CEO Herbert Diess của VW (trái) và CEO Jim Hackett của Ford.
Ford & VW: Cặp đôi hoàn hảo?
Trên đấu trường kinh doanh, các hãng xe không ngừng cạnh tranh lẫn nhau nhằm giành lấy khách hàng và thị phần. Nhưng thông thường phía sau hậu trường, những đối thủ này lại bắt tay với nhau, hỗ trợ nhau bằng cách cung cấp động cơ hoặc chia sẻ bí quyết công nghệ, kỹ thuật. Thế giới liên minh giữa các hãng xe vừa có thêm một câu chuyện mới khi Ford và VW tuyên bố bắt tay hợp tác, theo đó sẽ bắt đầu sản xuất xe thương mại cho nhau, nhưng có thể mở rộng hoặc cùng phát triển các loại xe điện, hệ thống xe không người lái và các loại xe khác của tương lai. Liên minh giữa Ford và VW dự kiến sẽ giúp cải thiện lợi nhuận hoạt động kể từ năm 2023, theo tuyên bố của 2 công ty.
Liên minh giữa các đối thủ cạnh tranh không hề mới trong ngành ô tô. General Motors (GM) và Ford đã từng cùng phát triển phụ tùng bộ truyền lực ô tô trong khi BMW và Daimler cũng mua phụ tùng của nhau. Nhưng để sống tốt trước làn sóng các công nghệ sắp tới, từ ô tô chạy pin cho đến tự động hóa, các nhà sản xuất sẽ cần phải tăng cường sức mạnh tài chính. “Chúng tôi phải giảm số vốn mà mọi người đang đổ vào, bởi vì sau cùng, người tiêu dùng vẫn muốn có phương tiện đi lại giá rẻ... Chúng ta phải sử dụng hiệu quả hơn số vốn đầu tư đổ vào ngành”, Don Walker, CEO nhà cung cấp linh kiện ô tô Magna, phát biểu tại Triển lãm Ô tô Detroit vừa qua.
Nhưng những cái bắt tay hợp tác lại thường gặp nhiều trúc trắc sau đó. Liên minh giữa Renault và Nissan là một ví dụ điển hình khi thương vụ hợp tác kéo dài gần 2 thập niên đang trong bầu không khí căng thẳng ngày càng tăng, chưa nói đến vụ bắt bớ Chủ tịch kiêm CEO Carlos Ghosn tại Tokyo cách đây không lâu.
Khi Renault và Nissan bắt đầu phát triển mẫu xe điện đầu tiên của nhau, họ muốn hợp tác nhiều nhất có thể. Nhưng đội ngũ kỹ thuật của 2 bên lại không có bên nào chịu nhượng bộ và kết quả là các mẫu xe ra đời sau hợp tác chỉ dùng chung một số ít bộ phận mà thôi. Ford và VW đang nỗ lực xây dựng một mối quan hệ hợp tác lành mạnh. “Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau. Thành công của liên minh này, của những dự án này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng tôi làm việc cùng nhau như thế nào”, Jim Farley, Chủ tịch bộ phận các thị trường toàn cầu của Ford, nhận định.
“Kế hoạch rõ ràng duy nhất đối với Ford là tạo ra một chiếc xe tải thương mại và một chiếc xe tải pickup cho VW và đối với VW là tạo ra một chiếc xe tải chạy trong thành phố cho Ford. Nhưng trong các cuộc đàm phán sắp tới, dường như không cho giới hạn cho những dự án tương lai có thể hợp tác cùng nhau. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Financial Times, CEO Herbert Diess của VW đã không hề bác bỏ gì, từ việc Ford tiếp cận nguồn vật liệu ô tô điện dồi dào của VW, cho đến khả năng cùng nhau phát triển ô tô trong tương lai. Ông cho biết, đã có một số cuộc đàm phán nhỏ hơn về kế hoạch hợp tác phát triển các mẫu ô tô của tương lai nhưng “vẫn chưa có gì cụ thể”. “Luôn luôn là câu chuyện cho và nhận”, ông nói.
