Internet, smartphone, bùng nổ thông tin... là những nền tảng thúc đẩy văn hóa thần tượng trong giới trẻ. Ảnh: Quý Hòa

 
Lương Dũng Nhân Thứ Sáu | 02/12/2022 07:30

Đi tìm thần tượng

Hình tượng lý tưởng cho người trẻ học hỏi để gia tăng nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Internet, smartphone, bùng nổ thông tin... là những nền tảng thúc đẩy văn hóa thần tượng trong giới trẻ. Tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, văn hóa thần tượng là một trong những động lực thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí, tôn vinh những cá nhân tài năng, lan tỏa các giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội.

Nhưng bên cạnh đó, hiện tượng “fan cứng”, “fan cuồng” cộng hưởng bởi  truyền thông dễ dãi và độc hại, chạy theo những giá trị hào nhoáng lại trở thành hiện tượng đáng báo động trong đời sống tinh thần lệch chuẩn của giới trẻ. Trong xã hội đang hình thành một bộ phận người coi trọng vật chất hơn giá trị cốt lõi, không ít thanh niên cổ xúy cho hình ảnh giang hồ, bạo lực... Rõ ràng, định hướng để xây dựng thế hệ trẻ văn minh và lành mạnh, lan tỏa sự phát triển tài năng, nhân cách cho giới trẻ là việc rất quan trọng của một xã hội tiến bộ.

 

4 cấp độ thần tượng

Tôi đưa ra một mô hình tạm gọi là “4 cấp độ thần tượng” để các bạn trẻ có thể tự soi xét kỹ hơn về cách mình đang theo đuổi thần tượng. 4 cấp độ này dựa trên yếu tố cốt lõi khiến bạn thần tượng ai đó, gồm: (1) Sở hữu, (2) Thành tựu, (3) Năng lực, và (4) Giá trị.

Thần tượng vì điều sở hữu bên ngoài là chuyện khá dễ dàng, nhất là với những bạn trẻ ưa thích sự hào nhoáng. Tuy nhiên, đây cũng là cách thần tượng ít đem lại ích lợi nhất cho bản thân bạn. Thậm chí, bạn dễ có nguy cơ phung phí nếu cố gắng mua sắm cho giống thần tượng, khiến bản thân gặp nhiều khó khăn và đau khổ về lâu dài.

Cấp độ thứ 2 là thần tượng thành tựu của ai đó, ví dụ những giải thưởng họ đạt được, hay rộng hơn là đỉnh cao trong sự nghiệp hay sự tôn vinh của cộng đồng. Đây là hình thức thần tượng tích cực hơn so với thần tượng sở hữu, vì nó có thể tạo ra động lực cho bạn cố gắng đạt đến thành tích giống thần tượng của mình. Tuy nhiên, cách thần tượng này cũng có thể khiến bạn nản lòng, tuyệt vọng khi thấy đích đến quá xa tầm với.

Cấp độ thứ 3 là thần tượng về năng lực, tài năng. Cách này tích cực hơn cấp độ 2, vì bạn sẽ hướng tới mục tiêu rèn luyện được khả năng tương tự như thần tượng của mình, thay vì đuổi theo thành tích cao xa của họ. Cách theo đuổi thần tượng này tạo cho bạn động lực để nỗ lực và cố gắng hoàn thiện bản thân, cũng như khuyến khích bạn tìm hiểu kỹ hơn cách thần tượng đã rèn luyện hiệu quả trong quá khứ, những bài học kinh nghiệm của họ.

Còn cấp độ cao nhất, tích cực nhất là thần tượng về giá trị và lẽ sống. Ở cấp độ này, người bạn thần tượng có thể là vĩ nhân, cũng có thể là con người rất bình dị xung quanh bạn. Miễn là ở họ, bạn có thể nhìn thấy sự hiện thực hóa những giá trị quan trọng mà bản thân bạn mong muốn mình có được, ví dụ như lòng nhân ái, sự tự do, tính sáng tạo, lòng kiên cường... 

 

Đây là cấp độ thần tượng có giá trị lớn nhất đến sự phát triển bản thân và việc sống trọn vẹn, hạnh phúc của bạn. Con người sẽ phát triển ở mức độ cao nhất nếu được sống đúng với những giá trị mình xem trọng, hay còn gọi là tìm được lẽ sống của đời mình. Tuy vậy, hành trình tìm kiếm đó không hề dễ dàng và việc cảm thấy được cộng hưởng với một số lẽ sống của người mình thần tượng là khởi đầu thuận lợi cho hành trình ý nghĩa này.

Như vậy, ta có thể thấy rằng, để đạt đến những cấp độ thần tượng cao hơn, các bạn trẻ cần mở rộng phạm vi nhân vật mình có thể thần tượng: không chỉ gói gọn trong những ngôi sao đang nổi tiếng ở các lĩnh vực dễ thấy như nghệ thuật, thể thao, giải trí..., thần tượng có thể là những nhân vật đã và đang cống hiến cho xã hội trong các lĩnh vực khác như kinh doanh, khoa học, chính trị, tôn giáo, giáo dục... Đặc biệt nhất, vì sao thần tượng lại không thể là những con người thú vị và gần gũi nhất xung quanh bạn: ba mẹ, thầy cô?

3 cách học từ thần tượng

Có 3 hình thức chính là bắt chước, theo bước và học hỏi có chiến lược. Bắt chước là hình thức dễ nhất nhưng cũng kém hiệu quả nhất, khi các bạn sao chép vẻ bề ngoài, quần áo, phong cách, những lời nói hay cách cư xử hằng ngày của thần tượng mà không tiếp cận được giá trị nội tại. Theo bước thì tốt hơn trong việc rèn luyện kỹ năng: bạn biết được từng bước phát triển năng lực, cách rèn luyện trong quá khứ của thần tượng mình ra sao và bạn áp dụng những phương pháp tương tự để phát triển chính mình.

Học hỏi có chiến lược sẽ là cách hiệu quả nhất. Đó là khi bạn quan sát, nghiên cứu, phân tích, so sánh và chọn lựa những điểm nào của thần tượng phù hợp cho sự phát triển của mình, điểm nào mình nên lọc bỏ. 

Hành trình phát triển bản thân của người trẻ luôn cần sự hỗ trợ của những người đi trước, của cộng đồng. Để các bạn đạt được những cấp độ thần tượng cao hơn, cũng như có thể học hỏi có chiến lược từ thần tượng, những người có nhiều cống hiến tích cực cho xã hội ở những lĩnh vực ít nổi tiếng hãy chia sẻ nhiều hơn về giá trị sống của mình, cũng như quá trình mình rèn luyện, học hỏi để thành công. Hãy cho người trẻ có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu với mình nhiều hơn, nhìn thấy rõ những cống hiến mình mang lại cho xã hội và công nhận tiềm năng, khuyến khích tinh thần tương tự ở những người trẻ. Như vậy cũng là cống hiến lớn cho tương lai của chúng ta và các thế hệ sau