Những người thừa kế của tập đoàn Samsung sẽ phải thanh toán khoản thuế thừa kế khổng lồ hơn 10 tỉ USD trong 5 năm. Ảnh: TL.

 
Thứ Sáu | 26/11/2021 23:04

Gia đình Samsung thế chấp 13 tỉ USD cổ phiếu để trả thuế thừa kế

Đây là một trong những khoản thuế thừa kế lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Theo Bloomberg, những người thừa kế của tập đoàn Samsung vừa thế chấp 13 tỉ USD cổ phiếu để có thêm thời gian thanh toán khoản thuế thừa kế khổng lồ hơn 10 tỉ USD. Đây được xem là một trong những cam kết tài sản thế chấp lớn nhất thế giới, chủ yếu là để câu giờ để thanh toán hóa đơn thuế thừa kế khổng lồ.

Kể từ tháng 4, "thái tử Samsung" Jay Y. Lee và gia đình đã thế chấp một lượng lớn cổ phần của họ tại 4 trong số các công ty của tập đoàn, trong đó bao gồm cổ phần tại Samsung Electronics, và Samsung C&T.

Tính đến nay, trong số 500 thành viên mà chỉ số Bloomberg Billionaires Index theo dõi, chỉ có tỉ phú Larry Ellison của Oracle thế chấp cổ phiếu nhiều hơn.

Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee qua đời vào năm ngoái. Là biểu tượng của giới kinh doanh, ông Lee nắm giữ khối tài sản 20,1 tỉ USD.

Theo Forbes, ông từng là người giàu nhất đất nước 50 triệu dân và xếp hạng 75 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2020.

Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã qua đời vào năm ngoái. Ông từng nắm giữ khối tài sản 20,1 tỉ USD. Ảnh: The Korea Times.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã qua đời vào năm ngoái. Ông từng nắm giữ khối tài sản 20,1 tỉ USD. Ảnh: The Korea Times.

Những người thừa kế của cố chủ tịch Samsung Lee Kun-hee tiết lộ họ sẽ thanh toán hóa đơn thuế khủng này thành 6 đợt trong 5 năm. Phần lớn cổ phiếu của Samsung đã được đưa ra tòa để làm tài sản thế chấp cho khoản thuế thừa kế khổng lồ hơn 12.000 tỉ won (tương đương 10,1 tỉ USD).

 

Theo ông Chung Sun-sup, đây là cách dễ nhất để rút tiền mặt từ số cổ phần của họ mà không làm giảm quyền sở hữu tại tập đoàn. Việc cầm cố cổ phiếu để trả thuế không ảnh hưởng đến quyền biểu quyết của họ.

Cách thức này tương đối phổ biến ở Hàn Quốc, nơi có mức thuế thừa kế có thể lên tới 60%. Luật pháp nước này cũng cho phép trả khoản thuế trên thành nhiều đợt nhưng phải có tài sản thế chấp trị giá 120% giá trị của khoản thuế đến hạn. Số tiền thế chấp được quyết định dựa trên giá cổ phiếu đóng cửa một ngày trước khi thỏa thuận được thực hiện.

Ông Jay Y. Lee đã thế chấp 96% cổ phần của mình tại Samsung C&T, Samsung Electronics, công ty dịch vụ công nghệ thông tin Samsung SDS. Bà Hong Ra-hee và hai con gái là Seo-hyun và Boo-jin cũng đã thế chấp một số tài sản, trong đó bao gồm cổ phần tại Samsung Life Insurance của chị gái Boo-jin.

Hồ sơ cho thấy, riêng ông Lee thế chấp khoảng 10,7 tỉ USD cổ phiếu, trong khi mẹ ông và các chị gái cầm cố số cổ phiếu trị giá 2,6 tỉ USD.

Việc thế chấp cổ phiếu cho các khoản vay, thường có giá trị nhỏ hơn, có thể gây ra rủi ro nếu giá cổ phiếu giảm. Bởi họ sẽ phải bán một phần trong số cổ phiếu thế chấp đó.

Nhà nghiên cứu cấp cao Hwang Sei-woon tại Viện Thị trường Vốn Hàn Quốc cho rằng việc thế chấp cổ phiếu cho các khoản vay ngân hàng có thể gây rủi ro cho quyền kiểm soát doanh nghiệp. "Các điều kiện thị trường có thể ảnh hưởng đến tài sản thế chấp bằng cổ phiếu và việc giảm quyền sở hữu có thể xảy ra".

Giá cổ phiếu của Samsung Electronics đã giảm 7,7% trong năm nay. Đây là mức sụt giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2018, phần lớn do lo ngại về giá chip nhớ tăng chậm. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn lạc quan về cổ phiếu này và dự báo đà hồi phục. Theo nhà phân tích Masahiro Wakasugi của Bloomberg Intelligence, nhu cầu chip có thể tăng lên nhờ điện thoại 5G và công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Có thể bạn quan tâm:

Đức ấn định người kế nhiệm Thủ tướng Merkel