Minh họa
Đừng chết vì ô nhiễm không khí... trong nhà!
Tác động đến sức khỏe của chất lượng không khí ngoài trời kém là rõ ràng - không khí ô nhiễm có liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi và bệnh tắc nghẽn hô hấp mãn tính.
Một nghiên cứu kéo dài 2 năm của tạp chí y khoa The Lancet cho thấy 6,5 triệu người chết sớm mỗi năm do chất lượng không khí kém. Nó cũng ảnh hưởng đến năng suất - một nghiên cứu năm 2014 phát hiện ra rằng cứ 10 microgram PM2.5 độc trong không khí, làm giảm năng suất người hái lê 0,41 đô la/giờ.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), ô nhiễm không khí trong nhà thường lớn hơn từ 2 đến 5 lần ngoài trời - và ở mức cực đoan có thể hơn 100 lần so với không khí ngoài trời.
"Không khí trong nhà có chứa mọi thứ ô nhiễm có ở bên ngoài, cộng với mọi thứ có thêm vào ở bên trong nhà, như nấu ăn và hơi độc của các sản phẩm làm sạch và vật liệu xây dựng", Matthew S Johnson, Giám đốc khoa học của Công ty Airlabs giải thích, công ty này lắp ráp công nghệ lọc làm giảm 95% không khí ô nhiễm và khí độc hại.
Theo The Lancet, 800.000 người chết mỗi năm do chất lượng không khí kém ở nơi làm việc. "Ngoài ra, 'hội chứng ốm vì môi trường trong nhà' có thể gây nhức đầu và giảm năng suất". Johnson nói.
Hầu hết sự phát triển kỹ thuật làm sạch không khí trong nhà thuộc về các kỹ sư ở châu Á, nơi mà sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và việc quy định còn yếu đã tạo ra một số thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới công bố đầu năm nay thì Ấn Độ có 14 trong số 20 thành phố bị ô nhiễm nặng nhất, nhiều thành phố của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
"Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu trong việc giám sát chất lượng môi trường trong nhà, một phần là do ô nhiễm không khí ngoài trời lan tràn trên khắp các khu vực quan trọng của đất nước này," Matthew Clifford, người đứng đầu năng lượng và tính bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương của Công ty JLL, nói. "Ngoài việc tránh các tác động xấu của không khí kém chất lượng, việc cải thiện không khí trong nhà có nhiều lợi ích, kể cả việc tăng năng suất, có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh".
Các hãng và doanh nghiệp cũng thấy được lợi ích của việc đầu tư. Ví dụ, tại các văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải, các hãng lớn như WPP và PriceWaterhouse Coopers đã lắp đặt hệ thống lọc khí để cố giữ các nhân viên tốt ở lại. Khách sạn Cordis ở Thượng Hải, khai trương năm 2017, trong số các tiện nghi có quảng cáo rằng họ có "công nghệ hệ thống lọc hiện đại nhất", duy trì được chất lượng không khí trong nhà theo tiêu chuẩn của US EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ)
Sự đổi mới và nhận thức cũng đang lan ra ngoài châu Á. Công ty Airlabs đang lắp đặt hệ thống tại các cửa hàng ở Lodon sau khi các doanh nghiệp nhận ra rằng mức độ NO2 bên trong các cửa hàng phố Oxford và phố Bond tương đương với mức độ ngoài đường phố. Cửa hàng đầu tiên lắp đặt công nghệ Airlabs, lọc 1.800 m3 không khí mỗi giờ, là cửa hàng chính của Stella McCartney trên phố Old Bond.
Hiện tại, không có quy định nghiêm ngặt nào về tiêu chuẩn không khí mà ta hít thở ở nơi làm việc trên khắp thế giới, mặc dù WHO đã xây dựng các hướng dẫn trong năm 2009 về chất lượng không khí trong nhà. EPA của Mỹ cung cấp hướng dẫn "chưa thành luật", trong khi Viện Y tế và Sức khỏe Quốc gia Anh đang đang xây dựng các hướng dẫn - không phải luật - cho chất lượng không khí trong nhà cho nhà ở Anh. Các hướng dẫn dự kiến sẽ được công bố vào năm tới, và quy mô điều tra cho thấy sẽ bao gồm các biện pháp có thể can thiệp để loại bỏ các nguồn phát ô nhiễm và giới thiệu việc lọc không khí theo tiêu chuẩn.
Nhiều doanh nghiệp cũng lắp các máy lọc không khí để bỏ một số chất gây ô nhiễm có hại nhất. Họ cũng cài đặt một số thiết bị theo dõi để liên tục kiểm tra mức độ CO2, NO2 và các hạt trong không khí và sẽ cảnh báo nếu chúng chạm mức không thể chấp nhận được.
Nguồn BBC Capital