Ảnh: nld.com.vn

 
Quý Yên Thứ Ba | 19/03/2019 08:00

Đưa người trẻ tới nghệ thuật

Một mô hình giáo dục xóa đi khoảng cách giữa văn học, nghệ thuật và đời sống.

Đ ưa học sinh, sinh viên đến với những tác phẩm nghệ thuật bên ngoài không gian của lớp học, những người làm giáo dục đang hướng đến việc gia tăng khả năng cảm thụ cho thế hệ trẻ.

Tiết học thú vị

“Đây là một câu chuyện về tình yêu, tình người. Những người dàn dựng vở diễn này muốn mang đến một lát cắt thuộc về đời sống của người dân vùng trồng nho Ninh Thuận. Các bạn có thể quan sát con người thay đổi thế nào trước tình yêu, tiền bạc cũng như thù hận. Trong lúc diễn, sẽ có những lúc chúng tôi tắt đèn toàn bộ khán phòng.

Các bạn đừng tò mò, đừng cố gắng chiếu đèn lên sân khấu để xem chúng tôi làm gì. Đơn giản chỉ là chúng tôi chuyển phối cảnh để vở diễn thể hiện được tính chân thực của nó hơn mà thôi...”, Nghệ sĩ Ưu tú Thành Hội hóm hỉnh mở đầu “tiết học” của mình, với gần 300 học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Sau lời giới thiệu của người nghệ sĩ lão thành, Vườn Nho Đắng, vở diễn gây được rất nhiều cảm tình với khán giả của sân khấu Hoàng Thái Thanh trong năm vừa qua chính thức bắt đầu. Ở dưới khán đài, những cô, cậu bé tuổi măng tơ chăm chú hướng cái nhìn háo hức lên sân khấu. Tiết học văn học ngoại khóa của họ bắt đầu.

Dua nguoi tre toi nghe thuat
 

Đây không phải lần đầu tiên, Trường Nguyễn Thị Minh Khai thực hiện chương trình học văn học ngoài giảng đường. Ba năm trở lại đây, Trường đều đặn đưa học sinh đến với sân khấu, để bọn trẻ có thể thưởng thức những vở diễn chất lượng của ngành kịch nghệ Việt Nam. “Việc cho các em cơ hội thưởng thức các vở diễn được dàn dựng nghiêm túc, công phu vừa giúp học sinh có khả năng cảm thụ văn học, nghệ thuật, vừa có thể định hướng cho các em cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật sân khấu nước nhà”, thầy Trần Đình Phú, giáo viên của Trường nhận xét.

Một vài cơ sở giáo dục khác tại TP.HCM cũng chọn hình thức tiếp cận tác phẩm trực tiếp để giúp học sinh tăng khả năng cảm thụ văn học. Trường Trung học Phổ thông Trần Phú là một ví dụ. Với tư cách của một người nghệ sĩ lẫn “bà bầu” sân khấu, Nghệ sĩ Ái Như cho biết, ngoài việc giúp học sinh có được thêm những tiết học thú vị, để biết yêu hơn văn học nghệ thuật, những người làm nghề đánh giá rất cao việc nhà trường đưa học sinh tiếp cận thực tế. Bởi vì, đây sẽ là cái nôi, giúp sân khấu hình thành và nuôi dưỡng một thế hệ khán giả kế cận.

Va chạm với thực tế

Không chỉ ở địa hạt sân khấu, chuyện đưa học sinh, sinh viên tiếp cận văn học, nghệ thuật mở rộng ra ở các nhà xuất bản. Tháng 1, toàn bộ Ban Lãnh đạo Đại học Văn hóa TP.HCM đã có mặt tại Nhà Xuất bản Trẻ để ký kết chương trình hợp tác giữa Trường và cơ quan xuất bản này. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa TP.HCM, cho biết, đây là một trong những sự kiện ông cho là quan trọng của Trường.

 Bởi vì, từ đây, Trường có thể đưa sinh viên đến tham quan, tiếp cận cũng như tham gia trực tiếp vào quá trình làm nên những xuất bản phẩm. Đồng thời, Nhà Xuất bản sẽ tài trợ tác phẩm cho sinh viên, tổ chức các buổi giao lưu tác giả/tác phẩm tại trường, tạo điều kiện nhiều hơn cho các bạn trẻ tiếp cận đời sống thực sự của xuất bản phẩm. Ông nhận xét: “Công tác này sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình đào tạo. Khi hiểu được đời sống của các tác phẩm, tương tác được với tác giả... sinh viên sẽ có cái nhìn sâu sắc, đa chiều hơn về nội dung”. Ngoài ra, kiến thức thực tế của ngành sẽ giúp họ thuận lợi sau này, khi rời giảng đường, bước chân vào thực tế.

Dua nguoi tre toi nghe thuat
 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ cho rằng, cùng với lợi ích thiết thực là mang kiến thức thực tiễn đến học sinh, sinh viên, việc đưa những người trẻ tiếp cận sân khấu hay xuất bản phẩm chất lượng cũng góp phần giúp người trẻ có được mỹ cảm tốt hơn với những giá trị tinh thần mà phần lớn, mọi người vẫn đang xem nhẹ. “Các đơn vị làm văn học, nghệ thuật cũng sẽ có lợi vì được tiếp cận với đối tượng phục vụ của mình”, ông Nhựt nhận xét.

Quan hệ này còn kéo dài ở chiều ngược lại. Đơn cử, Nhà Xuất bản Trẻ cũng mạnh dạn đặt hàng các công trình nghiên cứu thị trường xuất bản cho trường thực hiện. Nhìn những sinh viên của mình đầy hứng thú khi bước vào thế giới của những làm sách, quan sát và học hỏi những thông tin mới, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Dũng không giấu được niềm vui. Ông tiết lộ, Trường đã thử nghiệm mô hình này từ năm 2016 tại Lấp Vò, Đồng Tháp và thu được những kết quả ấn tượng, nâng cao chất lượng giáo dục nhưng tận sau 2 năm, Đại học Văn hóa TP.HCM mới mạnh dạn hơn với chiến lược đưa thực tiễn vào giáo dục. “Từ năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo gắn liền với thực tế trong tất cả các ngành đào tạo của mình”, ông khẳng định.

Tương tự như những tràng pháo tay vang lên không ngớt khi Vườn Nho Đắng hạ màn, những gương mặt háo hức của sinh viên Đại học Văn hóa TP.HCM khi được nghe chính tác giả kể về quá trình sáng tác của mình là đáp án cho câu hỏi: làm thế nào để người trẻ hứng thú, yêu thích hơn văn học, nghệ thuật nước nhà?