Thị trường trữ đông trứng đang tăng theo cấp số nhân trên toàn cầu. Ảnh: vinmec.com.
“Đẻ chậm” thời “sống nhanh”
Không giống những cô bạn hiện đại không có quá nhiều mong đợi về con cái trong nhóm những cô nàng độc thân tuổi 30, Quỳnh Thi vẫn ấp ủ ước mơ được làm mẹ. Cô đã lưu trữ trứng khi ở độ tuổi sinh nở khỏe mạnh vài năm trước. Xinh đẹp và có công việc ở vị trí quản lý, thích du lịch cùng bạn bè và tận hưởng cuộc sống thời son trẻ, Quỳnh Thi xem việc chưa kết hôn là cái cớ để cô chưa sinh con ở thời điểm khỏe mạnh nhất về mặt thể chất. Việc trữ trứng cũng là một lựa chọn để thế hệ tiếp theo của cô sẽ được tạo ra từ những tế bào tốt nhất, ngay cả khi cơ thể cô lúc ấy đã già cỗi hơn vài năm rồi.
Những lựa chọn như của Quỳnh Thi là dễ hiểu trong bối cảnh ngày càng nhiều phụ nữ thích lối sống độc thân. Khảo sát cũng cho thấy phụ nữ luôn cao hơn nam giới trong việc trả lời dự định sống độc thân hoặc chấp nhận hiện tượng sống độc thân. Kết quả là, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Tống Thùy Linh, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tỉ lệ gia đình một người năm 2019 là 10%, tăng 3% trong 10 năm. Tuy tỉ lệ này thấp hơn Nhật, Hàn Quốc rất nhiều, nhưng gia đình một thành viên tại Việt Nam được dự đoán sẽ chiếm tới 1/5 tổng số hộ vào năm 2040.
Cuộc tổng điều tra dân số năm 2019 đã tiết lộ tỉ suất sinh trong 20 năm tại Việt Nam giảm dần, từ trung bình mỗi phụ nữ sinh 2,25 con vào năm 2001 xuống còn 2,09 con năm 2019, xấp xỉ mức sinh thay thế của Việt Nam là 2,1. Cuộc điều tra cho thấy phụ nữ có học vấn càng cao, càng giàu lại càng sinh ít con. Những phụ nữ sống ở thành thị không những sinh ít con hơn mà còn sinh muộn hơn so với khu vực nông thôn, với mức sinh cao nhất ở thành thị là ở phụ nữ trong độ tuổi 25-29, trong khi con số này ở nông thôn là 20-24 tuổi.
Quay trở lại câu chuyện trữ đông trứng, một đề tài sẽ càng được nhắc đến nhiều khi tỉ lệ phụ nữ độc thân tăng cao trong tương lai. Tại Việt Nam, chi phí mỗi lần lưu trữ trứng dao động từ 60-90 triệu đồng, chưa tính phí duy trì hằng năm. Báo cáo của BDO (Anh Quốc) cho biết phí duy trì là khoản chi phí dễ dàng thay đổi biên lợi nhuận nhất so với các khoản phí khác của chu trình trữ trứng, bao gồm kích và lấy trứng, trữ trứng và sử dụng. Do chi phí vật tư khác nhau, biên lợi nhuận của chu kỳ trữ đông trứng ước tính khoảng 20% trong khi biên lợi nhuận của việc lưu trữ gần 90%.
Những quả trứng đã được làm lạnh ở nhiệt độ của nitơ lỏng sẽ không bị giới hạn thời gian lưu trữ. “Cho dù là 10 năm hay 100 năm sau, khi rã đông, trứng sẽ vẫn có chức năng như trứng tươi”, Thạc sĩ - Bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), giải thích. Trước đây, phụ nữ được khuyến nghị sinh trước 35 tuổi nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả người mang thai lẫn thai nhi. Đây cũng là độ tuổi tối đa mà một số nước phát triển quy định được trữ đông trứng. Tuy nhiên, đứng trước tỉ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng, một số nước đã nới rộng độ tuổi tối đa, như tăng lên 37 tuổi tại Singapore.
Tỉ lệ sinh sụt giảm cũng khiến Anh nâng thời gian cho phép lưu trữ trứng từ 10 năm lên 55 năm. Việc nới rộng thời gian được phân tích chỉ có lợi cho những người trẻ. Trong khi đó, những phụ nữ bắt đầu trữ trứng từ tuổi 30 đứng trước lựa chọn khó khăn là hủy hay tiếp tục đóng tiền để làm lạnh những quả trứng của mình khi họ đang bước qua ngưỡng sinh nở. “Từ 40 tuổi trở lên, chúng tôi sẽ tạo phôi ngay khi lấy được trứng”, bác sĩ Huỳnh Như giải thích, “nếu người phụ nữ gần 50 nên cân nhắc về việc mang thai”.
Báo cáo của HFEA (Anh) cho biết độ tuổi trữ trứng phổ biến nhất là 38, trong khi độ tuổi rã đông trứng phổ biến là 40. Bác sĩ Huỳnh Như cho biết cùng với sự phát triển của kỹ thuật, trứng của phụ nữ từ 40 tuổi trở xuống cho tỉ lệ thụ thai như nhau ở mức 60-65%, không phân biệt trứng vừa mới lấy ra hay là trứng trữ đông.
Hai lần hút trứng không có nhân, Ngọc Mai tìm đến việc trữ trứng xuất phát từ một nỗi lo khác, cô có dự trữ buồng trứng (AMH) ở mức rất thấp. Nhưng Ngọc Mai không phải là cô gái trẻ hiếm hoi ở trong tình trạng “ít tài sản”. “47% bệnh nhân đến trung tâm có chỉ số dự trữ buồng trứng dưới 1,2”, bác sĩ Huỳnh Như thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, chia sẻ. Thông thường, phụ nữ khỏe mạnh dưới 38 tuổi có nồng độ AMH trong khoảng 2-6,8 ng/ml. Mức AMH thấp, 1-1,5 ng/ml cho thấy khả năng dự trữ buồng trứng thấp nhưng vẫn có cơ hội mang thai. Hiện nay suy buồng trứng sớm đang có dấu hiệu trẻ hóa, nhiều phụ nữ trong độ tuổi 20-30 đã đối mặt với tình trạng này.
Thị trường trữ đông trứng đang tăng theo cấp số nhân trên toàn cầu. Theo nghiên cứu của BDO, thị trường đã tăng trưởng với tốc độ 18,3% từ năm 2016 và sẽ đạt quy mô 7,8 tỉ bảng Anh (khoảng 226.000 tỉ đồng) vào năm 2027. “Tuy nhiên, trữ đông trứng không nên được xem là một biện pháp bảo hiểm sinh sản vì việc này không đảm bảo thành công”, Aileen Feeney, Giám đốc Điều hành của Mạng lưới Sinh sản từ thiện, nhận định trong một bài báo trên Guardian. Bà nói những phụ huynh tương lai cần cân nhắc đến việc trứng có thể không sống sót được và tỉ lệ sinh từ trứng trữ đông thấp.
Chỉ 1/5 số trứng trữ đông được sử dụng. Đã vài năm trôi qua, Quỳnh Thi vẫn chưa có cơ hội rã đông số trứng của mình. Có khả năng người đàn ông của cô sẽ sớm xuất hiện và cô sẽ thụ thai một cách tự nhiên. Cũng có khả năng cô sẽ chi thêm một món tiền nữa để thực hiện thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi cơ thể sinh học của cô chạm ngưỡng cuối cùng để sinh nở thuận tiện.
Có thể bạn quan tâm: