Ảnh: QH
Đôi giày cà phê ShoeX
“Tất cả những người có nhiều tiền đều quay lại cộng đồng, nếu không làm từ thiện cũng sẽ nghĩ cách cải thiện môi trường sống cho cộng đồng”. Với suy nghĩ này, ông chủ 8x Lê Thanh của hãng giày may đo Veritas Bespoke đã cho ra đời một dòng giày được làm từ nguyên liệu tái chế có nguồn gốc từ bã cà phê mang tên ShoeX.
“Đến một lúc nào đó, khi mở tủ có hàng chục đôi giày ra, ta sẽ tự hỏi có câu chuyện gì đặc biệt đằng sau chúng”, anh Thanh trăn trở về ý thức phát triển bền vững của người trẻ Việt Nam, sau khi đã đặt chân đến Brazil trong quá trình học tập xa xứ và quan sát thấy tinh thần này thấm đẫm tại đất nước Nam Mỹ nhiệt đới, “ngay cả trẻ con Brazil cũng nói được thế nào là bền vững”. Bởi thế, trong rất nhiều lựa chọn phát triển sản phẩm, anh chọn phương án “vừa làm ra tiền, lại vừa bền vững”.
All Birds, công ty giày đến từ New Zealand, là nguồn cảm hứng cho ShoeX của anh Thanh. Tại All Birds, những đôi giày được dệt từ lông cừu bản xứ vốn rất nhiều, kết hợp với đế giày được làm từ bã mía sản xuất tại Brazil. Nhưng ông chủ của Veritas Bespoke muốn tìm kiếm một giải pháp vật liệu có thể giải quyết vấn nạn rác thải của Việt Nam và vật liệu từ bã cà phê đã đến với anh.
Ý tưởng làm giày từ bã cà phê không mới đối với thế giới và cũng đã được thực hiện tại Việt Nam. Vải dệt từ cà phê, vốn chứa 5% bã cà phê, cũng đã được sản xuất đại trà từ rất lâu và đang được nhập khẩu để sử dụng cho ShoeX. Vậy đâu là đóng góp của họ cho việc giải quyết rác thải cho môi trường Việt Nam? ShoeX đã nghiên cứu loại đế giày cũng được tái chế từ bã cà phê, một hỗn hợp từ 20% bã cà phê kết hợp với thành phần còn lại gồm ly nhựa tái chế và chất kết dính.
Việc làm giày đến với anh Thanh cũng tình cờ, khi anh vừa là kỹ sư Đại học Bách Khoa, lại vừa học MBA tại Canada. Cũng tại Canada mà Veritas Bespoke đã hình thành, khi anh được một người bạn bày cho cách đóng giày. “Thế nhưng, cuối cùng người bạn ấy lại chuyển qua bán phở”, anh Thanh cười.
“Điều khác biệt là ShoeX được thiết kế để phù hợp với mọi loại trang phục và đa tính năng”, anh Thanh nói về đôi giày có kiểu dáng lai giữa sneaker và giày tây này. Nhắm đến thị trường trong nước là chính trong tương lai gần, sản phẩm cũng không bỏ qua thị trường thế giới, đó chính là cơ sở để định giá ở mức 2 con số (USD) cho những đôi giày ShoeX đang trong giai đoạn đặt hàng trước.
Anh Thanh không ngại sự cạnh tranh trong ngành vì thời trang bền vững là một khái niệm mới với người Việt, do đó càng có nhiều người làm càng tốt. Với thị trường mục tiêu là nhóm khách hàng nam giới trong độ tuổi từ 22-40, có mối quan tâm đến môi trường, anh ước tính sẽ có khoảng 8 triệu khách hàng riêng tại Việt Nam.
Cà phê là loại thức uống quen thuộc với người Việt. Văn hóa uống cà phê được củng cố bởi hàng loạt chuỗi cửa hàng mở ra trong những năm gần đây, cùng hàng ngàn xe đẩy, quán cóc trên các vỉa hè, ngõ hẻm của các đô thị. Những khách hàng cà phê thường rất trung thành, theo Công ty tư vấn Babuki, 65% người tiêu dùng Việt Nam có sử dụng cà phê uống 7 lần mỗi tuần. Báo cáo của BMI Research dự báo lượng tiêu thụ cà phê trên mỗi người Việt là 2,6 kg/năm vào năm 2021 và cho biết sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay trong niên vụ 2017-2018 ước khoảng 2,55 triệu bao do sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng cà phê.
Giải quyết bài toán bã cà phê của những chuỗi cửa hàng lớn chính là đáp án mà anh Thanh đang hướng đến. Tuy nhiên, đó vẫn là một chặng đường dài khi còn nhiều khó khăn cần giải quyết, từ thu gom cho đến xử lý vật liệu thô. “Chúng tôi vẫn đang tìm cách làm khô bã cà phê”, anh nói về trở ngại đầu tiên cần giải quyết.
Nhưng ý tưởng và nỗ lực của ShoeX nhắc nhớ về thành công của hãng kính mắt Ochis Ukraine khi thực hiện kế hoạch táo bạo làm kính râm từ bã cà phê. Ngay từ khi được giới thiệu tại sàn gọi vốn Kickstarter, Ochis Coffee đã thu hút số vốn đầu tư 13.000USD, vượt mục tiêu đề ra là 10.000USD và đặc biệt thu hút với các khách hàng đến từ Mỹ, Tây Âu, Nhật và Úc. Bên cạnh đó, phong trào bảo vệ môi trường đang được các công ty hàng đầu thế giới theo đuổi. Chẳng hạn, Nike hợp tác với thương hiệu quần áo Maharishi để ra mắt mẫu giày Vegan Nike Air Max 90 được làm từ mùn cưa, foam tái chế và cotton hữu cơ. Còn Adidas tung ra chiến lược sản xuất không rác thải với giày sneaker làm từ nhựa tái chế.
Tất nhiên, câu chuyện về đôi giày cà phê không thể giải quyết hết tất cả bã cà phê tại Việt Nam. “Làm hết sức trong khả năng của mình, tôi mong có thể khơi gợi cho những giải pháp khác sẽ đến”, anh Thanh nói.