Gánh xiếc làm sao để sống?
“Đừng ăn! Đừng ăn!”, tiếng trẻ con trong rạp kêu gào mong nàng Bạch Tuyết không mắc mưu bà mẹ kế độc ác. Các vị phụ huynh cười mỉm, thích thú trước sự ngây ngô của con mình với vở diễn. Bạch Tuyết cắn một miếng táo thật lớn, ngã lăn ra sàn, để rồi vài phút sau, hoàng tử làm Bạch Tuyết sống dậy, cùng nhau bay lượn như chim vòng quay sân khấu bằng sợi dây cáp được thả xuống từ trần rạp. Vở diễn kết thúc, các khán giả nhí ùa lên sân khấu, chụp hình chung với hoàng tử, Bạch Tuyết và cả 7 chú hề.
Thoái trào từ mô hình, chiến lược
Không chỉ có các em nhỏ mà phụ huynh cũng trầm trồ, thán phục trước những màn biểu diễn từ nhào lộn, đu dây, ảo thuật đến huấn luyện thú. Những ai đã xem vở diễn Bạch Tuyết và 7 Chú Hề tại Rạp Xiếc TP.HCM khi ra về rất hài lòng, nhưng số người đến xem chỉ được nửa rạp, dù là buổi diễn tối Chủ Nhật trước Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Thời buổi hiện nay, nếu trẻ con không dán mắt vào tập vở thì cũng là thiết bị điện tử, điện thoại thông minh. Các hình thức giải trí truyền thống dần đi vào quên lãng, múa rối nước, ca nhạc thiếu nhi hay xiếc đều cùng chung số phận.
Không chỉ tại Việt Nam, ngày 2.5 vừa qua, gánh xiếc nổi danh trên thế giới Ringling Brothers đã diễn buổi cuối cùng sau 146 năm hoạt động. Ở thời hoàng kim của mình, Ringling Brothers lưu diễn với hơn 70 con voi và cả đoàn xiếc di chuyển bằng 2 đoàn tàu với 60 toa mỗi đoàn. Tại Việt Nam, ông tổ của ngành xiếc là ông Tạ Duy Hiển, người Việt Nam đầu tiên sở hữu gánh xiếc có xiếc thú, ra mắt vào năm 1922. Gánh xiếc của ông lúc bấy giờ nổi tiếng khắp nơi và đi lưu diễn ở nhiều nước trong khu vực.
Trong hồi ký của mình, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết về các loại hình giải trí ở Hà thành thập niên 1930: “Có 3 gánh xiếc Việt Nam tổ chức theo xiếc Âu Tây. Đầu tiên là gánh Lạc Long. Rồi tới gánh Long Tiên và Tạ Duy Hiển. Gánh Tạ Duy Hiển đồ sộ hơn vì có voi, có hổ giống như một gánh xiếc Âu - Mỹ”. Đoàn xiếc của Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển đã đào tạo nên nhiều nghệ sĩ tài năng của Việt Nam. Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh, cháu của ông, hiện là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam hay Đội Xiếc Trung ương.
Ông Ánh đã so sánh chiến lược giữa Ringling Brothers, một đoàn xiếc truyền thống và Cirque du Soleil, một đoàn xiếc đương đại. Thất bại của Ringling Brothers là do duy trì đàn thú diễn xiếc lớn và loại hình sân khấu rạp tròn. Ở các nước phát triển trên thế giới và ở cả Việt Nam, các hiệp hội bảo vệ động vật lên án hành động tách thú con khỏi mẹ và dùng một số các dụng cụ làm đau thú để huấn luyện cũng như dùng xiềng xích để giam giữ. Nhận thức về quyền động vật đã khiến cho loại hình xiếc truyền thống, niềm tự hào là xiếc thú, không những không hấp dẫn mà còn phản cảm với người xem.
Ngoài ảnh hưởng từ sự thay đổi trong nhận thức khán giả, thì chính việc duy trì đàn thú làm xiếc và sử dụng mô hình lều rạp tròn đã làm cho chi phí hoạt động của các đoàn xiếc truyền thống tăng cao, giới hạn địa điểm biểu diễn và kén khách xem. Trong khi đó, Cirque du Soleil dàn dựng vở diễn theo phong cách đương đại, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật xiếc, nhưng đầu tư kịch bản, sân khấu, phục trang mang tính nghệ thuật cao, đẹp mắt và đặc biệt là không dùng xiếc thú và không nhất thiết dùng sân khấu tròn.
Tại Việt Nam, khán giả vẫn chưa quá quan tâm đến quyền động vật, nên mối đe dọa lớn nhất đối với loại hình xiếc là hạn chế trong tiếp thị, quảng bá, nội dung cũ kỹ và dàn dựng vở diễn thực sự đẹp mắt. Vở Bạch Tuyết và 7 Chú Hề tuy cuốn hút về nội dung và các tiết mục trình diễn trong vở, nhưng về trang phục, đạo cụ, sân khấu, âm thanh và ý đồ nghệ thuật mới chỉ dừng lại ở mức độ chấp nhận được, vui mắt, vui tai. Hoạt động quảng bá gần như không có, giới hạn ở mức độ phát loa tại khu vực biểu diễn là công viên Gia Định.
