Tham quan di sản Tháp nước Hàng Đậu.
Di sản quá khứ bước vào tương lai
Giá trị của di sản văn hóa ngày nay thường bị che khuất bởi sự phát triển không ngừng trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nhiều ví dụ điển hình cho thấy giá trị của di sản trong đời sống hiện đại. Chẳng hạn, khách sạn Raffles, một địa điểm nổi bật của Singapore từ thế kỷ XIX, sau khi được cải tạo đã hoạt động trở lại với 115 phòng cùng với hệ thống tiện ích đầy đủ gồm nghỉ dưỡng, mua sắm, văn phòng...
Đánh thức di sản quá khứ
Từng là trung tâm tài chính của châu Á những năm 1940, Bến Thượng Hải ngày nay đã được xây dựng lại thành một cung đường đi bộ ven sông nổi tiếng, trải dài 1,5 km với bãi đỗ xe tích hợp, thêm nhiều không gian sinh hoạt cộng đồng và hệ thống cơ sở hạ tầng mới trở thành điểm đến nổi bật cùng với Phố Đông ở bờ bên kia.
Việt Nam cũng được công nhận sở hữu một kho tàng di sản đồ sộ, trong đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, bản sắc vùng miền. Mới đây, tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023.
Nằm trên “mỏ vàng” di sản, nhiều đô thị của Việt Nam cũng đang hướng tới mô hình đô thị di sản (heritage city) và đang nỗ lực phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại. Chẳng hạn, trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, cụm từ “đánh thức di sản” được nhắc tới nhiều. Qua đó, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên và ga Gia Lâm cũng tưởng chừng sắp bị “xóa sổ” nay bỗng thức giấc và trở thành điểm đến thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lưu ý, quy hoạch luôn cần dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đưa ra giải pháp riêng phù hợp với từng địa phương. Do chưa hiểu được điều đó nên mới có chuyện xây dựng đô thị cao nguyên Đà Lạt dày đặc bê tông hóa như TP.HCM, chia cắt đô thị ven biển Phú Quốc theo hình thức phân lô nhà phố ở vùng đồng bằng...
Những sự kiện nói trên cho thấy tầm quan trọng của đánh thức di sản trong đời sống đương đại, mang lại giá trị cho du lịch, bất động sản, thương mại... Đồng thời, cũng cho thấy rõ những bài học đắt giá của việc mất cân bằng giữa bảo vệ di sản và duy trì tính toàn vẹn, liên tục của thành phố trong quá trình phát triển. Hoặc quá tập trung vào khu vực công nhận di sản văn hóa mà bỏ quên những thành tố bình dân cộng sinh hay các khu vực đô thị phát triển về sau. Hoặc quá trình phát triển đô thị không định hướng bảo vệ di sản đã trở nên đáng báo động tại Việt Nam.
Điều này có thể thấy ở Đà Lạt, một thành phố có lợi thế về di sản và cảnh quan đang phải đối mặt với nguy cơ bị mất đi những công trình di sản giá trị. Vẫn chưa hết. Ở trên vùng núi cao, những siêu dự án đủ loại từ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng... tràn ngập và đang băm nát quy hoạch và khiến Sapa đánh mất vẻ hoang sơ, thơ mộng với nét đẹp của một thị trấn quanh năm mây mù trao truyền từ nhiều đời. Hoặc tranh cãi gần đây về việc san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm khu đô thị đang được dư luận quan tâm không chỉ căn cứ pháp lý của dự án mà quan ngại hơn là nỗi lo “biến dạng di sản”. “Sự đa dạng của các đô thị bắt nguồn từ đa dạng văn hóa. Đa dạng văn hóa không chỉ nằm ở con người đang sống, mà còn lưu tại ký ức của những người đã sống, từ đó mới hình thành nên bản sắc đô thị”, Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh.
Kiến tạo di sản tương lai
Lo bảo tồn di sản của quá khứ cũng là lúc khái niệm “di sản tương lai” cũng đang được chú trọng với sự nhấn mạnh: những quyết định có chủ ý được đưa ra ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Đối với kiến trúc sư Paul-Antoine Lucas và Bùi Quý Sơn, kinh nghiệm trong các lĩnh vực sáng tạo đa dạng đã thôi thúc họ mở ra một cách tiếp cận khác đối với di sản tương lai. Họ đã sáng lập dự án thực hành sáng tạo Exutoire vào năm 2019, hiện hoạt động ở các thành phố Oslo, Paris và Hà Nội. Những chuyến đi thực địa đến các làng nghề trong nội đô và xung quanh Hà Nội đã giúp họ khám phá lại nghệ thuật làm gạch, sơn mài, tre hun khói... và kết nối hợp tác với nghệ nhân địa phương.
Nhóm cho biết: “Nghiên cứu mà chúng tôi đang thực hiện xoay quanh việc làm mới cách tiếp cận kiến thức truyền thống như một di sản vật thể và phi vật thể. Dự án giúp chúng tôi hiểu rõ hơn những cách mà các tập quán thủ công địa phương có thể truyền cảm hứng cho tính bền vững xã hội và môi trường trong thiết kế”.
Trong khi đó, Phó Trưởng khoa Nhiếp ảnh Đại học RMIT, Tiến sĩ Alison Bennett đã dùng nhiếp ảnh làm phương tiện để trình bày về ý tưởng “mở rộng di sản”. Tiến sĩ Bennett đặt câu hỏi: “Việc tạo một bản sao kỹ thuật số có ý nghĩa gì? Liệu nó có mở rộng và chia sẻ giá trị của hiện vật không? Hay liệu nó có làm cho hiện vật dễ bị tổn thương hơn không?”. Nhiếp ảnh gia/nhà giáo này đến thăm Hà Nội lần đầu vào năm 1993 và trở lại thủ đô tròn 30 năm sau cùng một nhóm sinh viên RMIT Úc đi trao đổi học tập tại đây.
“Chúng ta cần hiểu rằng mọi lựa chọn của chúng ta đều sẽ du hành thời gian vươn tầm ảnh hưởng đến tương lai. Thêm nữa, không thể tách rời các yếu tố văn hóa, công nghệ và sinh thái khỏi nhau - chúng có mối liên hệ sâu sắc với nhau trong mỗi di sản”, Tiến sĩ Bennett nói.
UNESCO đã chứng minh cho thế giới rằng nhân loại không cần hy sinh quá khứ để phát triển hiện tại, trên thực tế hoàn toàn ngược lại. Các di sản giúp con người hiểu về cội nguồn, đồng thời tạo nhiều cơ hội phát triển to lớn nếu phát huy được sự kết nối cộng đồng, nối liền giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.