Dự kiến phân tầng các trường Đại học thành 5 hạng khác nhau
Theo Dự thảo, việc sắp xếp thứ hạng các trường ĐH theo thứ tự từ cao đến thấp về chất lượng đào tạo sẽ được tính bằng điểm số theo định kỳ hai năm do một tổ chức được Bộ GD-ĐT ủy nhiệm thực hiện. Việc "chấm điểm" các trường ĐH, CĐ dựa trên quy mô các trình độ đào tạo, cơ cấu và chất lượng hoạt động đào tạo - khoa học, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Internet)
Với mỗi tầng, các trường đại học được xếp thành 5 hạng khác nhau. Các hạng được tính theo phần trăm số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số.
Cụ thể, hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất; hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1; hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2; hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3; hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng phân tầng các trường ĐH theo ba nhóm: trường ĐH định hướng nghiên cứu, trường ĐH định hướng ứng dụng và trường ĐH thực hành.
Nhóm trường định hướng nghiên cứu là trường ĐH có hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khoa học cơ bản chiếm tỷ trọng cao, nổi bật trong các hoạt động nghiên cứu; có đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên giàu năng lực, có năng lực giải quyết các vấn đề khoa học cấp quốc gia và quốc tế.
Trường đào tạo trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ không dưới 50% tổng quy mô toàn trường; số chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu chiếm hơn 60%; từ 70% số ngành đào tạo có các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sỹ; có từ 50% số ngành đào tạo có các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sỹ.
Nhóm trường định hướng ứng dụng gồm 4 tiêu chí: là trường ĐH có các chương trình đào tạo chủ yếu theo hướng ứng dụng và hoạt động khoa học công nghệ tập trung theo hướng nghiên cứu triển khai; đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sỹ là chủ yếu, một số ngành đào tạo đến trình độ tiến sỹ; cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có các tiêu chí về đào tạo và nghiên cứu khoa học khác với các quy định đối với trường đại học định hướng nghiên cứu.
Nhóm trường định hướng thực hành bao gồm các trường Cao đẳng trong hệ thống giáo dục ĐH, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng trở xuống phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; nghiên cứu chuyển giao công nghệ, xử lý những vấn đề kỹ thuật trong thực tế sản xuất và đời sống ở các địa phương.
Nguồn VOV News