Diễn đàn Kinh tế Davos: Khi "cán cân" nằm trong tay doanh nghiệp
Năm nay các nhà lãnh đạo cấp cao tiếp tục gặp mặt tại Davos để thảo luận về các vấn đề thế giới chúng ta đang phải đối mặt. Hơn bao giờ hết, họ nhìn từ góc độ các doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp.
Một số là lãnh đạo trên thế giới đã rút khỏi Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019, nhưng điều này không phải là lý do duy nhất khiến sự chú ý hướng về các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Nghiên cứu mới từ Edelman cho thấy ba phần tư người dân tin tưởng vào công ty họ đang làm việc nhưng chỉ ít hơn một nửa có niềm tin vào chính phủ của họ. Hơn nữa, 73% cho rằng một doanh nghiệp có thể “đồng thời vừa tăng lợi nhuận vừa giúp cải thiện các điều kiện kinh tế và xã hội tại các cộng đồng nơi doanh nghiệp đó hoạt động” và tỉ lệ này tăng 9 điểm phần trăm so với một năm trước.
Thông tin này vừa mang tính khích lệ vừa có chút gì đó đáng lo ngại.
Với sự kỳ vọng ngày càng cao từ các bên liên quan, không doanh nghiệp nào chấp nhận bị bỏ lại phía sau. Các nhà lãnh đạo của ngày hôm nay cần suy ngẫm về các chiến lược để đảm bảo tương lai vững bền của doanh nghiệp đồng thời cần thể hiện những đóng góp tích cực cho nhân loại.
Vì vậy, năm đề nghị dưới đây có thể giúp bạn và doanh nghiệp của mình cân bằng giữa lợi nhuận và mục đích.
1.Đầu tư vào con người
Tổ chức OECD ước tính khoảng 65% trẻ em của ngày hôm nay sẽ làm các công việc chưa hiện hữu ở thời điểm hiện tại. Các tiến bộ trong lĩnh vực người máy và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho những ai sở hữu đúng chuyên môn và đúng kỹ năng để có thể nắm bắt được chúng, nhưng cũng làm cho những ai sợ hãi phải lùi về phía sau. Bên cạnh hành động của chính phủ, các doanh nghiệp có trách nhiệm trang bị cho nhân viên của mình các kỹ năng cần thiết để họ có thể chủ động đi đầu trong các thay đổi về công nghệ.
Đầu tư vào đào tạo các kỹ năng mềm lẫn kỹ năng chuyên môn, xem xét lại các phương pháp làm việc và chủ động xây dựng đội ngũ nhân viên tài năng là những điều các nhà quản trị cần làm để đảm bảo doanh nghiệp cùng với đội ngũ nhân viên giữ được vị thế cạnh tranh trong nhiều thập kỷ tới.
2.Bắt kịp xu hướng công nghệ
Công nghệ đang làm thay đổi rất nhanh địa điểm và cách thức người tiêu dùng mua hàng hóa và dịch vụ, cách thức họ giao tiếp với các nhãn hàng và giao tiếp với nhau, và cách thức các doanh nghiệp sản xuất và bán sản phẩm của mình. Kinh doanh trực tuyến tại Anh đã tăng nhanh gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, các ngân hàng đang sử dụng máy học để hiểu nhu cầu của khách hàng tốt hơn, và các nhà sản xuất đang sử dụng hệ thống dữ liệu thông minh để thay đổi dây chuyền sản xuất cho phù hợp. Bắt kịp công nghệ mới, nghiên cứu về các xu hướng trong tương lai và xây dựng hệ thống cũng như văn hóa hành động nhanh để có thể tận dụng được các cơ hội đến từ sự thay đổi là yếu tố hết sức quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại giữa bối cảnh chuyển đổi công nghệ.
3.Hướng đến châu Á
Đến năm 2050, hàng tỉ người tiêu dùng sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu, đặc biệt ở châu Á. Tỉ phú ở châu Á chiếm 28,5% trên tổng số 2.754 tỉ phú trên toàn cầu, nhiều hơn ở Bắc Mỹ. Cán cân tài sản toàn cầu đang hướng về châu Á mở ra nhiều thị trường mới cho các doanh nghiệp có định hướng hoạt động trên thị trường quốc tế.
