Nguồn ảnh: QH

 
Viết Nguyên Thứ Hai | 06/04/2020 08:00

Đi chợ mùa dịch

Chưa bao giờ đi chợ online lại bùng nổ như hiện nay, nhất là từ sau khi Thủ tướng ra quyết định cách ly toàn xã hội 15 ngày.

Buổi sáng đầu tiên của ngày cách ly toàn Việt Nam, một chủ tài khoản đã đăng lên facebook dòng thông tin tô đậm “Từ ngày 1.4.2020, Siêu thị tận nhà chính thức lên sóng, mang menu trong ngày đến mọi ngõ hẻm của Sài Gòn”. Chỉ cần gọi tới số điện thoại cho sẵn, người tiêu dùng có thể gọi điện đặt mua hộ mọi thứ mình cần. Tuy nhiên, do trang này mới mở, thông tin còn sơ sài, chưa rõ chủ sở hữu nên không mấy tin cậy. Dù vậy, nội dung thông tin đã ít nhiều phản ánh một vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay: Đi chợ thời COVID-19.

 

Không phải đợi đến bây giờ mà từ nửa tháng nay, khi dịch COVID-19 lan rộng và trở nên phức tạp, người Việt đã e ngại vào chợ, siêu thị vì sợ bị lây nhiễm. Hơn nữa, người dân cũng được khuyến cáo hạn chế đi lại. Theo khảo sát từ Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel, hơn 50% cho biết giảm tần suất đến siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Tỉ lệ này đối với chợ truyền thống thậm chí lên đến hơn 60%. Thay vào đó, 25% số người được hỏi đã tăng cường mua sắm online. Còn theo Kantar Worldpanel, mua sắm trực tuyến đang chiếm ưu thế và bùng nổ mạnh mẽ. Hình thức này đã đóng góp vào mức tăng trưởng 3 con số chỉ trong 1 tháng kể từ khi có thông báo chính thức về dịch bệnh tại Việt Nam. Xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

 

Giao dịch online bùng nổ đã khiến kênh bán hàng trực tuyến của Bách Hóa Xanh ít nhiều bị quá tải. Ở VinMart, VinMart+, bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing VinID, cho biết số lượng người mua sắm trực tuyến trong mùa dịch đã tăng gấp 3 lần so với bình thường. Big C cũng ghi nhận đơn hàng mua trực tuyến qua hotline tăng 200% trong tháng 3.2020. Với các siêu thị thuộc Saigon Co.op, lượng khách mua sắm online và qua điện thoại tăng đột biến gấp 4-5 lần. 

Từ ngày 1.4.2020, các cơ quan chức năng khẳng định hệ thống siêu thị vẫn hoạt động bình thường và hàng hóa dồi dào. Sở Công Thương TP.HCM cũng khuyến khích người dân nên mua hàng trực tuyến. Riêng Co.opmart gửi tin nhắn thông báo siêu thị vẫn mở cửa và người dân có thể gọi điện đến siêu thị gần nhất để đặt hàng.

Các siêu thị cũng tìm cách thay đổi cơ cấu, tăng cường nhập hàng để đáp ứng nhu cầu. Đại diện Saigon Co.op cho hay, hệ thống luôn dự trữ nguồn hàng tăng 40% so với ngày thường. Tại Lotte Mart, lượng hàng dự trữ cũng tăng 50% so với ngày thường. “Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày và đang tiếp tục tăng", đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết. 

Sở Công Thương TP.HCM cũng đã xây dựng 3 tình huống cung ứng hàng hóa theo từng diễn biến dịch bệnh. Nếu rơi vào kịch bản xấu nhất, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất, cung cấp hàng hóa và phát huy kênh phân phối trực tuyến. Đồng thời giảm hoặc ngừng xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, tăng nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa tại thành phố và các tỉnh, thành.

 

Đối với vấn đề giao nhận, mỗi hệ thống siêu thị cũng đã có kế hoạch riêng. Trên wesbite của Công ty, Saigon Co.op tăng cường tuyển dụng vị trí giao hàng. Big C cũng gia tăng đội ngũ giao hàng và tăng tần suất giao hàng. Đặc biệt, các hãng xe công nghệ như Grab, Be đã tung ra dịch vụ mới là GrabMart, GrabAssistant hay “Be đi chợ” để phục vụ nhu cầu mua sắm online trong mùa dịch. 

Dù vậy, mua sắm kênh siêu thị online cũng có những bất tiện. Đó là nhu cầu cao dẫn đến việc thiếu hụt hàng hóa tạm thời. Việc giao hàng khá chậm và không ít đơn hàng chỉ giao được một phần. Những mặt hàng thường xuyên cháy hàng có thể kể đến như tôm khô, cá khô, cá hộp, thịt hộp, rau củ quả đông lạnh, nấm... Với thực phẩm tươi sống, người dân vẫn khó mua trên online. Điển hình, Big C không nhận giao các mặt hàng tươi sống, sản phẩm đông lạnh và sản phẩm từ sữa. Quá trình vận chuyển cũng có những rủi ro như hư, đổ, bể, rách. Điều này ít nhiều lý giải dù kênh online có những tiện ích nhưng người dân vẫn thích trực tiếp đến siêu thị.

Vấn đề đặt ra là tính an toàn khi đi siêu thị trong mùa dịch. Mới đây, Saigon Co.op đề nghị người dân chỉ nên đi một mình khi mua sắm ở siêu thị. Các siêu thị cũng đang tìm cách hạn chế việc tập trung đông đúc, yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn và giữ khoảng cách 2 mét.

Theo đề xuất của Tiến sĩ Robert Amler, Đại học Y New York (Mỹ), cựu Giám đốc Y khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người dân nên lập danh sách những thứ cần mua và sắp xếp thứ tự mua hàng theo quầy kệ sao cho thời gian mua hàng nhanh nhất. Ngoài ra, người dân cần rửa tay xà phòng trước và sau khi đi siêu thị, không chạm tay vào mặt, đeo găng tay và rửa sạch thực phẩm tươi ngay khi trở về nhà…

* Bạn có thể theo dõi nội dung của bài viết trên kênh YouTube của Nhịp Cầu Đầu Tư: