_21148773.png)
Hệ thống thời trang của Đỗ Mạnh Cường có gần 100 cửa hàng trong nước. Ảnh: TL
Đỗ Mạnh Cường: Phép tính với cái đẹp
Hiện nay, hệ thống thời trang của Đỗ Mạnh Cường có gần 100 cửa hàng trong nước và đang có kế hoạch phát triển cửa hàng tại thị trường quốc tế. Nhà thiết kế cho biết, có hàng ngàn con người đứng sau để vận hành hệ thống này và livestream bán hàng cũng là một trong những cách anh giải bài toán kinh tế cho thương hiệu của mình.
Cách đây gần chục năm, anh đã tự hỏi: “Mình làm show hoài làm chi không biết? Số tiền từ hồi làm show riêng đến giờ để mua chục căn nhà cho thuê cho khỏe...”. Thế nhưng, từ đó đến nay, anh vẫn tiếp tục làm show, tại sao?
Chúng tôi tiên phong trong việc tổ chức show cá nhân đầu tư quy mô lớn trong giới thời trang Việt theo 2 mùa Xuân - Hè và Thu - Đông như các thương hiệu lớn trên thế giới. Vì thế, việc duy trì chúng cũng là cách để định vị hình ảnh của bản thân, thương hiệu. Các show diễn cũng là nơi chúng tôi tạo được sự kết nối gần nhất với khách hàng của mình khi có ít nhất 70% người dự show đã bỏ tiền mua sản phẩm của chúng tôi. Từ đó, một nguồn lợi khác được sinh ra. Bấy nhiêu đủ để thấy việc phải duy trì show diễn cá nhân là tất yếu.
Việc vận hành một show thường mất nhiều thời gian, công thức, chất xám. Đặc biệt, việc kết nối, làm việc với hàng trăm con người cùng lúc mới chính là thách thức. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã có một ê-kíp tương đối mạnh, nên các show hầu như áp lực không còn quá lớn như trước.
![]() |
Từ khi quyết định thành lập SIXDO, chúng tôi định hướng thương hiệu phải bước ra quốc tế. Chúng tôi lựa chọn đến với Tuần lễ Thời trang New York, Tuần lễ Thời trang Thượng Hải... vì đây là tâm điểm của sự chú ý. Mỗi show diễn ở nước ngoài tiêu tốn nhiều. Chẳng hạn, với show tại New York chúng tôi tốn triệu USD. Nhưng có khách hàng mới; hợp tác với các ngôi sao châu Á, toàn cầu; xuất hiện trên phim Emily in Paris mùa thứ 4... là những thành quả thu về xứng đáng. Không có lợi nhuận nào mà không cần đầu tư cả.
Doanh nhân Phạm Huy Cận là người đồng sáng lập thương hiệu thời trang SIXDO với anh. Hẳn anh Huy Cận đã có những hỗ trợ hoặc nguyên tắc kinh doanh đem lại hiệu quả và lợi nhuận cho thương hiệu?
Trước nay, chúng tôi phân chia vai trò rất rõ ràng. Tôi sẽ tập trung vào việc sáng tạo, còn anh Huy Cận sẽ định ra các chiến lược, tổ chức show, ngoại giao... Tâm hồn của người làm sáng tạo đôi khi sẽ bay bổng, nhưng cái thực tế của người làm kinh tế đã cân bằng, dung hòa được điều đó. Cái đẹp phải đi kèm giá trị, lợi ích cho cả người sáng tạo và người thụ hưởng. Vì thế, chúng tôi luôn chú trọng tính ứng dụng của thời trang, thay vì chỉ tạo nên những tác phẩm khiến công chúng trầm trồ trên sàn diễn và hết.
Nhưng điều đó không có nghĩa sẽ phải triệt tiêu hết những ý tưởng táo bạo, đôi khi hơi “điên rồ” một chút. Chẳng hạn, trong một bộ sưu tập, tôi vẫn thường có những thiết kế ấn tượng ở phần sau cùng, sau khi giới thiệu phần lớn các thiết kế ứng dụng. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế lên chúng mà thông qua đây phản ánh một cuộc chơi, sự nâng cấp trong chính mình. Thời trang nên là một cuộc chơi có tính toán kỹ lưỡng.
