Dự án The Green Mile. Ảnh: TL

 
Anh Thư Thứ Bảy | 21/01/2023 07:30

Di sản sống chung cao ốc

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, toàn thành phố hiện có khoảng 1.300 biệt thự kiến trúc cổ, rất nhiều trong số này thuộc sở hữu tư nhân.

Giá trị của di sản không thể phủ nhận nhưng dòng chảy đô thị hóa, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng luôn bức thiết, xung đột với các giá trị của di sản đô thị. Chẳng hạn, một hiện tượng đáng báo động tại TP.HCM chính là sự mất dần của các di sản kiến trúc vì nhiều nguyên nhân. 

Thách thức của đô thị

Chẳng hạn, theo Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM), toàn thành phố hiện có khoảng 1.300 biệt thự kiến trúc cổ, rất nhiều trong số này thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, con số này thay đổi mạnh khi nhiều chủ sở hữu tự ý tháo dỡ biệt thự cổ hay tự cải tạo, gia tăng nguy cơ đánh mất các công trình kiến trúc cổ có giá trị di sản về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật.

 

Bảo tồn di sản kiến trúc là việc làm rất khó khăn, nhất là các công trình này hầu hết đều nằm trên những vị trí trung tâm, có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều khi xây dựng công trình thương mại mới. TP.HCM có nhiều công trình kiến trúc do người Pháp để lại, có thêm dấu ấn của người Hoa ở chợ Bình Tây. Di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị chính là một phần hơi thở của Sài Gòn nhưng làm thế nào để di sản “sống” và mang lại giá trị trong xu hướng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo đang là một thách thức rất lớn.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, lưu ý: “Các nhà quy hoạch, các tổ chức chính trị cần xác định rõ giá trị không thể đánh đổi của di sản trong quá trình phát triển đô thị, từ đó sẽ có cách bảo tồn bền vững, chẳng hạn chợ Bến Thành - một trong những di sản kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM, có nhiều đóng vào sự phát triển kinh tế, góp phần thu hút khách du lịch”. Trong danh sách 10 điểm phải đến khi tới TP.HCM, theo bình chọn của các trang truyền thông du lịch quốc tế, tất cả đều là những công trình kiến trúc mang tính di sản.

Mới đây, Công ty S&A Architecture cùng Đại học RMIT công bố các giải pháp cải tạo và tu sửa khu Thương cảng Sài Gòn cũ của quận 4 gợi ra nhiều giải pháp trong bài toán này. Dự án The Green Mile của nhóm nghiên cứu tập trung phát triển mục đích sử dụng các không gian công cộng, bảo tàng, không gian sống và làm việc, đồng thời đề xuất phương pháp sửa đổi về quản lý giao thông. The Green Mile đề xuất một giải pháp mang tính học thuật cho khu Thương cảng Sài Gòn cũ bao gồm khu triển lãm và giải trí, không gian làm việc chung, khu vực hậu cần, khu dân cư và thương mại phức hợp. Đề án cũng tập trung vào nhu cầu cấp thiết của khu đất này bằng cách cung cấp hơn 200.000 m2 không gian xanh, xây dựng Thành phố Xốp - Sponge City (SPC) để giảm thiểu thiệt hại của lũ lụt...

Làm kinh tế cho di sản 

Ông Luigi Campanale, Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Thiết kế của S&A Architecture, đồng thời là tác giả đề án Tái tạo Thương cảng quận 4, nhận định: “Tương lai sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đi các giá trị truyền thống” và mong muốn cải tạo khu vực quận 4 với niềm tin rằng đây sẽ là một thành phố nhỏ giữa một đô thị lớn.

Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Thiết kế và Truyền thông của Đại học RMIT, cho rằng di sản là khả năng sống, khả năng làm việc, sinh hoạt và vui chơi trong chính không gian ấy. Một thành phố thông minh thực sự cần có bản sắc riêng của mình. “Chúng tôi đang xây dựng di sản của tương lai, đồng thời bảo vệ di sản của quá khứ”, bà nói.

Bảo tồn di sản, đặc biệt là di sản về kiến trúc phải đi đôi với việc phát triển kinh tế. Bảo tồn được di sản đáp ứng được tốc độ tăng trưởng không ngừng của đô thị, đồng thời cũng quan tâm và lưu ý đến sự phát triển thông minh và bền vững của các thành phố là vấn đề “3 trong 1” của quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Ông Enrico Padula, Tổng Lãnh sự Ý tại TP.HCM, cũng nhận định: “Nước Ý có quá trình phát triển chậm và dành thời gian bảo tồn di sản, còn Việt Nam thì khác vì có một nền kinh tế tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng”.

 

Ông nêu ví dụ về các thành phố của Ý như Milan và Torino, vốn là các đô thị thiên về sản xuất, cũng đã nỗ lực tái sử dụng không gian và lưu giữ cho hậu thế, cũng như bảo tồn những di sản văn hóa phong phú mà các thành phố này đại diện. “Đây là một sự chuyển giao không thể thay thế đối với các thế hệ tương lai của chúng ta”, ông nói.

Lâu nay, bảo tồn di sản là sự dàn xếp mâu thuẫn giữa vai trò của chính sách nhà nước, nhà quản lý đô thị, nhóm nghiên cứu về văn hóa, di sản và cả cộng đồng dân cư sinh sống trong và xung quanh di sản đó. Ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam, cũng đề cập những phương thức hỗ trợ nhằm giải quyết một số vướng mắc về chi phí cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, nhằm khuyến khích họ tái sử dụng di sản của Việt Nam và các công trình kiến trúc từ giữa đến cuối thế kỷ XX một cách phù hợp.

Thực tế, tại TP.HCM hiện nay, nhiều tòa nhà di sản có thể khai thác kinh doanh mang lại giá trị cao như điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn... theo hướng kinh doanh để di sản “được sống” với đương đại và tiếp cận gần hơn với công chúng. Đây cũng là kinh nghiệm mà nhiều nước đã áp dụng thành công.

Một số quốc gia giảm thuế hoặc cho phép xóa nợ nhằm khuyến khích nhà đầu tư bảo vệ tòa nhà di sản, trong khi các quốc gia khác cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp. Ngoài ra, cũng có thể đưa ra ưu đãi khác cho nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn các quy định pháp lý có lợi, hoặc quy trình cấp phép nhanh hơn và mang tính ưu đãi. 

“Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể xem xét việc mở rộng khoản vay xanh cho các dự án tái sử dụng này do giảm lượng khí carbon và chất thải phát sinh. Cơ quan có thẩm quyền cũng có thể xem xét trao tặng giải thưởng và phần thưởng cho nhà đầu tư và có thể kết hợp trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành dự án di sản để bảo vệ lợi tức đầu tư (ROI), hoặc cấn trừ phần không gian không được sử dụng trong dự án bảo tồn tòa nhà di sản và bù đắp lại vào tổng diện tích sàn trong dự án khác của nhà đầu tư”, đại diện của Knight Frank đề xuất.