Theo CNN, thật khó để đổ lỗi cho họ, khi hiều người thuộc Thế hệ Z đã có những năm học đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Ba | 16/04/2024 17:35

Gen Z vẫn chật vật với tài chính dù thị trường lao động sôi nổi

Những người lớn tuổi nhất thuộc Gen Z đang phải vật lộn với tuổi trưởng thành mà vẫn chưa sở hữu nhà cửa, thu nhập thoải mái.

Theo CNN, Gen Z đang bước vào thời điểm mà thị trường việc làm mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. So với thế hệ Millennials, đặc biệt là những người tham gia lực lượng lao động trong thời kỳ Đại suy thoái, thì trải nghiệm của Gen Z là một giấc mơ.

Ông Brendan Duke, Giám đốc cấp cao về chính sách kinh tế tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho biết: "Những người lao động trẻ tuổi trong thị trường lao động hiện tại đang có mức tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát nói chung và nhanh hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác."

Năm ngoái, tỉ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi là 7,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1953, và tốt hơn nhiều so với tỉ lệ thất nghiệp 18,4% cho cùng nhóm tuổi vào năm 2010. 

 

Nhưng với Gen Z, mọi việc lại không dễ dàng đến vậy!

Giống như thế hệ Millennial, họ đang phải vật lộn với làn sóng lạm phát dữ dội khiến giá cả tăng cao nhanh chóng trong ba năm qua. Những mặt hàng thiết yếu đặc biệt đắt đỏ: Giá thực phẩm tăng cao trong thời kỳ đại dịch và các công ty không ngại giữ giá ở mức cao ngay cả khi chuỗi cung ứng phục hồi. Chi phí nhà ở tăng vọt khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, trong khi tốc độ xây dựng không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng. 

Có một khác biệt lớn giữa Gen Z và các thế hệ khác, khi xung quanh họ có vô số nền tảng xã hội, nơi họ có thể công khai nỗi lo về tài chính hoặc ngược lại, trố mắt nhìn những người đồng chan lứa tận hưởng cuộc sống dư dả.

Tuần trước, một người dùng TikTok đã đăng một video bày tỏ sự bất mãn về chi phí sinh hoạt. Video này đã đạt được 5 triệu lượt xem, với hàng chục nghìn bình luận và lượt chia sẻ.

“Tôi kiếm được gấp ba lần mức lương tối thiểu liên bang nhưng tôi vẫn chật vật sinh sống, tuy biết rằng thừa nhận việc này thật xấu hổ, nhưng ngoài kia, tôi biết rất nhiều người cũng đang gặp khó khăn tương tự.". Sau đó, người này kết luận: “Giấc mơ Mỹ đã chết”.

Theo giới phân tích, video này có thể không phản ánh đúng thực trạng tài chính nhưng lại cho thấy sự tức giận, tuyệt vọng và chán nản ngày càng ăn sâu vào giới trẻ.

Theo một nghiên cứu của McKinsey năm 2022, Gen Z đang báo cáo tỉ lệ lo lắng, trầm cảm và đau khổ cao hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Nghiên cứu tương tự cho thấy Gen Z là nhóm ít có khả năng tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế nhất cho những tình trạng đó vì dịch vụ chăm sóc sức khỏe hành vi quá đắt. Báo cáo cho biết: “Nhiều Gen Z tìm đến TikTok hoặc Reddit để xin lời khuyên”.

Theo CNN, thật khó để đổ lỗi cho họ, khi hiều người thuộc Thế hệ Z đã có những năm học đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu. Giờ đây, những người lớn tuổi nhất thuộc thế hệ đang phải vật lộn với tuổi trưởng thành mà không có lợi ích đảm bảo như sở hữu nhà cửa, thu nhập thoải mái hoặc ở nơi khí hậu ổn định.

Một phân tích gần đây của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Vương quốc Anh cho thấy kỳ vọng lạm phát ở những người từ 16 đến 24 tuổi đã tăng nhiều hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác kể từ đại dịch, một thực tế mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể để lại tác động sâu rộng với chính họ.

Đối với thế hệ Millennials, tình hình cũng không mấy khả quan, họ đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ và cũng có chung cảm giác rằng Giấc mơ Mỹ nằm ngoài tầm với.

Nhiều người trong số họ không có triển vọng việc làm ngay khi tốt nghiệp đại học và phải vật lộn suốt một thập kỷ với mức lương trì trệ. Những người thuộc thế hệ Millennials thất nghiệp khác đổ xô đi học cao học, gánh thêm nhiều khoản nợ hơn và điều này trở thành lực cản lớn cho sự phát triển kinh tế. 

Phải mất một thời gian dài nhưng Millennials, ở một khía cạnh nào đó, đã bắt kịp. Theo ông Charles Schwab, thế hệ này đang vượt xa Gen X về khoản tiết kiệm hưu trí tính đến năm 2022. Và, kể từ năm 2019, người lao động dưới 40 tuổi đã thấy mức lương tăng trung bình 14%.

Có thể bạn quan tâm:

 Cuộc đua mở rộng cảng của các quốc gia Đông Nam Á

Nguồn CNN