Nhiều nhan sắc đại gia chuộng mặc đồ của anh. Anh cố ý làm nên những giá trị gì cho các thiết kế của mình để mỗi thiết kế đáng giá hàng trăm triệu đồng trong mắt nhà giàu và siêu giàu?
Giá thành của một trang phục được tạo nên từ nhiều yếu tố: chất liệu, kỹ thuật, danh tiếng/tên tuổi của thương hiệu... Những điều này ai cũng biết. Vậy tận cùng của thời trang là gì? Tôi nghĩ đó là cảm giác hạnh phúc và hài lòng của chính người mặc. Từ khi làm việc với doanh nhân Huy Cận, chúng tôi nhận ra rằng người làm thời trang cũng góp phần không nhỏ vào đời sống tinh thần của người thụ hưởng.
Mỗi cơ thể đều có vẻ đẹp riêng và thời trang cần tôn vinh vẻ đẹp đó. Đây là lý thuyết. Nhưng mỗi con người cũng có những sự tự ti bên trong mình, ở một phương diện nào đó. Phụ nữ khi trải qua năm tháng sẽ càng dễ hiện diện cảm giác này. Chúng tôi, bằng trang phục, sự sáng tạo của mình không dám chắc sẽ triệt tiêu hoàn toàn nỗi lo ấy nhưng sẽ góp phần mang lại sự tự tin hơn cho họ. Sự đồng cảm chính là chìa khóa.
Với đối tượng khách hàng trung lưu, doanh nhân, ngôi sao... trang phục còn thể hiện vị thế của họ. Những bộ cánh phải toát lên được tinh thần này, từ chất lượng của bản thân chúng cho đến dịch vụ mà khách hàng tiếp cận. Tầm nhìn của thương hiệu đến đâu quyết định chỗ đứng của họ ở đó.
![]() |
Những ai theo dõi thời trang Việt Nam đều biết trước nay anh bán hết hàng không lâu ngay sau khi ra mắt các bộ sưu tập, vậy tại sao gần đây anh còn livestream bán hàng?
Thương mại điện tử gần như đã phủ sóng nhiều lĩnh vực đời sống với quá nhiều ưu điểm. Chúng tôi làm kinh tế thì không thể đứng ngoài guồng quay của thị trường được. Bản thân tôi cũng thích trải nghiệm cái mới. Có những phiên livestream tôi bán được hàng với tổng giá trị lên đến 7 tỉ đồng. Thử hỏi, điều này có hấp dẫn không? Chưa kể, khi livestream, tôi cũng vượt qua những giới hạn của bản thân, chẳng hạn không bận tâm hay e dè trước dư luận. Qua những lần livestream, tôi cũng được trò chuyện với khách hàng, hiểu thêm nhu cầu, mong muốn, tâm tư của họ.
Hành trình nhận nuôi 10 con và chăm lo chu đáo của anh khiến nhiều người quan tâm. Một tình thương lớn là điều kiện cần nhưng chưa đủ, anh có thể tiết lộ chi phí hằng tháng để lo cho các con?
Khi quyết định nhận nuôi các con, tôi biết chắc chắn sẽ có áp lực nhất định về kinh tế. Tuy nhiên, tôi không đặt nặng chuyện tiền bạc vì tin bản thân sẽ kiếm đủ để chăm lo cho con. Điều quan trọng nhất với tôi trong hành trình này là từ đây hy vọng xã hội sẽ có thêm 10 cá nhân ưu tú, để từ đó những điều tốt đẹp sẽ tiếp tục lan tỏa.
Lòng tốt, trong cách nghĩ của riêng tôi, như một mạch nước ngầm vậy, âm thầm, lặng lẽ nhưng giá trị hay sức ảnh hưởng thì luôn có, thậm chí rất lớn. Chúng ta đang sống trong một môi trường mà lòng tốt có thể bị đặt giữa nhiều thử thách bởi dư luận. Vì thế, tôi càng trân trọng sự bình yên có được sau mỗi việc mình làm. Tôi không xem đây là trách nhiệm mà là việc nên làm khi đã nhận được nhiều phước lành từ cuộc sống.