Hội thảo về 10 năm Ngày mất của Sơn Nam. Ảnh: thanhnien.com

 
Phương Quyên Thứ Hai | 27/08/2018 14:00

Di sản của Sơn Nam

Di sản của nhà văn Sơn Nam có ý nghĩa rất lớn với những người xa quê.

Hơn 80 năm tại thế, di sản mà ông già Nam Bộ để lại cho đời là kho kiến thức phong phú đến mức những người làm công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử... gọi đó là một gia tài vĩnh cửu. Với nỗ lực từ phía đơn vị xuất bản, gia tài ấy nay đã có thể trở thành một sản phẩm kinh doanh đầy giá trị. 

Với 20 tựa sách, trong đó, có những tác phẩm nổi tiếng như Biển Cỏ Miền Tây, Mùa Len Trâu, Hương Quê, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, Hương Rừng Cà Mau, Xóm Bàu Láng, Hồi Ký Từ U Minh Đến Cần Thơ... Sơn Nam là một tác giả lớn của Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ở Kiên Giang. Gia đình ông vốn từ Cù lao Ông Chưởng, Long Xuyên đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Nhờ đó, tuổi thơ của ông tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây hoa lá, chim muông. Đó chính là vốn sống đầu tiên, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của ông sau này.

Tác phẩm đầu tay của Sơn Nam là tập thơ Lúa Reo, xuất bản năm 1948. Về sau ông viết văn xuôi, cảm thấy “thuận tay” hơn và theo đường ấy. Năm 1951-1952, hai truyện ngắn Bên Rừng Cù Lao Dung và Tây Đầu Đỏ giành giải nhất cuộc thi do Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ tổ chức.

Tên tuổi của ông thực sự được biết đến rộng rãi trên văn đàn sau tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau vào năm 1962. Cho đến nay, đây vẫn là tập truyện ngắn được xếp vị trí cao trong số những tác phẩm đặc sắc của Nam Bộ. Ngoài dã sử, truyện ngắn, truyện dài, Sơn Nam còn thành công ở những công trình biên khảo như Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, Văn Minh Miệt Vườn, Đất Gia Định Xưa, Bến Nghé Xưa... Được mệnh danh là “ông già đi bộ”, Sơn Nam lang thang qua tất cả các vùng đất miền Nam, ghi chép lại cuộc sống một cách rất dung dị.

Các tác phẩm biên khảo viết với giọng văn không “lên gân” mà gần gũi như lời một người hướng dẫn viên, giới thiệu về chính quê hương mình, vì vậy mà vô cùng hấp dẫn độc giả. Lúc sinh thời, ông từng trải lòng: “Lịch sử Nam Bộ Việt Nam là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha tôi lo khẩn hoang, mở đất. Nên những trang viết của tôi dành cho việc khẩn hoang mở đất...

Di san cua Son Nam

Đây cũng là đề tài mà người dân Nam Bộ rất quan tâm, bởi trong ký ức của những người Sài Gòn cũ, người Nam Bộ cũ vẫn còn lưu giữ rất nhiều ấn tượng trong việc vật lộn với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên trong những ngày đầu mở đất, mở nước”.

Nhận xét về văn tài của Sơn Nam, bạn cùng thời với ông, nhà văn Nguyễn Đông Thức khẳng định, sự ra đi của “ông già Nam Bộ” để lại một khoảng trống rất lớn. 10 năm sau ngày ông rời cõi tạm, vẫn chưa có người viết nào có thể đảm đương những công trình như Sơn Nam đã làm. Nhà văn Nguyễn Đông Thức thừa nhận: “Quan trọng hơn cả là cách nhà văn Sơn Nam tác nghiệp. Trong bối cảnh không có tư liệu để tra cứu, không có Google, ông đi điền dã và mang đến những trang viết rất tốt về mặt kiến thức lẫn văn chương”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho biết, những tác phẩm khảo cứu của Sơn Nam đều viết theo dạng tùy bút nhưng dữ liệu trong đó thì hoàn toàn xác thực. Vì điều này mà tác phẩm của ông vừa minh triết, vừa giàu tình cảm, có giá trị lớn để thế hệ sau có thể tham khảo, đối chiếu.

Tháng 4.2003, Nhà Xuất bản Trẻ đã mua toàn bộ tác quyền sách của nhà văn Sơn Nam, hệ thống lại và độc quyền xuất bản trên toàn thế giới. Từ đó đến nay, các tác phẩm của ông liên tục được tái bản. “Dù đã xuất hiện lâu nhưng những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam luôn được tái bản đều đặn hằng năm. Có tác phẩm đã tái bản đến lần thứ 7, 8. Vị chi, lượng sách Sơn Nam đến với độc giả lên đến hàng trăm ngàn bản. Đáng chú ý, mùa bán được sách của ông nhất là giáp Tết và đối tượng mua là kiều bào”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, chia sẻ.

Di san cua Son Nam

Theo ông Nhựt, di sản của nhà văn Sơn Nam có ý nghĩa rất lớn với những người xa quê, muốn tìm hiểu và truyền thụ văn hóa nước nhà lại cho con cháu của mình. Đó chính là lý do, 20 đầu sách của ông được nhà xuất bản làm mới, đầu tư thêm về mặt thiết kế lẫn hiệu chỉnh nội dung để đưa vào danh sách các tác phẩm chủ lực, xuất sang các thị trường Mỹ, Đông Âu và kế đó là Đài Loan.

“Chiến lược mang sách Việt Nam phục vụ 4,5 triệu kiều bào ở Đông Âu và Mỹ đã được xác định. Đây là những thị trường tiềm năng vì nhu cầu từ người đọc đang rất cao”, ông Nhựt nói. 

Có mặt tại buổi gặp mặt nhân 10 năm ngày mất của Sơn Nam, rất nhiều văn nghệ sĩ không giấu được tiếc nuối và tình cảm dành cho “ông già”.

Bởi vì, cùng với văn tài, con người ông với sự phóng khoáng và hào sảng rặt Nam Bộ đã khiến Sơn Nam trở thành biểu tượng của văn hóa. Ông ra đi nhưng hình ảnh ông trong bộ áo dài khăn đóng, chống gậy dự lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM, móm mém cười sẽ còn mãi..