Điều này cần được bắt đầu bằng việc nghiên cứu tìm hiểu về các cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ hoặc sản phẩm cụ thể của doanh nghiệp, xem xét khả năng ứng dụng theo nhu cầu trong nước, và sau đó khai thác sức mạnh của các công cụ kỹ thuật số để tiếp cận đối tượng khách hàng chuộng công nghệ ngày càng tăng này. Trong thập kỷ tới, khoảng 70% tăng trưởng toàn cầu sẽ đến từ các quốc gia hiện tại chúng ta gọi là các thị trường đang phát triển.
4.Giảm thải carbon từ hoạt động của mình
Theo một khảo sát được tiến hành gần đây của HSBC, cứ ba công ty thì có một đang lên kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn. Cho dù là ở quy mô nào, các công ty đều có thể giảm hiệu ứng tiêu cực tới môi trường và đóng một vai trò tích cực trong việc giảm thiểu các rủi ro liên quan tới biến đổi khí hậu. Tin tốt là “kinh doanh xanh” cũng có thể khiến cho doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn.
Các công ty với thành tích bền vững cao có thể thu hút số lượng ngày càng tăng các khách hàng muốn mua các sản phẩm và dịch vụ xanh. Một hành động phổ biến là tìm kiếm những nguồn lực gần nơi hoạt động sản xuất và kinh doanh. Việc vận chuyển nguyên liệu trên quãng đường ngắn sẽ giúp giảm khí thải và tiết kiệm chi phí vận chuyển. Các nhà lãnh đạo muốn xây dựng công ty và việc kinh doanh của mình trở nên bền vững hơn có thể xem xét họ mua nguyên liệu từ ai, ở đâu và có thể đầu tư vào những nguồn năng lượng tái chế.
5.Hiểu được mục đích của mình
Mục đích có ý nghĩa nhiều hơn việc đơn thuần đưa những sản phẩm và dịch vụ đúng tới khách hàng, mục đích còn bao hàm việc hành xử đúng. Kỳ vọng của công chúng và các cổ đông chưa bao giờ cao hơn như hiện nay, vì thế các công ty cần phải cho thấy tác động tích cực tới các điều kiện kinh tế và xã hội. Một vài công ty đang thể hiện vai trò gương mẫu của mình.
Ví dụ, Unilever đã phát triển Kế hoạch sống bền vững có theo dõi những tiến bộ trong việc giảm thải ra môi trường trong khi nâng cao tác động tích cực lên xã hội. Điều quan trọng là các lãnh đạo phải hiểu những tác động xã hội của hoạt động kinh doanh của mình và từ đó tiến hành cải thiện những tác động đó dựa trên việc thực hiện một chiến lược Môi trường Xã hội Quản trị (ESG) minh bạch và có thể đo lường được. Theo cách tiếp cận này, những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc có thể cung cấp một lộ trình hiệu quả.
Thay đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng những kỳ vọng mới và nắm bắt những cơ hội mới đòi hỏi tinh thần lãnh đạo, khối lượng đầu tư và tầm nhìn mạnh mẽ.
Trong một môi trường đang thay đổi rất nhanh, các nhà lãnh đạo thể hiện khả năng nắm bắt nhanh và tính trách nhiệm cao sẽ ở vào vị thế tốt nhất để đạt được thành công trong dài hạn.
Điều này dường như có vẻ dễ dàng đối với những công ty lớn có các phòng ban được phân bổ chiến lược và nhiệm vụ chuyên môn hóa sâu hơn là những chủ doanh nghiệp nhỏ, nhưng dù quy mô thế nào, việc chuẩn bị để đảm bảo thành công trong tương lai của doanh nghiệp mình luôn là điều quan trọng.
(*) Giám đốc Toàn cầu, Khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp toàn cầu HSBC