Đại Việt Thứ Năm | 17/03/2022 14:00

Đồ chay tính lớn

Thực phẩm chay đang tạo ra một xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn.

Việt Nam có nguồn thực vật phong phú để phát triển thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế. Số lượng người ăn chay và thịt thay thế cũng ngày càng gia tăng. Theo thống kê chưa chính thức, Việt Nam có khoảng 10% dân số ăn chay (9-10 triệu người), thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Đứng đầu top các nước có tỉ lệ người ăn chay nhiều có Ấn Độ (20-30%), Đài Loan (13-14%), Israel (13%).

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, theo các nghiên cứu, cứ 100 người ăn chay có 65 người phụ nữ. Có 4 lý do để con người ăn chay, đó là vì sức khỏe, đạo đức, tôn giáo và môi trường. Các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật đang được con người ăn ít hơn do loại thực phẩm này phải chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến sinh ra lượng chất thải lớn. Ăn thịt động vật quá nhiều cũng là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người.

Theo Statista, thị trường các sản phẩm protein thay thế ở Việt Nam đạt giá trị 249 triệu USD vào năm 2020. Con số này dự đoán tăng trưởng 11,85% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và đạt 500 triệu USD vào năm 2025. Bà Hạnh cho rằng, cơ hội cho chế biến thực phẩm chay là rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam là đất nước nhiệt đới có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, phụ phẩm nông nghiệp của nước ta cũng rất phong phú như cây dừa, cây sen, cây mít. Mọi người có thể dễ dàng thưởng thức những món như gỏi mít non, củ hũ dừa, ngó sen hoặc thịt chay làm từ mít...

“Lâu lâu chúng ta lại nghe tin mít không tiêu thụ được. Tuy nhiên, nếu khai thác hiệu quả cây mít, đây là nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho ngành chế biến thực phẩm chay. Điều đó cho thấy cơ hội kinh doanh từ chế biến nông sản nhiệt đới là rất lớn. Các nhà chế biến cần quan tâm hơn đến việc này và nắm lấy cơ hội”, bà Kim Hạnh cho biết.

 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp TP.HCM, song song với thực phẩm chay thì thực phẩm thay thế thịt cũng ngày càng phát triển và phổ biến trên thế giới. Thịt thay thế có thể làm từ thực vật, vi sinh, vi nấm. Nhiều hãng lớn chuyên sản xuất những loại thực phẩm này được thị trường đón nhận nồng nhiệt, họ sản xuất trứng từ đậu xanh, làm nhân Hamburger từ thực vật... Giá thành các loại thịt thay thế cũng ngày càng giảm dần giúp người tiêu dùng “dễ thở” hơn. Doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội rất lớn. Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải biết được thị trường trong nước cần gì, thị trường nước ngoài cần gì và nên sản xuất mặt hàng nào.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Sông Hương Foods, cho biết, do là người ăn chay trường, tu tại gia nên ông nghiên cứu kỹ những món ăn tốt cho sức khỏe. Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nông sản phong phú nên người ăn chay có nhiều sự lựa chọn. Sông Hương Foods đang mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh mặt hàng cà pháo, món ăn gắn liền với người dân Việt Nam với hàm lượng vitamin cao. Đáng chú ý, năm ngoái, doanh số từ các sản phẩm chế biến từ cà pháo của Công ty đạt 30 tỉ đồng, với nhiều sản phẩm như cà pháo ngâm chua ngọt, mắm cà pháo, mắm tôm chua trộn cà pháo... Công ty có nhà máy ở An Giang có vốn đầu tư 65 tỉ đồng, dự kiến tiêu thụ 2.000-3.000 tấn cà pháo nguyên liệu.

Ông Tuấn nhận định, thị trường ăn chay rất tiềm năng vì lý do sức khỏe, tôn giáo. Ngoài ra, nhiều người cũng ngại việc chế biến, người tiêu dùng muốn mở ra là ăn ngay nên doanh nghiệp cũng có thêm nhiều cơ hội. Không chỉ đưa cà pháo ra thị trường, Sông Hương Foods cũng mong muốn sản xuất được nhiều mặt hàng khác để phục vụ lượng người ăn chay khổng lồ, giảm bớt việc sử dụng thịt động vật, sát sinh.

 

Nói về thách thức cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường chay và thịt thay thế, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, muốn làm thị trường thì doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng hay thúc đẩy mạnh hơn các xu hướng hoặc tạo ra thị trường. Đơn cử như việc sử dụng thực phẩm lên men, mới đây, Hàn Quốc công bố lượng kim chi xuất khẩu đã tăng 150% trong thời điểm đại dịch bùng phát mạnh trên thế giới. Thành công này có được nhờ vào việc quảng bá mạnh mẽ các đặc tính miễn dịch của kim chi xuất phát từ các nghiên cứu khoa học đầy đủ. Hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới đã sử dụng thêm kim chi trong bữa ăn với mong muốn tăng cường miễn dịch.

“Hàn Quốc họ chỉ có kim chi nhưng Việt Nam mình có rất nhiều món lên men tự nhiên từ lâu đời như dưa giá chua, củ cải muối, cà pháo, dưa leo ngâm, đu đủ ngâm. Chúng ta có nhiều món ăn ngon, giá trị dinh dưỡng cao nhưng vấn đề cốt lõi là chưa quảng bá được hình ảnh. Chính vì vậy, chúng ta cần tổ chức những buổi hội thảo khoa học nói về dinh dưỡng trong quả cà pháo hay cà pháo có thể chế biến bao nhiêu món để người tiêu dùng hiểu rõ và sử dụng”, bà Kim Hạnh chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, trước đây, doanh nghiệp tập trung làm marketing, quảng cáo, giảm giá với mong muốn chính là bán được nhiều hàng. Tuy nhiên, ông lại quên đi điều mấu chốt chính là “sản phẩm đó mang lại giá trị gì cho sức khỏe người dùng?”. Bởi theo ông, sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch thì đó mới là điều cần quảng bá nhất.

“Nếu kiếm tiền mà không mang lại lợi ích cho con người thì tôi không làm. Tôi cũng không có nhu cầu tiêu pha quá nhiều, buổi tối tôi cũng không ra ngoài, tôi chỉ tập trung làm những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, tốt cho xã hội. Kim chi Hàn Quốc làm nên danh tiếng thì trái cà pháo Việt Nam cũng sẽ cố gắng đi theo, học hỏi họ”, ông Tuấn nói.