Các đơn vị làm sách thiếu nhi có tiếng trên thị trường như Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ cũng đầu tư cho mảng sách thiếu nhi khi số lượng đầu sách tăng từ 30% trở lên. Ảnh: Quý Hòa

 
Lê Phan Thứ Sáu | 26/05/2023 14:00

Được mùa sách thiếu nhi

Không còn là mảng xen kẽ, sách thiếu nhi năm nay được các đơn vị xuất bản tập trung cả về chất lẫn lượng, trở thành dòng chủ lực.

“Thói quen đọc sách bắt đầu được xã hội quan tâm hơn vài năm gần đây, mà thói quen thì nên bắt đầu từ... con trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sách thiếu nhi được ưu ái hơn”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, chia sẻ.

Ưu ái đầu tư 

Ba quý đầu năm 2022, Đông A Books tập trung vào các dòng sách người lớn, bản sách đặc biệt thì từ quý IV/2022. Đến nay, đơn vị này đã gia tăng mảng sách thiếu nhi lên khoảng 20-30%, bổ sung thêm các mảng nội dung như sách kỹ năng, văn học cho thiếu nhi bên cạnh Tủ sách Bách khoa cho thiếu nhi đã có gần 20 năm nay. Trung bình mỗi tháng, Đông A Books có thêm từ 3-5 tựa sách thiếu nhi mới (so với trước đây là 1-2 đầu sách mới), dành cho lứa tuổi học sinh từ cấp 2 trở lên, giá dao động từ 50.000 đồng đến dưới 200.000 đồng tùy nội dung. Riêng sách Bách khoa với độ dày khoảng 800 trang có giá khoảng 650.000 đồng.

Thái Hà Books, đơn vị định hình thương hiệu trên thị trường với dòng sách Phật pháp, cũng tập trung vào mảng sách thiếu nhi, vốn đã có từ trước nhưng không được chú trọng. Cụ thể, trước đây, sách thiếu nhi của Thái Hà chủ yếu dành cho trẻ từ 0-3 tuổi, biên độ này hiện đã được mở rộng thêm ở phân khúc từ 6-15 tuổi, tăng khoảng 30-40%. Trong đó, sách của tác giả Việt khoảng 25-30%, còn lại là sách dịch.

 

Các đơn vị làm sách thiếu nhi có tiếng trên thị trường như Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ cũng đầu tư cho mảng sách thiếu nhi khi số lượng đầu sách tăng từ 30% trở lên. Sự thay đổi lớn nhất ở mảng sách thiếu nhi trong năm nay là việc các đơn vị xuất bản tăng cường sáng tác của tác giả Việt Nam, từ 30-40%. Nhà xuất bản Trẻ thậm chí thành lập phòng khai thác bản thảo dành cho sách thiếu nhi cách đây gần 3 năm. Ưu thế của sách thiếu nhi thuần Việt chính là sự gần gũi trong câu chuyện, nét vẽ nhưng nội dung ở mảng này chưa đa dạng.

Do đó, mảng sách dịch sẽ bổ trợ về nội dung, nằm ở các dòng kỹ năng và nhiều khía cạnh cuộc sống, các sách chủ đề khoa học, tâm lý, triết học… đều là sách dịch. Một số đơn vị như Đông A, tỉ lệ sách dịch nhiều hơn vì một phần không có đội ngũ khai thác trong nước. “Chúng tôi muốn tập trung vào thế mạnh của mình”, bà Nguyễn Thủy Hằng Giang, CEO Đông A Books, chia sẻ. 

Theo bà Giang, ưu điểm của sách dịch là tiếp cận kiến thức nhanh, hình vẽ rực rỡ, đẹp, thu hút, đặc biệt những bộ kiểu về khoa học thì Việt Nam khó lòng làm được trong thời gian ngắn trước mắt. Riêng với các dòng sách kỹ năng hay các sáng tác cho thiếu nhi, không thể chỉ cần câu chuyện dễ thương, hình vẽ đẹp mà bản thân tác giả hay họa sĩ còn cần phải có nền tảng về triết học, tâm lý, ngôn ngữ…

