Ông Lý Ngọc Minh và người con trai Lý Huy Sáng. Ảnh: Quý Hòa
Deloitte: Chỉ 41% doanh nghiệp gia đình tự tin với kế hoạch kế nhiệm
Khảo sát “Doanh nghiệp Gia đình toàn cầu 2019: Mục tiêu dài hạn đáp ứng động lực ngắn hạn” của Deloitte công bố tại Việt Nam hôm 7.8 cho thấy, sự cân bằng giữa các tiêu chí ngắn hạn và mục tiêu dài hạn là giá trị khác biệt cốt yếu của các doanh nghiệp gia đình thành công.
Những doanh nghiệp gia đình thường có xu hướng phát triển trong dài hạn, dựa trên các giá trị chia sẻ, tầm nhìn và văn hóa, để có thể giúp họ duy trì kiểm soát doanh nghiệp của mình qua nhiều năm. Tuy nhiên, bản thân quyền sở hữu gia đình không thể đảm bảo duy trì sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp gia đình.
Trong cuộc khảo sát này, Deloitte đã phỏng vấn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp gia đình từ 58 quốc gia về những thách thức và cơ hội mà họ đang phải đối mặt. Theo đó, việc duy trì quyền sở hữu gia đình là một trong những yếu tố quan trọng trong mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp gia đình, nhưng chỉ có 41% trong số doanh nghiệp được khảo sát cảm thấy tự tin đối với kế hoạch kế nhiệm của doanh nghiệp mình.
Theo bà Carl Allegretti, Lãnh đạo Toàn cầu khối Doanh nghiệp Tư nhân của Deloitte, trong các mục tiêu dài hạn của hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp gia đình thường mang tư tưởng theo đuổi và giải quyết các vấn đề ngắn hạn trước mắt. Tuy nhiên, điều này có thể cần thiết tại thời điểm xảy ra vấn đề, nhưng có thể dẫn đến sự thất bại trong việc hỗ trợ tầm nhìn dài hạn và mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp.
Sự mất cân bằng giữa mục tiêu lâu dài và ưu tiên ngắn hạn có thể gây tổn hại đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống và di sản gia đình, cũng như nguồn tài chính của các doanh nghiệp gia đình, bà Carl Allegretti nhận xét.
Trong báo cáo này, Deloitte cho rằng, việc duy trì tài sản gia đình, bảo vệ di sản và bảo toàn vốn gia đình là ba trong số những thách thức chính đối với mỗi doanh nghiệp gia đình, nhưng nhiều gia đình vẫn chưa chú trọng việc xây dựng một kế hoạch kế nhiệm chính thức.
Theo khảo sát, có đến 68% các lãnh đạo doanh nghiệp gia đình chia sẻ rằng họ có ý định duy trì công việc kinh doanh của gia đình, nhưng chỉ có 26% trong số họ có kế hoạch kế nhiệm cho vị trí CEO, và con số đó còn thấp hơn đối với các vị trí lãnh đạo cao cấp (C-suite) khác.
Hơn nữa, chưa đến 1/3 số người được hỏi tin rằng gia đình họ có chung một tầm nhìn về sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Tỷ lệ tương đương số người trả lời rằng họ sẵn sàng đánh đổi một số quyền sở hữu doanh nghiệp nhất định để đạt được nhiều hiệu quả tài chính hơn trong dài hạn.
Điều các doanh nghiệp gia đình chú ý là việc bán cổ phần thiểu số cho các doanh nghiệp gia đình khác hay các tổ chức quản lý tài sản tư nhân có thể được sử dụng như một hình thức thay thế để thu hút vốn, trong khi vẫn duy trì hướng đi với tư cách của một doanh nghiệp gia đình.
Đáng chú ý, khi được hỏi về các yếu tố thúc đẩy sự ổn định và thành công trong tương lai của doanh nghiệp, các lãnh đạo của doanh nghiệp gia đình có xu hướng chọn sự linh hoạt (61%) và khả năng đổi mới (39%), kể cả khi điều đó có thể dẫn đến những kết quả tiêu cực và làm giảm sự thịnh vượng của doanh nghiệp.
Trong khi một số công ty cam kết mở rộng kinh doanh theo ngành hoặc địa lý, chỉ có 26% coi việc đa dạng hóa là một cách để duy trì hoạt động kinh doanh trong vòng 10 đến 20 năm tới.
Deloitte khuyến cáo các doanh nghiệp gia đình nên xác định được mục tiêu dài hạn của họ trong 10 tới 20 năm, đồng thời tập trung nguồn lực vào hoàn thành những chỉ tiêu từ 6 đến 12 tháng, sự kết hợp này sẽ giúp các doanh nghiệp gia đình đảm bảo một sự chuyển giao phù hợp để duy trì tầm nhìn rõ ràng từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua đó sẽ tạo được lợi thế vượt lên đối thủ trong dài hạn.