Ảnh: namcattien.vn
Đồng Nai mở rừng đón du lịch
Giữa tháng 2 vừa qua, nhiều doanh nghiệp phấn khởi khi chính quyền tỉnh Đồng Nai định giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh này, nhằm mục đích cho các doanh nghiệp thuê môi trường rừng phát triển du lịch. Trước đó, bà Lộ Thị Hiền, Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa), chia sẻ: “Chúng tôi đang đợi tỉnh hoàn thành xong bảng giá cho thuê đất rừng thì sẽ tiến hành thuê hơn 200ha rừng ở huyện Vĩnh Cửu để làm khu vườn thú hoang dã (safari). Hiện vốn liếng và các loại thú đã được chuẩn bị sẵn, chỉ đợi hoàn tất hồ sơ và thủ tục cho thuê thì sẽ tiến hành thực hiện dự án”.
Ngoài Vườn Xoài, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đến Đồng Nai tìm hiểu chính sách và đi thực tế với dự tính đầu tư thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, nghiên cứu về rừng nhiệt đới. Các tên tuổi gây chú ý có thể kể đến Công ty Cổ phần The Coi (huyện Định Quán) dự tính thuê hàng trăm ha đất rừng để phát triển du lịch. Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC... cũng dự kiến sẽ thực hiện các dự án du lịch lớn tại Đồng Nai, trong đó kết hợp khai thác giữa hồ, rừng.
Theo ông Dương Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tư vấn và Phát triển Du lịch Cộng Đồng, Đồng Nai có nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai phá, nhất là du lịch cộng đồng như đạp xe, ngắm rừng, tắm trên hồ Trị An. Đặc biệt với lợi thế sát bên TP.HCM, Đồng Nai dễ thu hút được một lượng khách lớn tìm về thư giãn cuối tuần nếu được đầu tư bài bản, có điểm nhấn.
Đồng Nai hiện có gần 170.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trồng. Rừng Đồng Nai được bảo tồn kỹ nên đa dạng sinh học rất phong phú, phù hợp để khai thác du lịch sinh thái. Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho thuê rừng sẽ giảm gánh nặng cho chi ngân sách.
Khi thu nhập của người bảo vệ rừng được đảm bảo và nâng lên, họ sẽ yên tâm, góp sức bảo vệ rừng. Ngoài những ý kiến ủng hộ, một số ý kiến cũng cho rằng, đất rừng nếu đem cho thuê làm du lịch mà không quản lý chặt chẽ thì sẽ tác động không tốt đến việc bảo tồn, phát triển rừng.
Tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính vào rừng đặc dụng, chuyên gia của PanNature (Trung tâm Con người và Thiên nhiên), cho rằng, nhiều cơ chế, sáng kiến đa dạng hóa nguồn đầu tư cho rừng đặc dụng hiện đang được thí điểm và nhân rộng như chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh du lịch sinh thái, cho thuê môi trường rừng, đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng... Tuy nhiên, xu hướng này đang gặp phải nhiều tranh cãi.
Ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nêu ý kiến: “Trong quá trình xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng tại các tỉnh, các sở ngành địa phương không phân biệt thế nào là cho thuê môi trường rừng và chi trả cho dịch vụ môi trường rừng. Nguyên nhân là quy định hiện nay không rõ ràng, còn chồng chéo. Do đó, việc cho thuê môi trường rừng đến nay vẫn chưa có đề án chính thức, mới chỉ có thí điểm tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Cúc Phương, Bidoup Núi Bà...”.
Ông Dựng cho biết thêm, do phạm vi cho thuê và quy định tài chính còn nhiều bất hợp lý, dẫn đến nguồn tài chính thu được từ việc cho thuê môi trường rừng còn thấp. Ví dụ như Vườn Quốc gia Ba Vì, nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng của 11 khu vực là 800 triệu đồng, chỉ chiếm 4% nguồn thu từ du lịch sinh thái; hay Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ thu được 1 tỉ đồng/năm từ việc cho thuê môi trường động Thiên Đường, trong khi nguồn thu dịch vụ du lịch hằng năm lên tới 300 tỉ đồng.
Bổ sung cho ý kiến của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận xét rằng việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí do các bên tự thỏa thuận, không thông qua đấu thầu, nếu không có cơ chế phù hợp thì rất dễ bị biến tướng thành các dạng tham nhũng tài sản công hoặc “chiếm dụng xanh” (green grabbing). “Một số chủ đầu tư sẽ nhân danh mục tiêu bảo tồn nhưng lại tập trung vào mục tiêu thương mại và lợi nhuận thay vì lợi ích công. Trong khi việc định giá môi trường rừng đặc dụng còn chưa hiệu quả, nếu không có cơ chế hợp tác - kinh doanh rõ ràng thì chủ đầu tư và chủ rừng rất dễ có thỏa thuận ngầm để thuê môi trường rừng giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực”, Giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích.
Các chuyên gia cho biết, điểm tích cực là việc xây dựng cơ chế tài chính, mở rộng nguồn đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam vẫn lấy mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên làm trọng tâm. Vì thế, xây dựng cơ chế phù hợp để các nguồn thu quay trở lại bảo tồn sinh thái là điều quan trọng cần làm hiện nay