nguồn The Economist