Đường hầm xe lửa dài nhất thế giới sắp hoạt động
Nằm sâu dưới dãy Alps, đường hầm Gotthard Base dài 57 km với hai đường ray tách biệt trên trục bắc - nam, nối Đức và Italy sẽ cho hành khách di chuyển nhanh hơn, chuyển hàng hóa tin cậy và đường ray chịu lực thêm 50%. Đường sắt liên bang Thụy Sĩ (SBB) cho biết khi tuyến hầm xe lửa này đi vào hoạt động, chặng đường từ Zurich và Lugano trong bang Ticino cũng sẽ rút ngắn thời gian 25 phút so với hiện tại.
Thêm vào đó, khi tuyến đường hầm Ceneri Base cũng thuộc dự án hoàn tất vào năm 2020, tàu hỏa đi từ Zurich đến Milan còn chưa mất tới 3 giờ thay vì 4 tiếng đồng hồ như hiện nay.
Dãy Alps Thụy Sĩ, nơi đường hầm xe lửa dài nhất thế giới được xây dựng. Ảnh: Artur Staszewski |
Tuyến đường hầm Gotthard Base cùng Lotschberg Base dài 35 km là một phần thuộc dự án của Alp Transit với số tiền đầu tư hơn 16,5 tỷ USD. Mục tiêu dự án này là cải thiện hệ thống đường sắt, làm giảm lượng xe tải lưu thông qua dãy Alps vì lý do an toàn, môi trường và hậu cần.
SBB cho biết tổng cộng 25 dự án, trong đó có đường hầm Ceneri và nhiều đường hầm khác trong bang Ticino đang được tiến hành từ nay đến năm 2020. Khi dự án hoàn thành, khối lượng hàng hóa di chuyển từ Rotterdam và Genoa, Italy sẽ tăng thêm 20%.
Số lượng hành khách du lịch qua hầm Gotthard Base cũng sẽ tăng từ 9.000 lên 15.000 người vào năm 2020. Loại tàu hỏa mới đang được đặt hàng để chuẩn bị cho hành trình. SBB khẳng định 3.900 nhân viên đã được đào tạo nhằm bảo trì, đảm bảo an toàn và vận hành đường hầm xe lửa.
Nguồn VnExpress