Gameshow Việt chuộng mua bản quyền. Ảnh: TL.

 
Tuấn Thịnh Thứ Tư | 02/10/2024 07:00

Gameshow Việt chuộng mua bản quyền

Có những lý do đằng sau hiện tượng những chương trình truyền hình thực tế trong nước đang hút khách đều được mua bản quyền của nước ngoài.

Gần đây có nhiều chương trình truyền hình được mua bản quyền từ nước ngoài. Hiện tại, đang diễn ra một loạt chương trình như 2 Ngày 1 Đêm mùa 3, Siêu Sao Siêu Sales; Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai; Đảo Thiên Đường, Nữ Hoàng Vũ Đạo Đường Phố, Cầu Thủ Nhí 2024, Ca Sĩ Mặt Nạ mùa 3, Rap Việt mùa 4, sắp tới là Chị Đẹp Đạp Gió 2024... Đây là những chương trình truyền hình thực tế có sự đầu tư hoành tráng về quy mô lẫn nội dung và hình thức, đồng thời thu hút lượt xem khủng trên truyền hình và các nền tảng khi phát sóng. 

Đơn cử là chương trình 2 Ngày 1 Đêm mua bản quyền Hàn Quốc, được phát sóng vào tối Chủ nhật hằng tuần trên kênh HTV7 và ứng dụng VieON. Mùa thứ 2 của chương trình lần đầu tiên ghi nhận kỷ lục 10 tập liên tiếp đều lọt vào Top 1 thịnh hành YouTube. Sức hút thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội tăng gấp 3 lần so với mùa đầu tiên. 

Một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao gameshow Việt chọn mua bản quyền mà không tự xây dựng và sản xuất những chương trình có format thuần Việt?” Về mặt cơ chế, rõ ràng không có một giới hạn nào đặt ra cho các chương trình mua bản quyền so với chương trình thuần Việt mà thể hiện đây là sân chơi cạnh tranh công bằng dành cho chương trình có chất lượng. 

Từ cách đây chục năm, Trưởng Ban Kiểm tra Đài truyền hình Việt Nam, bà Vũ Thị Thanh Tâm khi đó đã phát biểu trong cuộc hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí: “Bản quyền định dạng nước ngoài, mua format chỉ là công thức, còn nội dung đã được Việt hóa. Đây giống như mua công thức làm bánh, còn nguyên vật liệu của ta, phù hợp khẩu vị của ta nên không có gì hạn chế để mua công thức đó cả”.

Trên quãng đường dài cạnh tranh, đã có sự chênh lệch về chất lượng và hiệu quả. Tính riêng trong mảng tìm kiếm tài năng âm nhạc, đã có một số ca sĩ V-pop thành danh sau khi có mặt trong gameshow bản quyền nước ngoài như Uyên Linh, Hương Tràm, Văn Mai Hương, Bảo Anh, Bích Phương, Ali Hoàng Dương, Ðức Phúc… trong khi gameshow tìm kiếm tài năng ca nhạc thuần Việt như Ngôi Sao Phương Nam, Solo Cùng Bolero, Tôi Là Ngôi Sao… lại chưa xây dựng được những hạt nhân nổi bật đóng góp vào thị trường âm nhạc. 

Gameshow Việt nhìn chung cho đến nay vẫn bị một số chuyên gia nhận xét là thiếu đột phá trong ý tưởng và chưa đủ độc đáo trong cách thể hiện. Trong khi đó, các chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền hiện nay có chung nhận diện: đáp ứng được nhu cầu giải trí nào đó, như ca hát hay, điểm đến du lịch thú vị, ẩm thực hấp dẫn, hẹn hò vui nhộn… Nghĩa là ngoài yếu tố giải trí cao, các chương trình mua bản quyền còn có nội dung mới lạ, đặc sắc, riêng biệt và mang đến cảm xúc chân thật đúng chất thực tế cho khán giả.

Chỉ cách đây 2 năm, các chương trình mua bản quyền còn bị hạn chế ở khâu Việt hóa và vẫn phải lôi kéo sự chú ý của khán giả bằng các drama lùm xùm. Hiện nay 2 vấn đề này đã được các nhà sản xuất khắc phục tương đối, đồng thời nâng chất. 

 

Chẳng hạn, trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai trên sóng VTV gần đây, các “anh tài” thuộc 2 thế hệ là NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven đã có màn biểu diễn trống cơm thu hút gần 2 triệu lượt xem, lọt Top 1 các video âm nhạc thịnh hành trên YouTube. Cũng ở Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, ca khúc quen thuộc của dân gian Việt Nam với giai điệu được phối mới kết hợp với đó là yếu tố truyền thống như điệu hò của dân ca Bắc Bộ, tiếng trống cơm, tiếng đàn bầu. 

Bà Ngô Thị Vân Hạnh, CEO Yeah1 - nhà sản xuất các chương trình như Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Chị Đẹp Đạp Gió 2024 sắp phát sóng - lý giải tại sao Yeah 1 chọn mua bản quyền các chương trình này từ Trung Quốc: “Mua bản quyền nước ngoài sẽ có sự an toàn bởi vì format gốc này đã được bảo đảm về chất lượng. Khi đó chúng tôi biết rõ mình phải làm gì cho nó hay, phải làm câu chuyện này, phải tính với nghệ sĩ kia. Đã có những tiêu chí rất rõ ràng, chuẩn mực để bảo đảm có một chương trình rất hay và chúng tôi dựa vào đó mà không cảm thấy chới với. Trong thực tế khi làm nội dung, đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy bề nổi nhưng để dẫn dắt câu chuyện tới một cái đích cuối cùng, nếu không đi xuyên suốt, không xâu chuỗi được, không logic hóa được thì nội dung sẽ bị lủn củn mặc dù có thể ban đầu rất hay. Nghĩa là rủi ro rất cao. Còn những chương trình chúng tôi mua về đã được đánh giá, được kiểm chứng qua khán giả, gồm các yếu tố đó cấu thành nên thành công”. 

Đặt câu hỏi nhà sản xuất có dự liệu về tâm lý so sánh của khán giả về chất lượng của chương trình gốc và chương trình mua bản quyền về Việt Nam sản xuất, bà Vân Hạnh cho biết: “Tâm lý so sánh của khán giả thì chắc chắn phải có, dù có làm mới, làm lại hay thế nào đi nữa, khán giả có quyền so sánh, có quyền mong cầu một chương trình tốt hơn, đó là tâm lý bình thường, là động lực để mình phải làm cho tốt. Tôi tin khán giả cũng sẽ hiểu, nếu ở nước bạn chương trình đã làm được 10 điều như thế, còn đến Việt Nam với cơ sở vật chất và nhiều điều kiện khác còn hạn chế thì họ cũng sẽ không đòi hỏi chương trình phải bằng hoặc hơn bên kia”. 

“Khán giả nhìn ra được tinh thần, thông điệp, kịch bản, tài năng của nghệ sĩ mà mình đưa vào chương trình để đánh giá thành công ở một góc độ khác chứ không phải so sánh về sự hoành tráng. Chúng tôi không lo khán giả chê mà ngược lại qua thực tế cho thấy chúng tôi còn được ghi nhận một khi làm hết sức mình, đầu tư chỉn chu và chuyên nghiệp bằng tinh thần mà đội ngũ chúng tôi hay nói đùa là “sinh viên nghèo vượt khó”, bà Vân Hạnh nói thêm.