Xu hướng tóm tắt sách ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ từ năm 2021, chủ yếu là hình thức sách nói (audio book). Ảnh: Quý Hòa

 
Linh Lan Thứ Sáu | 14/10/2022 14:00

Đường dài của sách tóm tắt

Tiếp nối làn sóng sách nói, sách tóm tắt đang trở thành xu thế của ngành xuất bản trên toàn cầu và tại Việt Nam.

Tại Hội thảo Xuất bản sách tinh gọn, xu thế và thị trường, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định, sách tinh gọn là hướng đi mới nằm trong xu thế của ngành xuất bản toàn cầu. Sự thành công của các đơn vị làm sách tóm tắt trên thế giới đã chỉ ra tiềm năng của thị trường này và khả năng phát triển tại Việt Nam.

Xu thế chung

Sách tóm tắt, còn gọi là sách tinh gọn, là phiên bản tóm gọn nội dung của một quyển sách, ở bất kỳ thể loại nào, từ khoa học, lịch sử cho đến chính trị, văn học, tiểu thuyết hay tiểu sử... Tiết kiệm thời gian, chắt lọc nội dung và đa dạng thông tin là những lý do khiến sách tóm tắt ngày được ưa chuộng. Trên thế giới, có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này như Blinkist, getAbstract, 12min, Instaread, ReadinGraphics, StoryShots... 

Blinkist - ứng dụng Đức được rót thêm 35 triệu euro vào đầu năm nay - có lượng tìm kiếm tăng đến 188% trong 5 năm trở lại đây (theo Exploding Topics), với khoảng 21 triệu người dùng trên toàn thế giới, doanh thu 36,5 triệu USD/năm. Trong khi đó, getAbstract, một trong những ứng dụng sách tóm tắt lâu đời nhất (thành lập năm 1999), sở hữu kho sách tóm tắt lớn nhất hiện nay, lên tới hơn 25.000 tác phẩm với nhiều thứ tiếng, doanh thu xấp xỉ 36 triệu USD/năm. Không chỉ tóm tắt sách, getAbstract còn tóm tắt các bài báo, báo cáo, các video giàu thông tin như diễn thuyết của TED.

Xu hướng tóm tắt sách ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ từ năm 2021, chủ yếu là hình thức sách nói (audio book). Các ứng dụng sách nói tiên phong như Fonos hay Voiz FM đều có kho sách tóm tắt miễn phí và được chú trọng đầu tư. Năm nay Fonos hướng tới mục tiêu 1.000 sách tóm tắt, từ mức khoảng 300 năm ngoái.  Bà Thái Minh Châu, Giám đốc Đối ngoại Fonos, cho biết: “Chúng tôi muốn đa dạng kho nội dung của ứng dụng và tối ưu thời gian cho người bận rộn nên mỗi sách tóm tắt chỉ tối đa 10 phút nghe đọc”. Tại Voiz FM, số đầu sách tóm tắt hiện hơn 300 so với trên 20 của năm 2021, thời lượng tóm tắt từ 15-30 phút.

Đây cũng là thời lượng tóm tắt phổ biến của các ứng dụng sách tóm tắt khác tại Việt Nam như Nanobook, Sách Tinh Gọn hay Reavol. Điểm khác biệt là các ứng dụng này tập trung vào sách tóm tắt và tiến hành thu phí người nghe theo gói tháng, quý hoặc thường niên với khoảng hơn 1.000 đầu sách trên ứng dụng, chủ yếu là sách chưa được phát hành tại Việt Nam. Sách Tinh Gọn có 3 gói cơ bản là 99.000 đồng/tháng, 249.000 đồng/3 tháng và 699.000 đồng/năm, Reavol có gói trọn đời với giá 1.999.000 đồng và 999.000 đồng/năm.

