Ảnh: TL.

 
Tú Cẩm Thứ Ba | 20/07/2021 10:30

Đưa nghệ thuật lên sàn NFT

Công nghệ NFT mang đến nhiều cơ hội mới cho thị trường nghệ thuật Việt Nam.

Được viết tắt bởi cụm từ “Non-Fungible Token”, NFT có nghĩa là một token không thể thay thế, được tạo nên từ blockchain Ethereum. Các tính chất đặc trưng của NFT cũng tương tự tiền điện tử như không thể phá hủy, có thể truy xuất nguồn gốc dựa vào blockchain và không thể sao chép.

Nhờ tính chất này của NFT, trở ngại về tính xác thực và quyền sở hữu của một tác phẩm kỹ thuật số sẽ không còn nữa đối với các nghệ sĩ và nhà sưu tập. Giới hạn về khoảng cách địa lý cũng được xóa nhòa trong thế giới số, hứa hẹn đưa các nghệ sĩ và tác phẩm của Việt Nam tiến ra thế giới dễ dàng hơn.

Ðối với nghệ thuật, công nghệ NFT đã được chứng minh có nhiều ưu điểm như: tính độc bản không thể bị tác động bởi môi trường hay con người, lưu trữ vô hạn và vĩnh viễn, phương thức giao dịch đơn giản và tiện lợi, tiếp cận được nhiều người xem, có thể tạo thành kho dữ liệu để tương thích với các ứng dụng thực tế ảo (như VRhome, Oculus...), giúp người sở hữu xây dựng bộ sưu tập số với chi phí tương đối thấp.

 

Muốn bán tác phẩm nghệ thuật dưới định dạng NFT, nghệ sĩ phải đăng ký tham gia tại một sàn giao dịch, sau đó bắt đầu sản xuất NFT của họ thông qua việc tải lên tác phẩm và kê khai thông tin trên chuỗi khối. Toàn bộ quy trình này sẽ có chi phí dao động từ 40-200 USD. Sau khi hoàn tất, họ có thể niêm yết tác phẩm NFT lên một sàn bán đấu giá điện tử giống như eBay.

Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.

Đại diện nhà đấu giá Christie’s, nơi bán các tác phẩm chứng thực bằng NFT có giá hàng chục triệu USD, cho biết: “Người mua những tác phẩm này sẽ nhận được một mã, là chuỗi dài các con số và chữ cái, kèm theo một file JPG độ phân giải cao của tác phẩm”. Mã này sẽ được lưu lại trên blockchain của Ethereum, đồng thời được chuyển vào ví tiền điện tử của chủ sở hữu.

Thế giới hiện đã có 56 sàn giao dịch NFT. Tháng 4 vừa qua, một nhóm các nhà đầu tư trẻ ở Việt Nam đã thành lập dự án Cổng trời - một sàn giao dịch nhằm số hóa và định danh chủ sở hữu các tác phẩm nghệ thuật bằng công nghệ NFT trên nền tảng KardiaChain. Đến nay, dự án Cổng trời đã bán thành công 21 tác phẩm, trong đó có tác phẩm được định giá 8.928 Kai (1 Kai = 0,039180 USD). Lưu ý, các giao dịch đều được tiến hành bằng đồng tiền mã hóa.

Sau đó không lâu, hệ sinh thái blockchain Binance cũng ra mắt sàn giao dịch NFT tại Việt Nam. Trên sàn NFT của Binance, người dùng có thể dễ dàng nạp NFT vào “thị trường giao dịch” và chọn niêm yết NFT để bán hoặc đấu giá với mức chi phí tối thiểu. Binance tính phí xử lý ở mức 1%.

Họa sĩ Phạm An Hải, đồng sáng lập diễn đàn Viet Art Now, cho biết: “Tác phẩm nghệ thuật được giới thiệu trên Cổng trời phải qua quá trình thẩm định chặt chẽ của một hội đồng giám tuyển có uy tín”. Ngoài hy vọng NFT sẽ tạo thêm công cụ để đẩy lùi nạn tranh chép, tranh giả, họa sĩ Phạm An Hải cũng mong đợi dự án Cổng trời đẩy nhanh quá trình số hóa kho tác phẩm, tác giả của mỹ thuật Việt Nam. Ông Phạm Toàn Thắng, nhà sáng lập và điều hành dự án Cổng trời, cho biết thêm: “Ngoài Viet Art Now, Cổng trời đã bắt tay cùng Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hiệp hội Công nghệ Ghi âm Việt Nam, Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) và nhiều nhà sưu tầm lớn, nhiều cá nhân có các tài sản là các phẩm nghệ thuật đắt giá”.

Mới đây nhất, AvatarArt cũng tuyên bố sẽ chuyển tác phẩm thực thành tác phẩm kỹ thuật số với tính xác thực và quyền sở hữu duy nhất trên nền tảng blockchain. AvatarArt là nền tảng được xây dựng và phát triển bởi Công ty Cổ phần ByteNext. Để tiến hành NFT, họa sĩ gửi tác phẩm tới trung tâm lưu ký và bảo quản do AvatarArt chỉ định, chính là các bảo tàng hợp tác cùng AvatarArt. Khi tác phẩm đã được thẩm định và ký kết thỏa thuận lưu ký, NFT của tác phẩm sẽ chính thức được khởi tạo để tiến hành đấu giá và giao dịch. AvatarArt cũng hướng đến tối giản hóa quy trình đấu giá tranh ảnh, mở rộng quy mô đấu giá toàn cầu, dễ dàng chứng minh quyền sở hữu thông qua NFT.

Trong bối cảnh đại dịch ngăn cản các triển lãm truyền thống, NFT có thể giúp nghệ thuật thích ứng với thời cuộc, hỗ trợ họa sĩ kết nối với công chúng và có thêm thu nhập. Việt Nam cũng có lượng tác phẩm hội họa đồ sộ cùng rất nhiều họa sĩ đương đại đang sở hữu các tác phẩm mới lạ, ấn tượng, kéo theo nhu cầu lớn về lưu trữ, trưng bày và chào bán tác phẩm ra thị trường. Trên các nền tảng NFT hoạt động chính thống (có pháp nhân đăng ký hoạt động tại Việt Nam), hầu hết sản phẩm NFT không chỉ tồn tại trên không gian số, mà được gắn liền với một sản phẩm thực. Nghĩa là cái mọi người giao dịch vẫn là tác phẩm vật lý có giá trị, nhưng được đính kèm theo phiên bản NFT như chứng chỉ chống hàng giả dù tính pháp lý trong quy trình vẫn còn nhiều băn khoăn cho người trong cuộc.

 

Theo chủ quản AvatarArt, để đảm bảo quyền lợi của người mua, nhất thiết trong quy trình phải có vai trò của các trung tâm lưu ký. Người bán bắt buộc phải mang tác phẩm thực tế đến để lưu trữ sau khi tạo ra phiên bản NFT bán cho người mua. Tuy nhiên, do tại Việt Nam chưa có khung pháp lý cho lĩnh vực này, sàn AvatarArt đang gặp khó trong việc tổ chức trung tâm lưu ký như vậy. “Để ứng dụng rộng rãi, chặt chẽ, bảo vệ được quyền lợi người dùng phải có hệ thống pháp lý”, ông Đoàn Đức Mạnh, CEO ByteNext, cho biết.

Theo ông Mạnh, đối với các tác phẩm NFT thuần túy được tạo ra trên số, độ biến động giá là rất lớn. Có thời điểm, giá trị của nhiều NFT giao dịch trên thế giới giảm đến 70% trong thời gian ngắn. Đây cũng là một rủi ro.