Đường sách hướng đến “đô thị học tập”
So với 1,5 triệu lượt người đến với Đường sách TP.HCM năm 2016, năm 2017, con số này đã tăng thêm 0,9 triệu lượt, với doanh thu mang về gần 50 tỉ đồng, cho thấy sức hút của Đường sách TP.HCM đối với công chúng đang tăng mạnh.
Trong hội nghị sơ kết 2 năm thành lập Đường sách TP.HCM tổ chức gần đây, những con số được đưa ra cho thấy sự tăng trưởng rất khả quan của mô hình này. Theo đó, doanh thu Đường sách TP.HCM năm 2017 đạt gần 50 tỉ đồng, so với doanh thu năm 2016 gần 27 tỉ đồng. Có 267 sự kiện ra mắt, giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả - tác phẩm; 28 hoạt động chuyên đề gắn với các ngày kỷ niệm lớn trong năm cùng 31 cuộc trưng bày, triển lãm sách, ảnh, tranh... đã được tổ chức thành công.
Ngoài gian hàng của các đơn vị xuất bản, phát hành uy tín phân phối các xuất bản ấn phẩm mới, gian hàng “Quán sách mùa Thu” được thành lập vào cuối năm 2016 nhằm đáp ứng thú chơi sách, sưu tầm sách cũ của nhiều đối tượng độc giả cũng nhận được sự quan tâm của người yêu sách. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, khẳng định, sự ra đời của Đường sách TP.HCM bước đầu thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân thành phố, tạo nên một địa chỉ văn hóa, nơi sự học và tri thức được chia sẻ, văn hóa đọc được khích lệ. Mặt khác, Đường sách đồng thời trở thành điểm dừng chân thú vị cho du khách nước ngoài khám phá nét đặc thù văn hóa của người dân bản địa. Hiệu ứng của mô hình này đã lan tỏa sang các địa phương khác. Một số địa phương khác cũng đang rục rịch làm Đường sách, trong đó có Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Cần Thơ...
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam (Văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM), Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, đánh giá, để đạt được kết quả này, Đường sách không chỉ là nơi bán sách mà còn trở thành một không gian văn hóa với các hoạt động tương tác với bạn đọc, trở thành điểm hẹn của người dân với quán cà phê sách, cũng như là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của người làm nghề. Công ty Đường sách cho biết trong năm 2018 sẽ tiếp tục tổ chức và duy trì nhịp độ phát triển của Đường sách bằng các chương trình hấp dẫn, thiết thực và có tính khuyến đọc trong cộng đồng.
Bà Huỳnh Thị Kim Phụng, đại diện Công ty Sách 24h tại Đường sách, nêu kiến nghị cần lắp bảng thông báo điện tử cỡ lớn tại Đường sách để cập nhật các chương trình diễn ra trong tuần, đồng thời cập nhật hằng tuần lượng sách mới bày bán để bạn đọc tiện theo dõi.
Khi mới thành lập, vì chỉ có 20 gian nên mỗi đơn vị tham gia chỉ có một gian tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Sau đó, có nhiều đơn vị bỏ không tham gia vì thấy không khả thi. Nhắc lại để thấy có được thành công hiện nay, việc vận hành và duy trì Đường sách là không đơn giản.
Mặc dù vậy, sau thành công trong thời gian qua, Ủy ban Nhân dân TP.HCM và Sở Thông tin và Truyền thông cơ bản thống nhất kế hoạch “phủ sóng” đường sách trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2025, mỗi quận, huyện sẽ có ít nhất một đường sách. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Hữu Anh, phụ trách Phòng Xuất bản - In - Phát hành (Sở Thông tin và Truyền thông), vì lực của ngành xuất bản của Thành phố hiện tại chưa thể đáp ứng được mỗi quận, huyện một đường sách nên kế hoạch sẽ phát triển theo cụm. Trước mắt, dịp Tết Mậu Tuất dự kiến mở Đường sách Nguyễn Đổng Chi (quận 7), trong năm 2018 sẽ ra mắt Đường sách Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp) và công viên sách Âu Lạc (quận 5).
Số lượng đầu sách bình quân đầu người của TP.HCM nói riêng (một cuốn/ đầu người) và cả nước nói chung (0,66 cuốn/đầu người), so với các nước trong khu vực, còn rất thấp. Do đó, việc phát triển, lan tỏa đường sách hướng đến mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành “đô thị học tập”.
Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết về quy mô, mỗi đường sách mới dự kiến có khoảng 20 gian hàng như Đường sách Nguyễn Văn Bình. Do đó, Sở sẽ chọn những đơn vị làm sách có uy tín tham gia, có đóng góp cho ngành xuất bản và các sự kiện văn hóa đọc của Thành phố. Hội đồng xét chọn sẽ bao gồm các nhà chuyên môn hoạt động trong ngành xuất bản. Theo ông Long, trên cơ sở lựa chọn được những đơn vị làm sách đủ điều kiện, nếu số lượng vượt quá quy mô không gian đường sách, Sở sẽ tổ chức bốc thăm để đủ 20 gian hàng. Những đơn vị đủ điều kiện còn lại sẽ ưu tiên bố trí cho những đường sách tiếp theo.
Chủ trương chung của Thành phố khi xây dựng, phát triển các đường sách đều hướng đến xã hội hóa. Theo đó, các doanh nghiệp, đơn vị làm sách tham gia sẽ tự nguyện đóng góp kinh phí. Thành phố hỗ trợ về chủ trương, chính sách, mặt bằng để cùng tạo ra một không gian văn hóa đọc, giới thiệu, quảng bá sách... trong đời sống cộng đồng. Để điều hành các đường sách, Thành phố sẽ thành lập một đơn vị hoạt động theo mô hình dịch vụ công ích phi lợi nhuận, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động chung, các đơn vị tham gia ở đường sách sẽ đóng phí quản lý chung đó, như điện, nước, vệ sinh, an ninh trật tự... Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị làm sách, thường xuyên tổ chức các sự kiện góp phần kích cầu, khuyến khích các đơn vị phát hành giảm giá sách để giúp cho học sinh, sinh viên, người lao động có nhu cầu được mua sách giá rẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, việc nhân rộng mô hình đường sách ở các địa bàn trong Thành phố phải được khảo sát thật kỹ nhằm phát triển mô hình sách mang đặc trưng của từng quận/huyện, tránh nhân rộng một cách tràn lan vì dân cư mỗi địa phương đều có trình độ phát triển cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa khác nhau.