Gen Z đang có nhiều lo lắng về tiền bạc, ngoại hình và sự nghiệp, về tương lai bất ổn. Ảnh: Shutterstocks

 
Hoàng Thi Thứ Bảy | 22/06/2024 07:00

Gen Z lo lão hóa

Là thế hệ nhạy bén và chọn lọc thông tin, Gen Z có sự “thức tỉnh” cho tình trạng sức khỏe và lão hóa của mình.

Hoàng Huyền (sinh năm 2002, sinh viên năm 4 Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) bắt đầu quan tâm đến việc ăn uống lành mạnh và rèn luyện thể chất sau khi được truyền cảm hứng từ mẹ mình. “Tôi nhận ra rằng việc ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến cân nặng của mình mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng và năng lượng hằng ngày”, Huyền chia sẻ.

Cô giáo tương lai này áp dụng một chế độ ăn nghiêm ngặt như hạn chế ăn đồ ngọt, thức ăn nhanh và đồ chiên xào để kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa mụn. “Mình luôn cố gắng tuân thủ 4 nguyên tắc trong dinh dưỡng: không ngọt, không mặn, không cay và không dầu mỡ”, Hoàng Huyền cho biết.

Thế hệ Gen Z như Huyền tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang dần chú trọng đến lối sống lành mạnh hơn và hạn chế lạm dụng thực phẩm có hại cho sức khỏe. Theo báo cáo Nghiên cứu tiêu dùng của Vero và Decision Lab, một tỉ lệ đáng kể lên đến 64,3% người thuộc thế hệ này đã quyết định ưu tiên thực phẩm bổ dưỡng vì lợi ích sức khỏe về lâu dài.

Nhận thức cao về việc ăn uống lành mạnh khi nhiều bạn Gen Z thừa nhận rằng họ thường xuyên cảm thấy căng thẳng và áp lực từ công việc, học tập và mạng xã hội. Số liệu thống kê trong nghiên cứu hơn 1.000 người tuổi từ 18-25 của tổ chức từ thiện UK Youth cho thấy, Gen Z đang có nhiều lo lắng về tiền bạc, ngoại hình và sự nghiệp, về tương lai bất ổn. Ở Anh, có đến 74% người trẻ nói rằng họ bị stress tới mức không thể chịu được một trong những nguyên nhân đó đến từ công việc.

Đặc biệt là những vấn đề về lo âu và trầm cảm. Số liệu được đưa ra ở Hội thảo “Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện” do Viện Sức khỏe Tâm thần tổ chức gần đây đã phản ánh một thực tế đáng lo ngại: 50% vấn đề sức khỏe tâm lý xảy ra ở tuổi teen (13-19 tuổi) và 75% diễn ra ở tuổi 24. Có 1/6 người trẻ đang bị rối loạn lo âu.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng một số lượng đáng lo ngại của các trường hợp đột quỵ và các vấn đề về tim mạch ở những người trẻ tuổi. Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022 có đến hơn 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15-49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Ở Việt Nam, tỉ lệ đột quỵ người trẻ tuổi tăng 2% mỗi năm, số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mỗi năm thế giới có khoảng 16% trường hợp bị đột quỵ ở độ tuổi 15-49. Nếu như trước đây, đột quỵ thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi, bây giờ người bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

Một mẫu số chung của những người trẻ này là lựa chọn lối sống không mấy lành mạnh như thức khuya, dành quá nhiều thời gian giải trí trên internet, làm việc căng thẳng... Hậu quả là sức khỏe của họ giảm đi một cách rõ rệt: đau đầu, suy giảm trí nhớ, làm giảm thị lực, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa... Bác sĩ Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết thường xuyên tiếp nhận người dưới 30 tuổi đến khám vì mất ngủ, đa phần khi hỏi đều cho biết có tiếp xúc với thiết bị điện tử.

 

Vì thế, nhiều bạn trẻ đã có cuộc cách mạng cho bản thân với việc duy trì lối sống khỏe mạnh hơn thông qua ăn uống, tập luyện. Không chỉ quan tâm đến việc ăn uống lành mạnh, Gen Z còn nhận thức sớm về quá trình lão hóa. Họ không chờ đến khi bước vào tuổi trung niên mới bắt đầu chú trọng và chăm sóc sức khỏe làn da. Thay vào đó, họ bắt đầu từ rất sớm với việc sử dụng kem chống nắng hằng ngày và chú trọng đến việc bổ sung các chất chống oxy hóa trong chế độ ăn.

Đại dịch đã tác động lớn tới nhận thức của giới trẻ khiến họ bừng tỉnh về nhiều vấn đề như sức khỏe tâm thần, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh truyền nhiễm, kháng thuốc... Kể từ sau đại dịch COVID-19, bạn Mai Quyên (sinh năm 2002, sinh viên năm 4 Trường Đại học Sư phạm TP.HCM), đã quyết định tái cấu trúc lối sống của mình để nâng cao sức khỏe và cải thiện tình trạng da. Cô chia sẻ: “Ban đầu việc thay đổi không hề dễ dàng, nhưng giờ đây mình đã quen với việc bôi kem chống nắng mỗi ngày, thêm thực đơn vào bữa ăn sáng và ăn nhiều thực vật hơn”. Điều này cho thấy sự kiên trì và nỗ lực trong việc theo đuổi một cuộc sống lành mạnh đã bắt đầu mang lại những kết quả tích cực cho cô gái trẻ.

Gen Z không chỉ chọn ăn uống lành mạnh mà còn chọn những sản phẩm thuần chay với các thành phần lành tính, dịu nhẹ và thân thiện với môi trường. Họ nhận ra rằng sức khỏe của họ gắn liền với sức khỏe của trái đất và đã không ngần ngại thay đổi thói quen tiêu dùng để phản ánh điều này.

Với sự nhận thức sớm về lão hóa và ăn uống lành mạnh, giới trẻ đang mở ra một tương lai mới cho sức khỏe cộng đồng. Họ không chỉ thay đổi cách thế giới nhìn nhận về sức khỏe mà còn đang tạo ra một tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Theo khảo sát mới đây của Anphabe tại Việt Nam, trải qua năm 2023 biến động kinh tế, Gen Z đặt nhiều kỳ vọng vào công việc ổn định, môi trường làm việc an toàn, bên cạnh 3 yếu tố quan trọng là phúc lợi tốt, lãnh đạo có tầm nhìn và chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân viên...

Gen Z và Millennials sẽ là nhóm dân số chính trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong vài năm tới. Trên toàn cầu, xu hướng lối sống lành mạnh cả về tinh thần và thể chất đã bắt đầu phát triển. Câu chuyện của Gen Z là minh chứng cho thấy sự thức tỉnh về sức khỏe của một thế hệ mới. Họ đang viết lại quy tắc cho một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc và chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ họ.

Là thế hệ tiêu dùng mới, Gen Z là mục tiêu theo đuổi của tất cả các thương hiệu. Theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc khối kinh doanh Kantar Việt Nam, chiến lược của các thương hiệu Việt là phải tìm cách chinh phục thế hệ khách hàng chủ lực Gen Z trong vòng 5 năm tới. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều doanh nghiệp đặt cược vào các danh mục  theo sự quan tâm của giới trẻ để không chỉ mở ra nguồn doanh thu mới mà còn mở rộng các điểm tiếp xúc khách hàng và xây dựng mối quan hệ thương hiệu lớn hơn.