Ảnh: TL.
Đây là cách Thế Giới Di Động, Apple, Yahoo, Google, HSBC giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc
“Hồi trước, Thế Giới Di Động cũng chỉ là vài cửa hàng. Nhìn ra xung quanh, thấy các doanh nghiệp khác phát triển rần rần, mình cũng đâu có kém họ mà tại sao mình vẫn ì ạch thế? Sau khi trăn trở và đưa yêu thương vào làm giá trị cốt lõi và thúc đẩy quyết liệt bộ máy lãnh đạo, thì tình hình đã khác. Bởi tôi cho rằng, chúng tôi đang kinh doanh ngành dịch vụ, nên yếu tố yêu thương phải được coi là vô cùng quan trọng, khác hẳn các ngành khác. Một nhân viên không hạnh phúc thì không thể nào anh ta mang niềm vui đến cho những người khách hàng xa lạ”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế Giới Di Động, kể lại. Ông Tài cho biết, 2015 là năm phát triển “nóng” của Công ty, cũng đồng thời là năm đạt chỉ số gắn kết đội ngũ cao nhất (theo báo cáo khảo sát do Dale Carnegie Việt Nam thực hiện).
Ông Nguyễn Đức Tài. Ảnh: TL |
Cho đến nay, Thế Giới Di Động trở thành công ty bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam và đang hướng tới con số doanh thu 10 tỉ USD. Bài học “hạnh phúc” của nhân viên tại công ty Việt Nam này nằm trong xu hướng đang lan tỏa khắp thế giới, trong cả những tập đoàn công nghệ lớn nhất.
Những văn phòng vui khỏe
Chẳng hạn, tại Google, có một kỹ sư với nhiệm vụ khá bất thường: Làm cho mọi người hạnh phúc và thế giới yên bình hơn. Đó là khởi điểm của khóa học “Tìm kiếm từ chính mình” mà tập đoàn công nghệ này vẫn duy trì cho đến nay với các bài tập đơn giản: Giữ cho đầu óc bình thản, ghi nhận những khoảnh khắc vui vẻ, mong muốn người khác được hạnh phúc.
Nhiều tập đoàn công nghệ như Apple, Yahoo! cũng tìm đến các khóa thiền để giúp nhân viên tĩnh tâm, cân bằng cuộc sống và áp lực công việc nhằm hướng tới cuộc sống hạnh phúc. Expedia chi cho mỗi nhân viên 14.000 USD/năm để làm cho họ cảm thấy vui vẻ. Một số công ty khác cho phép nhân viên được nghỉ phép không giới hạn để làm những gì mình thích mà lâu nay không có thời gian; hay cung cấp thực phẩm miễn phí, thậm chí trang bị đồ chơi trong văn phòng để nhân viên cảm thấy làm việc vui hơn...
Ngay cả trong lĩnh vực ngân hàng, HSBC cũng thực hiện chiến dịch “Hãy nói lên suy nghĩ của bạn (Speak Your Mind)” với mục tiêu mọi nhân viên đều có một ai đó hỗ trợ họ trong vấn đề sức khỏe tâm thần. Những chú trọng của Tập đoàn HSBC vào sức khỏe tâm thần đã đạt được sự công nhận từ Gates Foundation - tổ chức từ thiện do Bill và Melinda Gates thành lập để bảo vệ sự thay đổi xã hội trên toàn thế giới. Vào tháng 9.2019, chiến dịch “Hãy nói lên suy nghĩ của bạn” đã thúc đẩy tiến trình hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp Quốc nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người đến năm 2030.
Giá trị của người lao động hạnh phúc
Trong một thế giới biến động, guồng quay và áp lực công việc, cuộc sống khiến con người càng ngày càng trở nên cô đơn và khó khăn hơn trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Và chúng ta phải trả một cái giá rất đắt cho việc coi thường hạnh phúc. Hơn 25% người Mỹ bị chứng rối loạn tâm lý ít nhất 1 lần trong đời và trong 1 năm thì gần như cứ 10 người lại có 1 người trải qua trạng thái trầm cảm kéo dài vài tuần... Báo cáo của Cơ quan châu Âu vì sự an toàn và sức khỏe trong công việc mới đây cho biết, hằng năm, trên thế giới có đến 550 triệu ngày công bị thất thoát và hơn 50% số thất thoát này liên quan đến những người nghỉ việc vì bị stress.
Theo nhà kinh tế học Jan-Emmanuel De Neve, Giáo sư tại Đại học Oxford, việc lấy hạnh phúc của đội ngũ lao động làm trọng tâm trong các quyết định kinh doanh hay các chính sách sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ông chỉ ra một nghiên cứu năm 2014, trong đó cho thấy việc nâng cao hạnh phúc của các lao động giúp tăng năng suất làm việc của họ cao hơn từ 7-12%.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã so sánh các công ty trong danh sách “Những công ty tốt nhất để làm việc” hằng năm của Fortune với các công ty cùng ngành trên thị trường chứng khoán. Họ nhận thấy rằng các công ty tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên làm việc sẽ có kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với các công ty khác.
Trong nghiên cứu Báo cáo hạnh phúc thế giới gần đây nhất của Liên hiệp Quốc, chuyên gia De Neve cho thấy rằng sự hăng say trong công việc phụ thuộc vào việc liệu bạn có bị thu hút bởi công việc đang làm hay không, liệu bạn có ý thức được, có ủng hộ cho sứ mệnh của công ty mình hay không. “Điều quan trọng là khả năng tạo ra sự khác biệt cho xã hội, sống có mục đích và làm cho nó bền vững hơn. Mọi người muốn làm việc cho một công ty có khả năng làm cho thế giới tốt đẹp hơn”, De Neve cho biết.Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dragon Capital, nhà đầu tư tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, cho rằng việc xây dựng thước đo giá trị hạnh phúc cho doanh nghiệp có thể tham khảo các chỉ số từ quốc gia hạnh phúc Bhutan.
Trong đó, nền tảng đầu tiên là những giá trị cơ bản như chất lượng sống, sức khỏe, giáo dục, thời gian làm việc, triết lý sống, kết nối cộng đồng... nâng cao hơn là các giá trị xã hội như bộ máy chính quyền, khả năng thích ứng, khả năng chấp nhận với hoàn cảnh sống khác nhau, sự kiên cường... Nếu doanh nghiệp đáp ứng được 3 nhu cầu này thì niềm tin từ người lao động sẽ hình thành, dẫn theo đó là cam kết gắn bó lâu dài, cùng nhau xây dựng mục tiêu chung.
Từ những điều học được từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các doanh nhân luôn đặt niềm vui, niềm hạnh phúc của công nhân làm trọng tâm. “Hầu hết mọi người có thể nghĩ rằng, thành công trong kinh doanh cũng như sự giàu có mang lại hạnh phúc cho tôi. Nhưng điều ngược lại mới là sự thật. Tôi thành công, giàu có và có nhiều mối quan hệ xã hội vì tôi hạnh phúc”, tỉ phú Richard Branson, người sáng lập Virgin Group, sở hữu khối tài sản 4 tỉ USD, tổng kết về thành công của mình.