Mặt khác, nghệ thuật xiếc là một ngành rất khó để mở rộng quy mô và tạo lợi nhuận, nếu so với các hình thức giải trí khác. Theo ông Tạ Duy Ánh, thu nhập của một diễn viên xiếc tham gia các show diễn trong nước thường xuyên vào khoảng 8-10 triệu đồng. Nếu giỏi được biểu diễn ở nước ngoài, đạt giải thưởng, như anh em Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp, thì thu nhập khá hơn. Mức lương thấp làm cho các phụ huynh không còn mong con em theo nghiệp xiếc.
Sức sống mới của xiếc
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng xiếc Việt Nam cũng đang biến chuyển để hội nhập, bắt kịp ngành xiếc thế giới, thông qua việc trao đổi kiến thức, tham gia các liên hoan xiếc thế giới, với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Nhà nước, cũng như các nhà làm nghệ thuật. Gần đây có vở Làng Tôi của nhóm tác giả Việt kiều Pháp tạo được tiếng vang nhờ được dàn dựng đồng nhất với đạo cụ, trang phục, tiết mục mang tính dân gian vẽ nên bức tranh làng quê Bắc Bộ. Làng Tôi là một vở diễn không theo hình thức xiếc truyền thống, không diễn được trên rạp tròn lại không thu hút khách ở Việt Nam, dù được đặt hàng diễn 3 năm ở Pháp.
À Ố Show thành công khi vận hành theo mô hình quản lý mới. Ảnh: Lune Production |
À Ố Show cũng cùng một nhóm tác giả dàn dựng nhưng thành công hơn tại thị trường Việt Nam. À Ố Show ra mắt vào đầu năm 2013, là chương trình nghệ thuật thuần Việt được Công ty Lune Production (do Square Group thành lập) đầu tư lớn. Chương trình này thu hút nhiều du khách nước ngoài tại Việt Nam, từng lưu diễn tại châu Âu trong 3 năm. Đáng chú ý là À Ố Show có giá vé thấp nhất lên đến hơn 500.000 đồng, so với giá vé của Rạp xiếc Trung ương vào khoảng 200.000 đồng, có thể thấy sức hút của loại hình xiếc vẫn rất lớn nếu được vận hành đúng cách. Sau khi chuyển quyền quản lý cho Lune Production, Làng Tôi cũng đang được khai thác tốt tại Hà Nội.
Tất nhiên, cũng cần phải biết À Ố Show đã phải đầu tư khoảng 20 tỉ đồng và mất thêm 6 tỉ đồng bù lỗ trong năm đầu tiên ra mắt. Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Square Group, đại diện của đơn vị thực hiện À Ố Show, cho biết, qua năm thứ 4 với những thành quả bước đầu, Lune Production được cam kết đầu tư thêm lượng vốn tương đương giai đoạn 1, để xây dựng các tác phẩm mới, mở rộng địa điểm biểu diễn ra Hà Nội, Hội An và lưu diễn ra thế giới.
Đến nay, Lune Production đã xây dựng được 4 đoàn diễn viên và dàn nhạc chuyên nghiệp lên đến 80 thành viên, trong đó có những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, giảng viên nhạc viện, nghệ sĩ xiếc... Công ty cũng xây dựng cơ bản hệ thống nhân sự vận hành cho tất cả các khâu, trong đó chú trọng quảng bá, truyền thông, phân phối, kinh doanh, lưu diễn và nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, theo ông Trung, khó khăn lớn nhất của Lune Prodution là việc phải “tự lực cánh sinh” trong tất cả các khâu. Tại các địa phương, cơ sở hạ tầng, lịch biểu diễn, năng lực vận hành, nguồn đào tạo, tình trạng vi phạm bản quyền, khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, cơ chế ưu đãi thuế cho hoạt động bảo tồn nghệ thuật truyền thống... đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, khiến chi phí đầu tư đội lên rất cao, ngay cả khi so sánh với nước ngoài.
Ví dụ một tác phẩm quy mô tương đương À Ố Show nếu thực hiện ở châu Âu hoặc Trung Quốc chi phí chưa tới 2/3 so với Việt Nam, vì tính “sẵn sàng” của cả hệ thống ở các nước, trong khi có lượng khán giả đông hơn trong mỗi suất diễn. Ngay cả gánh xiếc “tỉ đô” của thế giới là Cirque du Soleil cũng không trực tiếp kinh doanh, mà hợp tác với các công ty chuyên khai thác thương mại ở từng khu vực trên thế giới.
“Với việc mở rộng ra 3 điểm diễn tại Việt Nam và thường xuyên có một chương trình lưu diễn thế giới, Lune Production kỳ vọng cân bằng được hiệu quả đầu tư nhằm tái đầu tư, từ đó tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Nhà đầu tư sẽ chưa thể có lợi tức trong 3-5 năm tới”, ông Trung cho biết.
Nhận thức được khả năng cuốn hút khán giả từ trẻ em đến người lớn của xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cố gắng theo đuổi xu hướng nghệ thuật đương đại khi đầu tư nhiều hơn cho ý tưởng vở diễn, cũng như lồng ghép nhiều tiết mục âm nhạc, ca múa vào một vở diễn xiếc truyền thống, đơn cử là vở Úm Ba La đang diễn tại Hà Nội kể từ ngày 1.6.2017.
Nam Anh