Ảnh: Afamily.vn

 
Hoàng Nhật Thứ Năm | 17/10/2019 19:37

Di sản nhìn qua những kẽ hở

Công trình nhà hàng 7 tầng ở Mã Pí Lèng là hồi chuông cảnh báo cho những di sản đang bị vi phạm trước những kẽ hở của luật di sản.

Mã Pí Lèng là một di sản thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Nhưng công trình nhà hàng kiên cố 7 tầng Mã Pí Lèng Panorama “đột nhiên” xuất hiện khiến dư luận dậy sóng vì đã ảnh hưởng tới cả một cung đường du lịch tuyệt đẹp, tới không gian, cảnh quan danh thắng quốc gia.

Công trình tai tiếng này cuối cùng cũng bị yêu cầu tháo gỡ toàn bộ sau rất nhiều phản ứng trước đó của dư luận. Dù quyết định đã được đưa ra nhưng để không có một công trình tương tự nữa xuất hiện, vẫn còn rất nhiều điều đáng phải bàn. Đặc biệt, sự việc đã đụng chạm vào vấn đề rất lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt: phát triển du lịch và bảo vệ di sản, tài nguyên và thiên nhiên với những lỗ hổng trong Luật Di sản hiện hành.

Năm 2010, huyện vùng cao Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và trở thành lực hút du lịch của Hà Giang. Từ năm 2015 đến nay, lượng khách du lịch đến với Hà Giang mỗi năm tăng trưởng đều đặn trên 10%, riêng năm 2018 đạt 14,6%, từ con số hơn 30.000 lượt du khách đến Hà Giang năm 2010, đến năm 2018 đã tăng trên 1 triệu lượt, doanh thu đạt 1.150 tỉ đồng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút 948.470 khách, doanh thu đạt trên 1.000 tỉ đồng.

 

Với tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, rất hợp lý khi Hà Giang xác định sẽ là địa bàn trọng điểm du lịch của vùng núi phía Bắc giai đoạn 2020-2025. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thành trung tâm du lịch quốc gia. Tuy nhiên, kéo theo làn sóng du khách ngày một đông là sự quá tải ngày một tăng của hạ tầng du lịch khi các khách sạn, nhà nghỉ tại Đồng Văn, Mèo Vạc luôn cháy phòng vào mùa cao điểm. Đến mỗi mùa hoa tam giác mạch, để có chỗ nghỉ chân, nhiều du khách phải chấp nhận qua đêm ở nhà dân hoặc những lều trại dựng ngoài trời.

Đáng tiếc, đây cũng là vấn đề chung của du lịch Việt Nam khi số lượng khách du lịch tăng trưởng nóng dẫn tới tăng trưởng nguồn cung cơ sở lưu trú nhảy vọt, từ đó tạo ra sự quá tải về hạ tầng dịch vụ. Như World Bank đánh giá, tuân thủ quy hoạch tại các điểm đến của Việt Nam thường có vấn đề, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu và tính bền vững trong phát triển du lịch. Nhiều người làm du lịch vẫn luôn phàn nàn về những vấn đề của du lịch Việt Nam trong nhiều năm vẫn chưa giải quyết được như sân bay quá tải, vẫn chưa có bổ sung quy hoạch đầu tư giao thông đến những điểm du lịch, khách sạn đắt đỏ hơn các nước trong khu vực, rồi nhà vệ sinh trong các khu vui chơi, giải trí không đạt chuẩn, thiếu hụt hệ thống dừng chân trên đường tới điểm du lịch... Hàng loạt lý do này khiến nhiều du khách tới Việt Nam một đi không trở lại và nỗi lo thấp thỏm tụt hậu vẫn đeo đẳng. Theo Hiệp hội Du lịch Quốc tế, chỉ khoảng 10% khách du lịch quốc tế muốn quay lại Việt Nam lần thứ 2 so với tỉ lệ của Thái Lan là khoảng 70%.

Vì vậy, câu chuyện xuất hiện công trình như Panorama có tính “hợp lý” khi tỉnh và nhà đầu tư nôn nóng cần phát triển các cơ sở, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Thực tế, cung đường dài từ Mèo Vạc đến Đồng Văn rất cần một điểm dừng chân, ngắm cảnh. Nhưng không hợp lý ở chỗ tỉnh Hà Giang không có quy hoạch của khu vực di sản và lân cận, xác định rõ khu nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du khách, bảo tồn chỗ nào, đầu tư chỗ nào và như thế nào.

Vì thế, Panorama đã mọc lên giữa sự lúng túng của nhiều người, kể cả người trong cuộc. Ở đây, Luật Di sản chỉ phân định vùng lõi I và vùng lõi II của di sản là vùng cần bảo vệ, nhưng thực tế công trình khách sạn lại nằm ngoài vùng I và II này. Bộ Văn hóa đã phê duyệt di sản Mã Pí Lèng nhưng lại không xếp khu vực xây nhà hàng vào trong ranh giới vùng bảo vệ của di sản.

 

Việt Nam hiện có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản thế giới hỗn hợp. Cách bảo tồn các di sản tốt nhất chính là khai thác và phát huy chúng một cách hiệu quả về giá trị kinh tế trong sự phát triển chung của địa phương nhằm bảo tồn những giá trị nổi bật của các khu di sản thiên nhiên, gìn giữ mối quan hệ giữa môi trường và phát triển du lịch.

Cách bảo vệ di sản khôn ngoan là giữ lại các giá trị lịch sử/thiên nhiên của nó, đồng thời vẫn đáp ứng được những đòi hỏi kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai. Nhưng các tài nguyên, di sản cũng có thể bị các dự án kinh tế “đội lốt” văn hóa, du lịch... thao túng trước sự bành trướng của các tập đoàn kinh tế giàu có.

Muốn vậy, rõ ràng, mỗi di sản cần có một hồ sơ quy hoạch chi tiết về phát triển tổng thể để nhà đầu tư có thể tiếp cận tài nguyên về đất đai một cách minh bạch, còn người dân có thể giám sát chặt chẽ hơn, để cùng nhau bảo vệ di sản cho đời sau.

►Vì sao Đèo Mã Pì Lèng được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan"?

Đất và người Tây Bắc trong mắt nhiếp ảnh gia Pháp

Số hóa di sản