Cộng đồng LGBT cũng có quyền sống bình đẳng như những người khác. Ảnh: Ảnh: ics.org.vn

 
Văn Đạt Chủ Nhật | 04/02/2024 07:00

Đi tìm giá trị cho cộng đồng LGBT

Những cuộc đấu khẩu nảy lửa trên mạng xã hội tưởng chừng vô bổ hóa ra là cần thiết để Huỳnh Minh Thảo giúp công chúng hiểu rõ về cộng đồng LGBT.

Nhận thức của xã hội về cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới đã thay đổi. Xã hội bắt đầu hiểu rằng xu hướng tính dục và bản dạng giới là một yếu tố tự nhiên, không thể lựa chọn. Cộng đồng LGBT cũng có quyền sống bình đẳng như những người khác. Điều này được thể hiện qua một số thay đổi cụ thể như sự tham gia của cộng đồng LGBT vào các lĩnh vực xã hội, kinh tế ngày càng nhiều hơn.

Kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy tỉ lệ ủng hộ hôn nhân đồng giới ở Việt Nam ở mức 65%, cao thứ 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Úc 75% và Nhật là 68%. Cách đây 10 năm, tỉ lệ ủng hộ chỉ ở mức 36%, theo khảo sát do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tiến hành phỏng vấn 5.297 người tại 8 tỉnh, thành.

Không muốn nhận công lao về mình, nhưng những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội, các chiến dịch vận động quyền cho cộng đồng LGBT trong gần 20 năm qua của Huỳnh Minh Thảo và các nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng đã “nắn gân” những người có quan niệm sai lầm về người đồng tính. Thảo nói anh cảm thấy mình cần có trách nhiệm chia sẻ đúng thông tin về cộng đồng LGBT. Năm 2018, WeChoice Awards đã vinh danh Thảo vì đã tích cực tham gia vào hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT. Khởi nguồn từ việc sáng lập và điều hành website taoxanh.net, một diễn đàn dành cho cộng đồng đồng tính nam Việt Nam, Thảo tiếp tục tham gia sáng lập và hoạt động tại Trung tâm ICS, tổ chức đầu tiên tại Việt Nam chuyên về quyền của cộng đồng LGBT.

Anh cũng là người khởi xướng các hoạt động cho Hội PFLAG (Hội phụ huynh và người thân của người LGBT), chiến dịch xã hội “Tôi Đồng Ý”, sự kiện VietPride trên cả nước... và nhiều hoạt động khác. Những hoạt động này, cùng với nỗ lực của nhiều tổ chức xã hội, nhà hoạt động, phong trào xã hội đã góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội về cộng đồng LGBT và thay đổi/bổ sung các bộ luật cho cộng đồng LGBT, bao gồm luật Hôn nhân cùng giới, Luật Chuyển đổi giới tính, Luật Lao động bình đẳng. “Luật pháp Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh các bộ luật, văn bản hành chính nhằm mang lại sự bình đẳng cho cộng đồng LGBT”, Thảo cho biết.

Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh năm 2014, Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2015, Luật Tạm giam tạm giữ 2015 có quy định về buồng giam riêng đối với người đồng tính, chuyển giới, các tuyên bố bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT tại Liên Hiệp Quốc... và công văn của Bộ Y tế gửi các ban ngành liên quan cấm điều trị, chữa đồng tính vì đồng tính không phải là bệnh.

“Sau gần 20 năm hoạt động đấu tranh vì quyền của cộng đồng LGBT, tôi nhận thấy giá trị của cộng đồng trong mắt của xã hội đã có những thay đổi tích cực. Trước đây, cộng đồng LGBT thường bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Họ bị coi là “dị thường”, “bệnh hoạn” và không được xã hội công nhận. Điều này khiến họ gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống, cả về thể chất lẫn tinh thần”, Thảo nhận xét.

Thảo may mắn, không như các thành viên khác trong cộng đồng phải công khai giới tính của mình trong nước mắt. Gia đình nhận ra giới tính của Thảo trong một dịp rất tình cờ. “Trong một lần tham gia chiến dịch vận động quyền cho người đồng tính, Thảo trả lời phỏng vấn cho một đài truyền hình. Lúc đó, mình chỉ nói trước ống kính, không nghĩ đến việc hình ảnh của mình sẽ được phát sóng khắp cả nước. Khi chương trình phát sóng, không chỉ ba mẹ mà họ hàng 2 bên nội ngoại đều biết. Không ai có ý kiến gì. Thế là mình đã comeout thành công,” Thảo nhớ lại.

Tuy nhiên, không nhiều người may mắn như Thảo. Hành trình công khai giới tính của rất nhiều bạn bè, những người Thảo quen biết không hề dễ dàng. Có nhiều người bị đánh đập, nhốt trong nhà trong một thời gian dài, bị ép kết hôn. Thảo còn nhớ nhiều bạn nữ bị ba mẹ tìm cách ép quan hệ với con trai để có thể “thẳng” trở lại. Những hoàn cảnh đó càng thôi thúc Thảo có nhiều chiến dịch vận động để xã hội có cái nhìn cởi mở hơn với cộng đồng LGBT. Chẳng hạn, Thảo vừa lập kênh TikTok để giúp thế hệ Gen Z và Alpha hiểu rõ hơn về cộng đồng LGBT, khi các chiến dịch của Thảo dường như có tác dụng với các thế hệ trước.

Hiện tại cộng đồng LGBT là một bộ phận không thể thiếu của xã hội với những đóng góp giá trị cho đất nước trên nhiều phương diện. Theo một nghiên cứu của World Bank năm 2023, cộng đồng LGBT trên toàn cầu có tổng GDP là 4.600 tỉ USD. Ở Việt Nam, cộng đồng LGBT là lực lượng lao động quan trọng khi chiếm khoảng 9-11% dân số, tương đương 10 triệu người, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) và iSEE. Cộng đồng LGBT cũng là lực lượng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới có thể mang lại cho Việt Nam từ 1,65-4,36% gia tăng trong GDP mỗi năm do kết quả của việc tăng năng suất lao động và tạo ra môi trường làm việc hòa nhập hơn, Thảo dẫn kết quả khảo sát của VESS và iSEE.

Thảo cho biết trong hành trình đi tìm giá trị cho cộng đồng, anh có quen biết nhiều tấm gương điển hình như ca sĩ Lynk Lee - người tham gia nhiều hoạt động nhằm rút ngắn khoảng cách giữa cộng đồng LGBT với xã hội, hay nhà hoạt động quyền Lương Thế Huy, nguyên Viện trưởng iSEE và ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV, nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn, diễn viên BB Trần, Eric Phạm Khánh Bình, Trưởng nhóm Hà Nội Queer... Tất cả đều đóng góp viên gạch vững chắc vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.