Nhiều người đào bới, tìm vật liệu tái chế tại bãi rác Bantar Gebang, Indonesia. Ảnh: Reuters
Đông Nam Á đang "xuống cấp" vì rác thải
Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận phế thải của các nước phát triển
Từ năm 2018, Trung Quốc đã cấm nhập rác và giờ đây thì Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận phế thải của các nước phát triển trong điều kiện môi sinh và vệ sinh rất tồi tệ. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy mỗi năm có đến hơn 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới và từ khi có quy định sàng lọc rác trong những năm 1980 thì việc xử lý rác được rao bán như giải pháp cho số rác ngày càng lớn được thải ra, và đó cũng là một công việc kinh doanh trị giá tới 175 tỉ euro trên toàn cầu…
Cho đến ngày 31.12.2017, Trung Quốc còn là “trung tâm” xử lý rác thải quốc tế nhưng vào năm 2018 thì tất cả đã thay đổi, Trung Quốc quyết định không nhận vật liệu để xử lý với lý do là phần lớn vật liệu này “bẩn” hay nguy hiểm, và là một mối đe dọa cho môi trường.
Chính sách mới của Trung Quốc nghiêm ngặt đến nỗi mà những người trong ngành nghĩ là sẽ không thể được áp dụng nhanh trên thực tế. Trung Quốc và Hồng Kông từ chỗ mua đến 60% lượng rác thải nhựa từ các nước G7 trong sáu tháng đầu năm 2017 nhưng một năm sau chỉ còn nhập có khoảng 10%.
Financial Times viết nhiều bài báo về rác plastic và giấy cũ mà các nước G7 xuất khẩu và thấy rằng sau quyết định của Trung Quốc, số lượng rác chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt. Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hồng Kông. Từ sáu tháng đầu 2017 và sáu tháng đầu 2018, lượng rác nhựa ở Indonesia tăng vọt 56%, nhưng ngoạn mục nhất là Thái Lan, với mức tăng 1.370%.
Xe dọn rác thải nhựa trên bờ biển Kuta, gần Denpasar, đảo Bali, Indonesia ngày 19.12.2017. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đau đầu xử lý rác nội địa
Các nước Đông Nam Á đang phải nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp nhằm giải quyết bài toán xử lý rác thải nội địa. Chẳng hạn Indonesia trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng rác nhựa thải ra môi trường biển gây ô nhiễm (3,2 triệu tấn/năm), chỉ sau Trung Quốc, theo báo cáo của tổ chức mang tên Nhóm Nghiên cứu Jambeck (Mỹ).
Người dân đất nước vạn đảo này tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm nhựa/phút, với phân nửa là vật dùng một lần rồi bỏ bao gồm túi, ống hút, muỗng, chai nước, bao bì thực phẩm và đa phần được vứt vào bãi rác thải, không phân loại để tái chế. Đây vốn là cách xử lý rác thải phổ biến tại nhiều quốc gia trong khu vực.
“Những nước phát triển phải tự tìm giải pháp. Chúng tôi không có những hệ thống xử lý rác tốt như châu Âu, vốn có thể phân loại rác tái chế. Chúng tôi không cần thêm rác từ nước khác”, bà Sasina Kaudelka, nhà hoạt động môi trường ở Indonesia thuộc Tổ chức Trash Hero, cho biết.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu giảm 70% lượng rác nhựa thải xuống đại dương vào năm 2025. Nước này đang thử nghiệm nhiều biện pháp nhằm tái chế rác nhựa thành nhựa đường và nhiên liệu vận hành nhà máy điện. Một trong những nguồn gây ô nhiễm đại dương nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á là túi nhựa dùng một lần do giá rẻ và không bị đánh thuế cao, thậm chí phát miễn phí tại chợ, siêu thị.
Chính vì thế, Indonesia đang tiến hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất túi bằng những vật liệu thay thế khác, chẳng hạn rong biển và bột sắn. Mới đây, công ty khởi nghiệp Evoware ở thủ đô Jakarta vừa ra mắt màng bọc thực phẩm có thể ăn được, nhựa tự hủy và bao bì làm bằng tảo biển. Trong khi đó, thành phố Bitung khuyến khích người dân đổi rác nhựa lấy gạo tại các siêu thị.