Trên thực tế, những nhóm du khách có tinh thần hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững như A Little Vietnam ngày càng nhiều. Ảnh: A Little Vietnam
Du lịch xanh kết nối du khách & dân bản địa
Sau khi vận động cộng đồng mạng thành công khiến chính quyền tỉnh Đắk Lắk quyết định chấm dứt loại hình du lịch cưỡi voi, nhóm A Little Vietnam tiếp tục gây chú ý bởi chuyến đi xuyên Việt kết hợp trồng 500 cây xanh ở các địa phương với sự hỗ trợ của người dân bản địa.
Du khách muốn mang đến giá trị bền vững hơn
Fanpage A Little Vietnam do 2 thanh niên đam mê du lịch xây dựng, có hơn 11.000 người theo dõi nhờ những chia sẻ hấp dẫn về các chuyến đi, nhưng đặc biệt là vì tinh thần “sự có mặt của du khách cần mang lại giá trị thực sự cho điểm đến”. Sắp tới, A Little Vietnam sẽ trồng cây trên tuyến đường đang xây dựng từ Măng Đen đi Quảng Ngãi, tiếp đó là trồng mimosa và mai anh đào tại một xã ở Kon Tum và tham gia trồng rừng ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Sau một thời gian kiên nhẫn với sự nghi ngại và dè chừng của người dân cùng chính quyền địa phương, đến nay 2 thành viên của nhóm đã nhận được nhiều sự ủng hộ nhờ sự lan tỏa thông tin của truyền thông.
Trên thực tế, những nhóm du khách có tinh thần hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững như A Little Vietnam ngày càng nhiều. Tại Hội An, Côn Đảo cũng có những nhóm du khách phát động và duy trì được lâu dài các phong trào dọn rác, bảo vệ môi trường. Do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và nhận thức của con người tăng lên, ngày càng có nhiều du khách yêu thích sản phẩm du lịch có tính bền vững, sáng tạo và mang mục đích tốt đẹp hơn.
Hoạt động đến nay được 7 năm, Báo cáo Du lịch Bền vững Thường niên của Booking.com thu thập góc nhìn của hơn 30.000 du khách khắp 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo năm nay chỉ ra rằng trên toàn cầu, du khách đang ngày càng muốn chọn các loại hình thân thiện với môi trường và đối với họ, du lịch bền vững không đơn thuần là việc tái chế và giảm rác thải.
Ngày càng có nhiều du khách đi tìm các trải nghiệm văn hóa bản địa, giúp củng cố và gia tăng giá trị cho các cộng đồng địa phương. Khi nhiều du khách đưa ra các quyết định dựa trên mối quan tâm về môi trường, họ cũng quan tâm về việc họ đi bao xa và cách thức di chuyển; họ ưu tiên du lịch gần nhà và chọn phương tiện công cộng và thuê xe đạp lúc đến nơi để giảm dấu chân carbon.
Kinh doanh vừa đủ - nương tựa vào thiên nhiên để tồn tại
Theo báo cáo của Booking.com, 72% du khách nói rằng các tin tức về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc đưa ra lựa chọn du lịch bền vững của họ, theo đó ngày càng có nhiều sự đồng thuận về việc né tránh các địa điểm đông đúc hoặc quá phổ biến, nhằm đảm bảo giảm bớt tác động và đạt nhiều lợi ích hơn. Như vậy, các đơn vị du lịch sẽ có thêm cơ hội làm việc với các đối tác lưu trú có thế mạnh về môi trường, cũng như thuyết phục du khách khám phá các khung thời gian và địa điểm mới mẻ.
Trước xu hướng này, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào du lịch xanh. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho rằng, trên thế giới đã có nhiều bài học điển hình về phát triển du lịch xanh như sự thành công của quốc đảo Maldives hay bài học từ thất bại của đảo Boracay (Philippines).
Theo đó, để bắt kịp xu hướng du lịch xanh, các điểm lưu trú phải chú trọng tận dụng tối đa các đồ dùng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng sạch, đèn tiết kiệm điện và thực hiện quy trình tiết kiệm năng lượng tổng thể từ giai đoạn đầu tư đến vận hành, nắm rõ tối đa quy trình xử lý chất thải hằng ngày. Tại Việt Nam, bước đầu đã có một số khu nghỉ dưỡng đạt các tiêu chí trên như Alma, chuỗi Ecolodge... Một số homestay, nhà hàng cũng theo đuổi triết lý kinh doanh vừa đủ, nương tựa vào thiên nhiên để bền vững. Tại nhà hàng The Field (Hội An), việc phân loại và xử lý rác thải để phục vụ nông nghiệp hữu cơ đều theo quy trình tuần hoàn khép kín, chủ nhà hàng cũng hỗ trợ nông dân trồng rau hữu cơ, tổ chức cùng chính quyền những phiên chợ rau hữu cơ nói không với túi nylon... Cũng tại Hội An, bắt đầu tour du lịch xanh từ Cây Đa kèn, khách sẽ ngồi xe điện đến nhà vườn Chùm Ngây, khởi đầu cho chuyến trải nghiệm mô hình tái chế rác hữu cơ đô thị và vườn ươm cây dược liệu.
Nơi đây, khách có thể tự tay chế tác, đóng khuôn những bánh xà bông được sản xuất từ nguyên liệu dầu ăn đã qua sử dụng. Những giải pháp thuận tự nhiên được khai thác cho quá trình xử lý rác hữu cơ, ươm tạo những chồi non xanh: vi sinh tự nhiên trong xử lý rác hữu cơ, nước tẩy rửa sinh học từ vỏ rau củ quả, phân trùn quế và dịch ruồi lính đen...
Trong khảo sát của Booking.com, ý định biến các chuyến đi tương lai trở nên bền vững hơn thể hiện du khách ngày càng sẵn sàng tự giải quyết vấn đề và tự chịu trách nhiệm với hành vi du lịch của bản thân. Điều này chỉ ra rằng phần lớn người yêu du lịch bắt đầu nghĩ một cách bao quát hơn về tác động của họ. Mặc dù không phải tất cả du khách đều chủ động tìm kiếm các nơi lưu trú bền vững, song khảo sát cho thấy phần đông đã cởi mở hơn trong việc xem xét nếu các lựa chọn được đưa ra cho họ.