Đi tìm mô hình cổ động viên chuyên nghiệp
Kết thúc AFF Cup, đội tuyển Malaysia đoạt giải Fair Play. Giải thích vấn đề này, còi vàng Dương Mạnh Hùng cho biết: Một yếu tố khiến Malaysia đoạt giải Fair Play phần quan trọng đến từ việc đội bóng này chơi thứ bóng đá tấn công tích cực và cổ động viên luôn phủ kín sân Bukit Jalil và cổ động vô cùng chuyên nghiệp, để lại hình ảnh đẹp trong mắt khán giả quốc tế.
Sự cuồng nhiệt của cổ động viên Malaysia thường được khởi xướng bởi các nhóm Ultras Malaya. Được thành lập từ năm 2007, bắt nguồn từ vài cổ động viên địa phương, Ultras Malaya ban đầu chỉ có 20 thành viên. Phải đến giai đoạn 2009-2010, sau thành công của nền bóng đá Malaysia ở 3 kỳ SEA Games và AFF Cup liên tiếp, nhóm này mới thật sự bùng nổ. Vì vậy, sẽ không quá khi nói sự tiến bộ của bóng đá Malaysia đến từ các cổ động viên chuyên nghiệp. Xây dựng một đội ngũ cổ động viên đông đảo và nhiệt tình đóng góp cho sự phát triển của một đội bóng là điều mà Việt Nam phải sớm tính tới.
Người hâm mộ Việt Nam luôn phủ kín sân vận động quốc gia Mỹ Đình mỗi khi đội tuyển thi đấu tại AFF Cup hay các giải quốc tế chính thức. Chúng ta cũng đã có Hội Cổ động viên bóng đá Việt Nam nhưng vẫn có chút so bì khi nhìn sang sự cổ vũ chuyên nghiệp như các cổ động viên Malaysia.
Cổ động viên chuyên nghiệp cũng là phép tính của các câu lạc bộ trong cả vấn đề chuyên môn lẫn tài chính. Hiện tại, các câu lạc bộ ở Việt Nam đang manh nha chuyên nghiệp hóa các hội cổ động viên, như đội Hoàng Anh Gia Lai hay Câu lạc bộ Hà Nội. Đơn cử như trường hợp của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội. Cách đây vài năm, đội bóng này (khi đó còn có tên là Hà Nội T&T) cũng đã là nhà vô địch quốc gia, nhưng lượng khán giả dự khán cũng chỉ khoảng 2.000 người.
Khi ấy, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Câu lạc bộ Hà Nội T&T, cho rằng ông sẽ cố gắng lôi kéo khán giả đến sân thông qua chơi tốt và chơi đẹp. Bây giờ, Câu lạc bộ Hà Nội đang thành công với con đường ấy, nhưng trận đấu trên sân nhà có tỉ lệ khán giả trung bình 10.227 (tính tới vòng 23), một lối chơi đẹp mắt, đội bóng có nhiều ngôi sao đang khoác áo đội tuyển quốc gia nhất.
Điều này đã góp phần thu hút khán giả đến sân động hơn. Bên cạnh đó, theo như ông Hiển nói: “Khi khán giả tới sân thì chúng ta phải có dịch vụ để phục vụ khán giả, để họ thấy rằng tới sân là một nhu cầu”. Đây cũng là điều hợp lý khi mà mức sống của người dân ngày một tăng lên thì nhu cầu chi cho các sản phẩm giải trí cũng sẽ tăng theo. Thực tế là theo cuộc khảo sát mới nhất của Nielsen Việt Nam về xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng Việt cho các hoạt động giải trí trong quý III/2018 đã tăng 3%, đạt mức 46%.
Cách đây 5 năm, V.League 2013 đón chào tới gần 10.000 khán giả tới sân theo dõi. Con số này sau đó giảm dần qua các năm và chạm đáy vào năm 2017. Tuy nhiên, thành công của các cầu thủ U23 đã góp phần giúp cải thiện tình hình. Dù sao, khán giả cũng góp phần vào nguồn thu của các câu lạc bộ từ tiền vé.
Đơn cử, nếu chúng ta lấy mức giá trung bình là 50.000 đồng/vé, thì số tiền mà khán giả chi cho tiền vé vào khoảng gần 57 tỉ đồng. Tham chiếu từ những câu lạc bộ như Manchester United, doanh thu từ bán vé cũng chiếm gần 20% trong cơ cấu doanh thu của các câu lạc bộ nổi tiếng nước Anh trong năm 2017, dù tỉ trọng giảm dần theo năm.
Với những thành công vượt bậc của đội tuyển và sự chuyên nghiệp hóa ngày càng tăng từ văn hóa cổ động của cổ động viên các câu lạc bộ, chúng ta có quyền hy vọng về việc người hâm mộ sẽ đến sân nhiều hơn và trở thành một phần không thể thiếu của bóng đá.