Gia tăng trải nghiệm từ trang sách

Theo CEO Đông A Books, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tập trung của các đơn vị xuất bản Việt Nam vào mảng sách thiếu nhi. Thứ nhất, so với các dòng sách người lớn, sách thiếu nhi vẫn thuộc biên độ được quan tâm nhất của phụ huynh trên toàn cầu. Thực tế cho thấy, sau COVID-19, các công ty xuất bản hoặc rơi vào cảnh phá sản, hoặc thu hẹp hoạt động trong khi các đơn vị làm sách thiếu nhi vẫn trụ vững, thậm chí hoạt động tốt. Tập trung vào mảng sách thiếu nhi góp phần cân đối chi phí xuất bản là điều các đơn vị xuất bản Việt Nam đang hướng đến.

Thứ 2 là đặc trưng thể loại. Chiếm ưu thế trong mảng sách thiếu nhi là dòng sách tranh, với màu sắc tươi vui và những trải nghiệm đặc biệt từ trang sách mang lại như gấp hình, trò chơi tương tác… điều mà sách điện tử hay sách nói không thể thay thế được. Do đó, sách giấy và các kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm ưu thế.

Thứ 3, thay vì chỉ tập trung vào một mảng, sách thiếu nhi xen kẽ sẽ giúp các công ty xuất bản đa dạng mảng nội dung đang có. “Nhu cầu đọc và mong muốn đọc của thiếu nhi chưa bao giờ phong phú và đa dạng như hiện nay. Không chỉ là các tác phẩm văn học, các em còn tìm đọc những cuốn sách về tâm lý, kiến thức, kỹ năng, khoa học được chính các tác giả trong nước viết, với văn phong gần gũi, hình ảnh quen thuộc”, bà Liên nói.

Nhiều đơn vị khai thác, đồng nghĩa thị trường sách thiếu nhi Việt Nam sẽ đa dạng hơn, nhưng vì thế cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Đại diện Thái Hà Books cho biết, chỉ riêng việc cạnh tranh mua bản quyền các đầu sách dịch cũng làm tiền tác quyền cao hơn (khoảng 7-8%), khiến giá bán ra cao hơn. Bà Giang cho rằng, điểm khó khi làm sách thiếu nhi cũng là ưu tiên của Đông A Books, bên cạnh phần nội dung mang tính giáo dục, thẩm mỹ, chính là chất lượng mực in phải đảm bảo an toàn cho trẻ, mà vẫn giữ được màu sắc tươi vui. Khó khăn thứ 2 đến từ việc giá giấy không ngừng tăng, khiến giá thành sản phẩm tăng lên ít nhất từ 10-20%.

 

Các đơn vị xuất bản đặc biêt chú trọng các hoạt động trực tiếp hướng đến trẻ, bên cạnh cách tiếp thị và các kênh phân phối truyền thống. Cụ thể, các đơn vị đã mang sách đến trường học thông qua đa dạng hoạt động, từ đọc sách, các trò chơi tương tác… 

Hiện tại, các đơn vị làm sách đặc biệt chú trọng gia tăng trải nghiệm cho trang sách, mang lại hứng thú cho trẻ như sản xuất sách tương tác đa phương tiện gồm sách chuyển động scanimation, sách nói, sách song ngữ kèm phần đọc của người bản ngữ…

Khi các đơn vị xuất bản lâu năm tập trung vào mảng sách thiếu nhi, Lion Books - đơn vị làm sách thiếu nhi thuần Việt mới xuất hiện trên thị trường khoảng 3 năm nay - đi theo hướng ngược lại, giảm số lượng đầu sách mới. Thay vào đó, đơn vị này đầu tư vào các hoạt động bên ngoài cuốn sách, từ tổ chức workshop trò chơi cho phụ huynh và trẻ, kể chuyện âm nhạc… “Thứ chúng tôi muốn bán không chỉ là cuốn sách mà là sự kết nối giữa trẻ và phụ huynh, nhằm khơi gợi sự kết nối và tình yêu sách từ bé - điều mà thời đại công nghệ đang dần lấy đi”, bà Nguyễn Chiều Xuân, CEO Lion Books, chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm:

Dùng nghệ thuật truyền cảm hứng bảo vệ môi trường