Thành Khoa Thứ Hai | 26/02/2024 10:57

Dùng đồ án tốt nghiệp kể chuyện văn hóa biển

Trở thành quán quân của giải thưởng quốc tế dành cho sinh viên ngành kiến trúc là phần thưởng xứng đáng cho tình yêu quê hương của Trần Thị Chi.

“Tại sao Việt Nam là một quốc gia có biển, có lịch sử văn hóa biển đảo lâu đời mà vẫn chưa có một bảo tàng văn hóa biển nào đúng với ý nghĩa của nó?”. Đó là trăn trở của Trần Thị Chi, sinh viên Khóa 24 ngành kiến trúc Đại học Văn Lang, khi bắt đầu làm đồ án tốt nghiệp.

Bảo tàng văn hóa biển
Được sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển Lagi, Bình Thuận, Chi mong muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương. Ý tưởng thiết kế bảo tàng biển trở thành lựa chọn duy nhất của Chi khi làm đồ án tốt nghiệp. Những chuyến về quê để hiểu rõ về văn hóa vùng biển ngày càng nhiều hơn dù cô được sinh ra tại đây.

Sau những chuyến khảo sát, cô sinh viên năm cuối nhận thấy quá trình đô thị hóa hội nhập, cùng với sự phát triển của xã hội, làm cho các giá trị di sản vùng biển đang đứng trước nguy cơ biến mất nếu không có biện pháp gìn giữ. Mọi nỗ lực của Chi đã được đền đáp khi đồ án “Bảo tàng Văn hóa biển” của cô đạt giải Loa Thành, giải thưởng cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên kiến trúc trong nước. Sau đó, Chi nộp dự giải International Graduation Project Award 2023.

Sau khi hoàn thành và nộp bài dự thi trong nước, Chi rất tò mò muốn biết đồ án tốt nghiệp của mình được đánh giá thế nào ở môi trường quốc tế. Cô hiểu rằng, đây là cơ hội để mình có thể lắng nghe đánh giá từ những người có chuyên môn quốc tế”, Chi chia sẻ. “Em luôn đánh giá rất cao tất cả các đồ án và ý tưởng của các ứng viên. Nhưng cũng chính vì đánh giá cao đó, em cảm thấy khá tự hào khi đến vòng Top 20 vẫn có đến 7 ứng viên từ Việt Nam. Các bạn cũng tiếp cho em sự tự tin và mong chờ những điều tốt đẹp nhất”, Chi nói thêm.

 

Lọt vào Top 100 toàn thế giới, đồ án tốt nghiệp “Bảo tàng văn hóa biển miền Trung, Bình Thuận” của Trần Thị Chi đã chinh phục giải thưởng cao nhất của cuộc thi International Graduation Project Award 2023. Đây là 1 trong 8 cuộc thi thuộc khuôn khổ Tamayouz Excellence Award, giải thưởng dành cho sinh viên nhóm ngành kiến trúc, thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị, công nghệ kiến trúc và thiết kế cảnh quan trên toàn thế giới.

Tamayouz là một cuộc thi được tổ chức bài bản và phải qua nhiều vòng tuyển chọn. Ở mỗi vòng, Ban tổ chức đều thông báo kết quả của từng chặng, vòng Top 100, Top 50, Top 20, Top 10 và Top 3 cùng bài Winner. Việc chấm giải một cách bài bản và thời gian công bố từng chặng kéo dài mang đến cho Chi nhiều niềm vui và không ít hồi hộp trong suốt quá trình nhận thông tin kết quả.

Với danh hiệu Quán quân, Chi nhận được suất học bổng thạc sĩ 2 năm tại Đại học Polytechnic Milan, trường đại học kỹ thuật lớn nhất nước Ý và có lịch sử lâu đời nhất tại kinh đô thời trang Milan. “Được học bổng thạc sĩ 2 năm ở Trường Polytechnic Milan, em rất vui và tự hào với chính bản thân. Cơ hội này quá lớn vượt ngoài tưởng tượng của em. Em sẽ thực hiện tiếp “giấc mơ đồ án tốt nghiệp” ra đến “hiện thực” ở Polytechnic Milan”, Chi tâm sự.

Tôn vinh yếu tố văn hóa bản địa trong thời đại hội nhập khiến bảo tàng trên giấy của Chi trở nên nổi bật. Sử dụng những ký ức tuổi thơ về cách đóng thuyền của ngư dân sống gần nhà, Chi đã hoàn toàn thuyết phục hội đồng giám khảo bởi một dự án đầy cảm hứng với sự quan tâm sâu sắc về tác động của công trình đối với người dân bản địa.

Giấc mơ của tuổi thơ
Bảo tàng Văn hóa biển gói ghém giấc mơ của Chi từ nhỏ ở vùng đất ven biển đầy nắng và gió Lagi, Bình Thuận. Chi cho biết cô rất vui vì đã có thể đóng góp một phần nhỏ cho du lịch địa phương khi thiết kế được một không gian không chỉ dành cho du khách, thu hút du khách mà quan trọng hơn là bảo tàng lấy người dân địa phương làm nhân vật chính.

Qua đồ án, Chi phê phán mạnh mẽ về hiện tượng toàn cầu hóa trong thiết kế kiến trúc. Dự án này dựa trên sự kết nối vững chắc của cộng đồng địa phương với biển ở thành phố Phan Thiết, Việt Nam, theo đánh giá từ hội đồng chuyên môn của cuộc thi Tamayouz Award.

Hiện nay, Chi đang làm việc tại một công ty kiến trúc chuyên nghiệp. Cô học hỏi rất nhiều từ anh chị kiến trúc sư đồng nghiệp và kiến thức thực tế. Cô cũng dự định học tiếp để nâng cao kiến thức cũng như tiếp cận được khoa học nghiên cứu để phục vụ cho việc thiết kế.

Dù ước mơ về một bảo tàng có từ nhỏ, nhưng khái niệm về ngành kiến trúc còn rất mơ hồ đối với Chi khi cô đang hoàn thành những năm cuối của phổ thông trung học. Trước khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2 tháng, cô vẫn chưa chọn được ngành học ở đại học. “Kiến trúc đến với em như một cái duyên, bởi ở quê em - Lagi, Bình Thuận - khái niệm về kiến trúc thật mơ hồ. Sau đó, với sự góp ý của thầy giáo chủ nhiệm, em mới tò mò tìm hiểu và đăng ký tất cả các nguyện vọng thi kiến trúc.

“Em bắt đầu học kiến trúc với nhiều sự ngỡ ngàng, vì nó quá khác so với tưởng tượng. Trong thời gian đầu học đại học, đôi lúc em đã phải nghĩ đến trường hợp chuyển ngành. Phải sau năm 3, khi kết quả học tập tốt hơn, em mới tự tin hơn và biết rằng bản thân đang đi đúng hướng”, Chi nhớ lại.