 

Về việc thu phí sách tóm tắt, ông Lê Hoàng Thạch, CEO Voiz FM, cho rằng đây là điều chưa thể thực hiện trong thời điểm hiện tại. Mục tiêu của Voiz FM khi đầu tư sách tóm tắt là nhằm giúp độc giả bận rộn tiết kiệm được thời gian lựa chọn đầu sách ưng ý, sau đó họ sẽ chuyển qua nghe bản sách đầy đủ, trả phí. Tỉ lệ này tại Voiz FM thường khoảng 80%. “Sách tóm tắt chỉ là kênh dẫn, truyền thông cho các đầu sách đầy đủ”, ông Thạch nói. Đồng quan điểm, bà Châu cho rằng khi các đầu sách tóm tắt đủ lớn với nội dung và hình thức thể hiện ở mức chất lượng cao, Fonos hy vọng có thể đóng gói thành một sản phẩm hoàn chỉnh để kinh doanh.

Một lý do khác cho việc chưa thể thu phí, theo ông Thạch, là vì thị trường xuất bản Việt Nam quá nhỏ, cần có nhiều liên kết để thúc đẩy thói quen nghe đọc hơn nữa. Dựa trên số liệu độc lập do Voiz FM khảo sát, ông Thạch cho biết, đối tượng nghe sách tóm tắt chủ yếu từ 25-35 tuổi, đã đi làm và bắt đầu bận rộn với các mối quan hệ xã hội, công việc chứ không phải là Gen Z hay những người trẻ hơn.

“Tóm tắt sách là việc không hề đơn giản. Nếu tiết lộ hoặc trích dẫn quá nhiều sẽ mất đi tính hấp dẫn của quyển sách, vừa vi phạm bản quyền. Và hiện các nhà xuất bản tại Việt Nam vẫn chưa tìm được hướng đi cho tác phẩm phái sinh”, bà Châu nhấn mạnh.

Nỗi lo bản quyền

Câu chuyện bản quyền là vấn đề lớn nhất được những nhà làm sách quan tâm. Nếu như các đầu sách tinh gọn của Fonos hay Voiz FM phần lớn đều được tóm tắt từ bản sách đầy đủ đã được các đơn vị này ký kết bản quyền với đơn vị xuất bản trong nước thì phần lớn đầu sách của Nanobook, Sách Tinh Gọn, Reavol đều là sách chưa xuất bản tại Việt Nam. Hướng đi của các đơn vị này là tìm đọc tóm tắt trên các ứng dụng tóm tắt nổi tiếng, sau đó tìm thêm thông tin tác giả, thông tin quyển sách và viết lại. Đơn vị nào đầu tư hơn thì sẽ dày công Việt hóa các câu chuyện trên sách để đưa chúng đến gần độc giả.

 

Mặc dù các ứng dụng này hiện có số lượt tải mỗi tháng không dưới 10.000 (theo chia sẻ với truyền thông, không phải con số thống kê thực), nhưng số người dùng trả phí chỉ chiếm 1%, cho thấy nhu cầu thực sự của thị trường. Mặt khác, cách làm này cũng đặt ra câu hỏi có hay không chuyện ăn cắp chất xám của các ứng dụng tóm tắt sách quốc tế?

Ông Phan Thanh Tùng, sáng lập ứng dụng Sách Tinh Gọn, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn có những sáng tạo và đầu tư công sức, từ tích lũy kiến thức cho đến bản Việt hóa thay vì dùng Google dịch hay A.I (trí tuệ nhân tạo) để đọc. Thực tế có những đầu sách, kể cả được phát hành ở Việt Nam nhưng không ai quan tâm cho đến khi chúng tôi làm tóm tắt. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng có thể góp thêm cái nhìn về những đầu sách chưa xuất bản được độc giả trong nước quan tâm đến các nhà xuất bản. Chúng tôi cũng sẽ triển khai nhiều hình thức tóm tắt khác, tinh gọn chúng thành một quyển sách”.

Trong khi chờ đợi chế tài cụ thể từ pháp luật, nhiều nhà xuất bản bày tỏ mong muốn khai thác và thực hiện các loại hình tóm tắt này nên nhận được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc nhằm tạo điều kiện để tác giả hưởng quyền lợi hợp pháp từ công sức sáng tạo, đồng thời kiểm soát và bảo vệ sự nguyên vẹn của tác phẩm.