Vấn đề là không sớm thì muộn một bên sẽ hết thứ để “cho”. Đây là vấn đề mấu chốt trong các liên minh hợp tác. Khi 2 hoặc nhiều công ty trở lên bước vào quan hệ “cho và nhận”, không sớm thì muộn một doanh nghiệp sẽ trở thành đối tác mạnh hơn trong liên minh, gây nên sự bức bối từ phía đối tác yếu hơn. “Ý tưởng 2 bên cùng thắng chưa bao giờ kéo dài được lâu”, theo đánh giá của một cựu thành viên trong Liên minh Renault - Nissan, một mối quan hệ đang đi đến điểm mấu chốt khi liên minh này sắp tổ chức sinh nhật thứ 20 trong năm nay.
Câu hỏi đặt ra cho Ford và VW là liệu VW sẽ hết thứ mà nó muốn từ Ford trước khi Ford hết thứ mà nó muốn từ VW. Chuyên gia phân tích John Murphy tại Bank of America Merrill Lynch cho rằng: “Điều gì tốt cho VW có thể không tốt cho Ford”. Ông nói thêm hãng xe Mỹ này có nguy cơ “trao tài sản đáng quý nhất” khi đề nghị sản xuất các xe tải pickup cho VW.
“Tôi nghĩ nguy cơ và rủi ro là rất lớn dựa trên thông tin ban đầu về thương vụ này. Có vẻ như Ford đang đặt hết mọi thứ mình có trên bàn đàm phán còn VW thì lại bày ra ít hơn. Ford mở cánh cửa xe pickup là một sai lầm vì đổi lại họ sẽ không nhận được gì nhiều từ VW”, ông nhận xét.
Đáng chú ý, cả 2 công ty đều từ chối một thương vụ sáp nhập hoàn toàn hoặc bất kỳ thay đổi nào về cơ cấu vốn, nhất là khi những ký ức về cái bắt tay thảm họa giữa Daimler và Chrysler vẫn còn quá mới mẻ. Hơn nữa, một khi cam kết liên minh, có thể rất khó mà thoát ra. Chẳng hạn, Renault và Nissan sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn “chia tay” vì họ sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Câu chuyện các hãng xe muốn cùng nhau “góp gạo thổi chung” đã nóng trở lại vào năm 2015 nhờ cố CEO Fiat Chrysler Sergio Marchionne, khi thương vụ sáp nhập Fiat và Chrysler vào năm 2009 do ông làm nhạc trưởng đã trở thành một trong những câu chuyện thành công hiếm hoi trong lịch sử ngành ô tô. Bởi cũng không sai khi nói rằng các hãng xe không nên đầu tư riêng lẻ vào công nghệ mà sẽ trở thành một loại hàng hóa thông dụng như hệ thống xe điện chẳng hạn.
Hiện tại Fiat Chrysler Automobiles (FCA) nằm trong số các công ty sản xuất ô tô cấp trung mà vẫn hưởng lợi từ việc bắt tay với các đối thủ khác. Công ty đang phát triển các hệ thống xe không người lái với BMW và xe thương mại với PSA. “Tôi để mở cho tất cả các cơ hội như vậy”, CEO Mike Manley của FCA cho biết.
GM đang làm việc với Honda trong nhiều dự án từ phát triển pin nhiên liệu cho đến xe không người lái, nhưng giống như những công ty khác, GM và Honda cũng rất do dự trong việc cam kết quá sâu với nhau. CEO Mary Barra của GM cho biết “chính trực” là chìa khóa trong các mối quan hệ hợp tác, vốn sẽ gặp rất nhiều trúc trắc trong quá trình phát triển các công nghệ mới. “Nếu có một tình huống mà quan hệ đôi bên trở thành một bên thắng, một bên thua, thay vì cả hai cùng thắng thì mối quan hệ sẽ trở nên rất mệt mỏi”, bà nói.
Nguồn Theo FT và Bloomberg